Ngành công nghiệp ICT: Chuyển từ gia công sang sáng tạo

Thời gian qua, ngành công nghiệp công nghệ thông tin (ICT) duy trì tốc tăng trưởng, trở thành điểm sáng trong bức tranh phát triển kinh tế. Một định hướng rõ nét của ngành công nghiệp ICT là chuyển từ gia công sang sáng tạo.

Chủ động trong tình hình mới

Công nghiệp ICT là một trong những lĩnh vực có tốc độ bứt phá trong thời gian qua, nhất là giai đoạn chuyển đổi số được phát động và sự thích ứng do tác động của dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Mô hình đô thị thông minh đang được một số thành phố nghiên cứu triển khai.

Các doanh nghiệp công nghệ thông tin cũng có sự đầu tư, chuyển hướng rõ nét. Đơn cử như FPT Smart Cloud là công ty thành viên thứ 8 của tập đoàn FPT, tập trung kinh doanh mảng điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo (AI). Đây là các công nghệ cốt lõi thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, giúp các tổ chức, doanh nghiệp tối ưu vận hành, đột phá hiệu suất.

“Ngay những tháng đầu năm 2021, FPT Smart Cloud đã ký hợp tác với một ngân hàng thương mại trong lĩnh vực AI và điện toán đám mây nhằm nâng cao hiệu suất vận hành và đảm bảo hoạt động chăm sóc khách hàng liên tục trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19”, đại diện FPT Smart Cloud cho biết.

Trong giai đoạn 5 năm 2016 - 2020, ngành công nghiệp ICT Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, với tốc độ tăng trưởng trung bình 26,1%/năm, trở thành một trong những ngành kinh tế có doanh thu lớn, đóng góp nhiều cho ngân sách nhà nước.

Năm 2020, doanh thu ngành ICT đạt 120 tỷ USD, trong đó doanh thu công nghiệp phần cứng đạt trên 107 tỷ USD, doanh thu công nghiệp phần mềm đạt trên 5 tỷ USD, doanh thu công nghiệp nội dung số đạt trên 900 triệu USD...

Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 2 về sản xuất điện thoại và linh kiện, thứ 10 thế giới về sản xuất điện tử và linh kiện. Đây cũng là 2 mặt hàng chiếm vị trí số 1 và 3 trong danh sách 10 sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đưa ngành công nghiệp ICT trở thành ngành xuất khẩu và xuất siêu lớn nhất của nền kinh tế. Việt Nam đứng thứ 13 thế giới về dịch vụ công nghệ số.

Tuy nhiên, theo Bộ Thông tin và Truyền thông, dù tăng trưởng nhưng ngành công nghiệp ICT vẫn chủ yếu gia công, lắp ráp và làm thuê, chưa có nhiều sản phẩm tự nghiên cứu, sản xuất.

“Hơn 90% doanh nghiệp ICT tại Việt Nam là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chủ yếu tham gia các hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại sản phẩm. Khó khăn nữa là về tiếp cận vốn. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh nghiệp công nghệ thông tin, nhất là doanh nghiệp phần mềm, nội dung số không thể có tài sản gì ngoài tài sản trí tuệ, con người nên không thể dùng thế chấp để được vay vốn ngân hàng”, đại diện Vụ Công nghệ Thông tin cho biết.

Đáng chú ý, theo các doanh nghiệp công nghệ số, đặc biệt là doanh nghiệp nội dung số, hiện có tình trạng “bảo hộ ngược” do việc không tuân thủ các quy định thuế, đăng ký kinh doanh, rà soát nội dung của các doanh nghiệp dịch vụ, nền tảng xuyên biên giới. Trong khi các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam chấp hành nghiêm túc các quy định của luật pháp dẫn đến tình trạng bất bình đẳng giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước…

Tạo dựng sản phẩm Make in Vietnam

Trong chương trình phát triển công nghiệp ICT giai đoạn 2021-2025, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xác định đây là ngành nâng cao hiệu quả của nền kinh tế, giải quyết việc làm và đóng góp lớn hơn nữa cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, nếu không có sự thay đổi, ngành này sẽ tụt hậu, phụ thuộc và kém cạnh tranh.

“Nếu lĩnh vực công nghiệp ICT vẫn là lắp ráp, gia công, làm thuê thì vẫn như cũ. Sứ mệnh mới luôn là khởi đầu cho sự thay đổi. Trước đây gia công là chính thì nay Make In Vietnam. Trước đây chú trọng vào xuất khẩu thì nay chú trọng hơn vào thị trường nội địa. Trước đây giải bài toán của nước ngoài thì nay giải bài toán Việt Nam để giúp Việt Nam phát triển và từ đây đi ra toàn cầu... Do đó, nếu công nghiệp ICT là phát triển các doanh nghiệp công nghệ số, làm chủ công nghệ, thiết kế, sáng tạo và làm ra tại Việt Nam, giải bài toán giúp Việt Nam phát triển và từ đây đi ra chinh phục thế giới…, thì lĩnh vực công nghiệp ICT đã nhận về mình một sứ mệnh hoàn toàn mới”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Với ngành công nghiệp ICT, năm 2020 đánh dấu mốc lần đầu tiên Việt Nam công bố chính thức về định hướng phát triển doanh nghiệp công nghệ số, chiến lược Make in Vietnam. Số doanh nghiệp công nghệ số tăng 28%, đạt gần 60.000 doanh nghiệp.

Từ những định hướng chiến lược, những nội dung lớn đã được phác họa, ngành công nghiệp ICT sẽ đặt mục tiêu lớn hơn trong giai đoạn tới. Theo đó, hạ tầng viễn thông trở thành hạ tầng số và chuyển đổi số với ba trụ cột là Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Việt Nam nỗ lực trở thành cường quốc an ninh mạng để bảo vệ sự thịnh vượng Việt Nam trên không gian mạng, phát triển 100.000 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam với sứ mệnh Make in Vietnam.

XM/Báo Tin tức
Chủ động tham gia phòng chống tin xấu độc trên không gian mạng
Chủ động tham gia phòng chống tin xấu độc trên không gian mạng

Sau khi đăng loạt bài về tin xấu độc bủa vây trẻ em trên không gian mạng, báo Tin tức ghi nhận ý kiến của cơ quan chức năng và chuyên gia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN