Theo đài Spuntik, những diễn biến mới nhất về chính trường Mỹ đang làm dấy lên đồn đoán về một chiến thắng cho ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden. Nếu như ông đắc cử trong cuộc bầu cử năm nay, đảng Dân chủ có thể tuyên bố chiếm thế đa số ở Thượng viện và hoàn toàn kiểm soát Quốc hội.
Một số giám đốc điều hành quỹ đầu cơ nói rằng mặc dù chính sách năng lượng của ứng viên Joe Biden không quá rõ ràng song trước mắt, họ sẽ để mắt tới hai tác động tiềm tàng của chiến thắng cho đảng Dân chủ lên thị trường và ngành công nghiệp dầu thô.
Đầu tiên, ứng viên Biden cam kết nếu được bầu vào Nhà Trắng, Mỹ sẽ tái tham gia thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Trước đó, Tổng thống Trump rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận với lý do đây là một "gánh nặng kinh tế không công bằng" đối với người dân quốc gia này.
Các cam kết tranh cử của ông Biden bao gồm kế hoạch trị giá 2 tỷ USD loại bỏ khí thải gây hiệu ứng nhà kính khỏi mạng lưới điện của Mỹ trong vòng 15 năm, khử carbon trong sản xuất điện của Mỹ vào năm 2035 và đầu tư cơ sở hạ tầng đáng kể cho điện khí hóa giao thông. Tuy nhiên, rất khó có thể dự đoán được chi phí cho những dự án đầy tham vọng trên, đặc biệt là tác động đáng kể của nó đối với ngành dầu khí tự nhiên của Mỹ - ngành hỗ trợ 10,3 triệu việc làm tại đây và chiếm gần 8% tổng sản phẩm quốc nội.
Bên cạnh đó, chính quyền Nhà Trắng của ông Biden có thể ảnh hưởng trực tiếp đến số phận thỏa thuận hồi tháng 4 vừa qua của Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+).
Thỏa thuận trên đã giúp phục hồi giá dầu thô vào đầu năm nay sau khi nhu cầu dầu giảm mạnh trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hoành hành toàn cầu và cuộc chiến về giá giữa OPEC và các nước ngoài OPEC.
Vào ngày 12/4, 24 quốc gia OPEC + đã ký kết một thỏa thuận buộc các bên ký kết phải giảm sản lượng dầu thô 9,7 triệu thùng/ngày trong tháng 5 và tháng 6. Tổng thống Trump đe dọa sẽ đình chỉ hỗ trợ quân sự cho Saudi Arabia nếu nước này không nhanh chóng cắt giảm sản lượng dầu thô để hỗ trợ thị trường.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng một “Tổng thống Biden” sẽ không mấy mặn mà với thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu. Việc giữ nguyên các khoản cắt giảm của OPEC sẽ không phải là ưu tiên đối với một chính quyền tập trung vào cuộc cách mạng năng lượng sạch.
Ngoài ra, ứng viên Biden từng bày tỏ muốn tái gia nhập thỏa thuận Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) về hạt nhân của Iran mà trước đó Tổng thống Trump đã xé bỏ vào năm 2018.
Trong suốt quá trình vận động tranh cử, ông Biden cho biết sẵn sàng theo đuổi một đường lối ngoại giao hơn đối với Iran.
Theo Kevin Book – người đứng đầu Viện nghiên cứu năng lượng Clearview Energy Partners, chính sách Iran của ứng viên Biden có thể chấm dứt các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với xuất khẩu dầu của Iran chỉ vài ngày sau khi ông bước chân vào Nhà Trắng. Điều này kết hợp với viễn cảnh Saudi Arabia không còn bị Mỹ gây sức ép trong việc cắt giảm sản lượng dầu, có thể làm cho sản lượng dầu trên thế giới tăng vọt và gây "ngập lụt" thị trường vì nguồn cung quá lớn.