Ngành thép “hướng ngoại” tìm cơ hội

Trong tình hình khó khăn chung của thị trường trong nước, tìm lối ra bằng xuất khẩu là giải pháp hữu hiệu cho ngành vật liệu xây dựng nói chung, trong đó có ngành thép. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp (DN) thép đã khai thác tốt cách làm này.


Thị trường trong nước trầm lắng


Từ đầu năm đến nay, nhiều nhà máy thép lớn trong nước đã đưa các dây chuyền mới vào hoạt động khiến nguồn cung trong nước tăng cao. Trong khi đó, nhu cầu thép trong nước giảm do đầu tư công giảm, thị trường bất động sản đóng băng, nhiều công trình xây dựng bị đình trệ. Những yếu tố trên dẫn đến thị trường thép trong nước ảm đạm. Thậm chí, một số DN đã chiết khấu cao nhằm kích cầu, đẩy mạnh sản lượng thép bán ra.

 

Làm lạnh phôi thép sau khi ra lò tại Nhà máy luyện thép Lưu Xá (Thái Nguyên).Trọng Đạt – TTXVN.


Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tình trạng cung vượt cầu đã khiến các DN sản xuất cầm chừng. Sản lượng sắt, thép sản xuất trong tháng 11 ước đạt hơn 220 nghìn tấn, giảm 13,6% so với tháng 11/2012; thép thanh, thép góc ước đạt hơn 275 nghìn tấn, giảm hơn 12%. Tính chung 11 tháng đầu năm so với cùng kì, sản lượng sắt, thép sản xuất giảm 10,8%.


Ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch Công ty Thép Việt cho biết, do thị trường bất động sản trầm lắng nên việc tiêu thụ là rất khó khăn. Giám đốc Công ty thép Tây Đô, ông Huỳnh Trung Quang đánh giá, do sức tiêu thụ thấp trong khi công suất sản xuất lại lớn và còn phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu nên các DN cần có sự hợp tác trong sản xuất và kinh doanh.


Trong bối cảnh khó khăn là thị trường nội địa trầm lắng, công suất sản xuất thép vượt xa nhu cầu tiêu thụ như vậy nên các DN phải đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu.


Đẩy mạnh xuất khẩu


Theo Bộ Công Thương, 10 tháng đầu năm 2013, xuất khẩu mặt hàng thép xây dựng là 1,8 triệu tấn, trị giá 1,4 tỷ USD, tăng 19,2% về lượng và tăng 12,5% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. 11 tháng qua, xuất khẩu sắt, thép các loại đã tăng hơn 10% so với cùng kỳ. Các DN thép đã không ngừng nỗ lực mở rộng thị trường tiêu thụ. Đến nay, Việt Nam đã mở rộng xuất khẩu sắt thép sang 26 thị trường trên thế giới. Một số sản phẩm thép đã tăng mạnh lượng xuất khẩu là tôn mạ kim loại và sơn phủ màu, thép hình, thép không gỉ…

Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam, năm 2013, các DN thuộc Hiệp hội đã sản xuất gần 5 triệu tấn thép và tiêu thụ hơn 4,6 triệu tấn, lượng thép tồn kho còn khoảng 300.000 tấn. Năm 2014, khả năng tiêu thụ thép sẽ không nhiều đột biến, có thể mức tăng khoảng từ 2 - 3% so với năm nay. Ước tính hết năm 2013, các DN sẽ xuất khẩu được khoảng 2,5 triệu tấn thép và các sản phẩm về thép, giá trị kim ngạch đạt trên 2 tỷ USD.


Ông Nguyễn Mạnh Quân, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) cho biết, theo dự báo, năm 2013 sản lượng sắt, thép xuất khẩu có thể đạt hơn 2,3 triệu tấn (tăng 30%). Việc các DN thép tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu đã giúp tháo gỡ khó khăn cho ngành vật liệu xây dựng và đóng góp vào việc tăng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.


Đại diện cho các nhà sản xuất, ông Đỗ Duy Thái cho hay, các DN sản xuất thép trong nước nói chung đang đẩy mạnh xuất khẩu để giải quyết vấn đề đầu ra cho sản phẩm. Năm 2013, chỉ riêng Pomina ước sẽ xuất khẩu khoảng 130.000 tấn và dự kiến năm 2014 sẽ tăng khoảng 30%.


Thời gian tới, khi Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, các DN sản xuất và xuất khẩu thép Việt Nam sẽ được hưởng lợi lớn từ hiệp định này, nhất là trong hoạt động xuất khẩu. Theo các chuyên gia kinh tế, các DN thép của Việt Nam sẽ được hưởng mức thuế suất giảm đáng kể để đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần tăng lượng sản phẩm tiêu thụ và giảm bớt hàng tồn kho.


Nhìn nhận về cơ hội của ngành thép khi bước vào sân chơi lớn là Hiệp định TPP, ông Nguyễn Tiến Nghi, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, để đẩy mạnh xuất khẩu, các DN thép phải chú trọng đầu tư về kỹ thuật để tăng năng suất, giảm giá thành và chú trọng nâng cao chất lượng để tăng khả năng cạnh tranh.


Để tăng cường xuất khẩu thép, theo ông Phạm Chí Cường, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, Chủ tịch Hội Khoa học kĩ thuật Đúc - Luyện kim Việt Nam, các doanh nghiệp thép trong nước cần phải không ngừng xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm của mình tại các thị trường mới như Mỹ, châu Phi, Trung Đông... Đồng thời, nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản phẩm thép. "Về phía các cơ quan nhà nước, cần phải có chính sách thông thoáng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu", ông Cường nói.


Theo ông Cường, có ba lý do Việt Nam cần tiếp tục tăng cường xuất khẩu thép. Thứ nhất, ngành thép hiện nhập siêu lớn. Một nửa số thép trong nước chưa sản xuất được, trong đó phải nhập cả nguyên liệu cho sản xuất thép xây dựng, với mức gần 5 tỷ USD/năm. Do đó, cần phải xuất khẩu để giảm gánh nặng nhập siêu. Thứ hai, sản xuất thép xây dựng trong nước hiện lớn gấp hai lần nhu cầu thực. Do đó, việc xuất khẩu sẽ giúp giảm tồn kho, các nhà máy thép duy trì sản xuất. Thứ ba, chất lượng thép trong nước ngày càng được nâng cao và đã bước đầu xây dựng được thương hiệu tại các nước trong khu vực.


Hoàng Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN