Ngành bán lẻ hoạt động hết công suất phục vụ nghỉ lễ

Ghi nhận tại thị trường TP Hồ Chí Minh trong kỳ nghỉ Lễ Giỗ tổ Hùng Vương (Mùng 10/3 Âm lịch); Lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, ngành bán lẻ đã hoạt động hết công suất phục vụ người dân mua sắm, ăn uống.

Chú thích ảnh
Hàng hóa tiêu dùng thiết yếu có nguồn cung dồi dào trong hệ thống bán lẻ tại TP Hồ Chí Minh. 

Cùng đó, nhiều nhà bán lẻ kích cầu tiêu dùng bằng hàng loạt chương trình giảm giá, khuyến mãi đã tạo được sức hút với khách hàng trong dịp này.

Chị Mai Trang, nhân viên văn phòng quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh chia sẻ, kỳ nghỉ lễ này gia đình không về quê, cũng không đi du lịch nên tranh thủ cơ hội mua sắm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu chất lượng với giá khuyến mãi, giảm giá. Điển hình, thời tiết khu vực miền Nam nắng nóng và các em thiếu nhi sắp bước vào kỳ nghỉ hè nên cần một số quần áo, giày dép phù hợp cho hoạt động học tập, vui chơi ngoại khóa.

Đồng quan điểm, anh Quốc Việt, cư ngụ tại thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh cho biết, trước kỳ nghỉ lễ gia đình đã mua sắm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu phục vụ nhu cầu ăn uống, vui chơi tại nhà. Tuy nhiên, hôm nay (ngày 3/5), gia đình tranh thủ đi ăn ngoài và mua sắm thêm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu để chuẩn bị trở lại công việc sau kỳ nghỉ lễ.

Nhiều người tiêu dùng khác trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, trước bối cảnh giao thông diễn biến tương đối phức tạp nên lựa chọn phương án đi du lịch ngắn ngày và thời gian còn lại sẽ vui chơi, giải trí tại thành phố. Bên cạnh đó, tình hình kinh tế vẫn còn nhiều thách thức, thu nhập người dân chưa tăng cao nên tận dụng điều kiện mua sắm trong những chương trình kích cầu tiêu dùng của nhà bán lẻ, doanh nghiệp sẽ giúp người dân tiết kiệm được phần nào chị phí sinh hoạt hàng ngày cho gia đình.

Chú thích ảnh
Nhóm hàng may mặc khuyến mại từ 20-50% tại nhiều trung tâm thương mại ở TP Hồ Chí Minh. 

Báo cáo nhanh từ một số trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cho thấy, sức mua hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trong kỳ nghỉ dài ngày này tăng gấp 2 và 3 lần so với ngày thường. Sức mua tăng tập trung vào nhóm ngành hàng rau củ, quả; thủy hải sản; thực phẩm đông lạnh và sơ chế; thực phẩm chế biến sẵn; bia, nước giải khát...

Dịp nghỉ lễ cũng trùng khoảng thời gian Co.opmart thực hiện sinh nhật hệ thống lần thứ 27 nên khách hàng sẽ được hưởng lợi ích "kép", vừa được khuyến mãi, nhận quà, nhận điểm thưởng từ chương trình sinh nhật vừa đón nhận hàng ngàn mặt hàng giảm giá sâu mừng đại lễ. Chương trình "Sale tưng bừng – ăn mừng lễ lớn" giảm giá từ 50% toàn bộ 5 ngành hàng, nhất là ngành hàng thực phẩm tươi sống, bia, nước giải khát phục vụ nhu cầu tổ chức tiệc họp mặt, những chuyến du lịch xa.

"Mua nhiều ưu đãi lớn" là chương trình mua hàng có điều kiện dành cho khách hàng, với các mặt hàng được bán với giá vốn hoặc với giá 0 đồng khi mua mặt hàng thứ 2 cùng loại trở lên. Hay tham gia chương trình "Giá sốc giảm tận gốc", khách hàng được giảm giá lên 50% đa dạng sản phẩm chăm sóc cá nhân...

Đại diện MM Mega Market cho hay, ngoài chuẩn bị và sẵn sàng nguồn cung tăng hàng hóa lên đến 25-30%, trung tâm chào mừng đại lễ với hàng loạt ưu đãi cho hơn 1.000 mặt hàng với giá cả cạnh tranh nhất. Song song đó, MM Mega Market kết hợp cùng 200 nhà cung cấp lớn trong nước cung ứng 500 mặt hàng thực phẩm chế biến, nước giải khát, nhu yếu phẩm… với giá bình ổn.

Chú thích ảnh
Nhóm hàng rau xanh được người dân TP Hồ Chí Minh ưu tiên lựa chọn cho các bữa ăn hằng ngày. 

Đặc biệt, những quầy phục vụ đồ ăn, thức uống tại chỗ ở nhiều trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị trên địa bàn TP Hồ Chí Minh như Giga Mall, Aeonmall, MM Mega Market, Co.opXtra... cũng nhộn nhịp khách hàng là những gia đình mua sắm kết hợp ăn uống. Riêng một số chuỗi cửa hàng đồ ăn, thức uống nằm trong trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị như Phúc Long Coffee & Tea, Highland Coffee, Trung Nguyên Legend Cafe, Starbucks Coffee... cũng tập trung đông đúc giới trẻ và khách hàng trong những ngày nghỉ lễ vừa qua. 

Theo báo cáo Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh, trong tháng 4/2023, một số ngành hàng và dịch vụ có sự chuyển biến tích cực gồm: bán lẻ hàng lương thực thực phẩm duy trì mức tăng trên 4%; đồ dùng dụng cụ gia đình tăng cao 11,4%; các mặt hàng điện thoại, máy tính, linh kiện điện tử cũng tăng mạnh 33,8%... Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4/2023 tăng 12,2% so tháng trước, tăng 6,2% so tháng 4/2022; cộng dồn 4 tháng đầu năm 2023 tăng 5,0% so cùng kỳ (tăng 0,4 điểm phần trăm so với mức tăng 3 tháng).

Nhiều chương trình giảm giá, khuyến mãi diễn ra nhằm kích cầu tiêu dùng trong dịp nghỉ lễ này cũng mang lại tín hiệu tích cực cho nhà bán lẻ, doanh nghiệp với sức mua tăng cao hơn thời điểm bình thường. Tuy nhiên, nếu so với thời điểm trước dịch COVID-19, mức tăng trưởng của hoạt động thương mại, dịch vụ còn chậm, do lượng khách quốc tế đến TP Hồ Chí Minh không nhiều; hoạt động ăn uống, vui chơi, giải trí chưa phục hồi mạnh; thu nhập người dân chưa tăng như kỳ vọng và vẫn có tâm lý thắt chặt chi tiêu tiết kiệm.

Bài, ảnh: Mỹ Phương (TTXVN)
Ngành bán lẻ chuyển đổi số, tiết giảm chi phí để thích ứng
Ngành bán lẻ chuyển đổi số, tiết giảm chi phí để thích ứng

Thị trường bán lẻ gặp không ít khó khăn và thách thức từ xu hướng tiêu dùng thay đổi sau đại dịch COVID-19. Trong khi đó, không ít nhà bán lẻ nước ngoài đang tiếp tục “đổ” tiền vào Việt Nam đầu tư, càng làm cho sức cạnh tranh của thị trường thêm "nóng”. Bài toán chuyển đổi số để thích ứng với người tiêu dùng, đồng thời tiết giảm chi phí để cạnh tranh được nhiều doanh nghiệp Việt quan tâm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN