Ngăn ngừa tình trạng thu phí BOT giao thông bất hợp lý

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang nghiên cứu, ban hành chính sách thống nhất, công khai, minh bạch mức thu phí, nhằm giải quyết những bất cập tại các trạm thu phí BOT (Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao) trên toàn quốc, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Xử lý bất cập

Cả nước hiện có 52 dự án BOT giao thông đang khai thác, với 57 trạm thu phí. Dự kiến, đến năm 2018, sẽ có khoảng 75 dự án BOT khai thác, với khoảng 80 trạm thu phí.

Người dân, doanh nghiệp vận tải có quyền giám sát mức thu phí tại các Trạm BOT. Ảnh: Bộ GTVT

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện, bất cập lớn nhất hiện nay tại các trạm thu phí BOT là mức thu phí chưa phù hợp và khoảng cách vị trí đặt một số trạm chưa hợp lý, khiến người dân và doanh nghiệp vận tải bức xúc.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã kiến nghị Bộ GTVT, đối với các trạm có thể thay đổi vị trí trạm, Tổng cục sẽ phối hợp với địa phương, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án khảo sát thực địa, xử lý theo nguyên tắc: Không xem xét việc điều chỉnh vị trí trạm với những dự án có số năm thu phí còn lại dưới 5 năm; không điều chỉnh vị trí trạm nếu khoảng cách hiện tại có sự chênh lệch so với khoảng cách quy định (70 km/trạm) từ 10 km trở xuống (từ 60 - 69 km); các dự án có điểm đấu nối với các tuyến khác làm thất thoát số thu sẽ căn cứ điều kiện cụ thể của từng trạm để đề xuất phương án xử lý.

Đối với các trạm có bất cập về mức thu phí, nhưng chưa đề xuất phương án giảm giá, Tổng cục cũng sẽ phối hợp với địa phương và nhà đầu tư dự án căn cứ vào thời gian thu phí hoàn vốn còn lại dự kiến của dự án, lưu lượng xe đi qua trạm thu phí… để đưa ra phương án xử lý.

Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (PPP - Bộ GTVT) cho biết, thực hiện Nghị quyết 35/CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ, Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phương án giảm mức thu phí trên nguyên tắc vẫn đảm bảo khả thi phương án tài chính của các dự án. Theo đó, đối với xe loại 4 (tải trọng từ 10 - dưới 18 tấn và xe chở hàng bằng container 20 feet) giảm từ 140.000 đồng/lượt xuống 120.000 đồng/lượt; xe loại 5 (từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng container 40 feet) giảm từ 200.000 đồng/lượt xuống còn 180.000 đồng/lượt.

Thực tế, đây là hai nhóm xe vận tải thương mại chính và ảnh hưởng lớn đến việc cấu thành mức thu phí. Bộ GTVT đã rà soát, đàm phán với các nhà đầu tư và có văn bản thỏa thuận về việc điều chỉnh giá thu phí đối với 2 loại xe này. Đến nay, đã có 35 dự án đã thực hiện giảm phí, còn lại một số dự án không cần giảm do giá vé thấp hơn mức bình quân và các dự án chưa giảm giá do lưu lượng xe thấp hơn dự kiến trong phương án tài chính.

Qua phản ánh của người dân, doanh nghiệp và ý kiến của Đoàn Giám sát Quốc hội, Bộ GTVT đã xử lý những bất cập về mức thu phí tại 7 trạm gồm: Trạm QL6 Xuân Mai - Hòa Bình, trạm QL32 (Phú Thọ), trạm cầu Hạc Trì (Phú Thọ), trạm QL3 (Thái Nguyên), trạm Bến Thủy (Nghệ An), trạm Cầu Rác (Hà Tĩnh), trạm Km1064, QL1 (Quảng Ngãi).

Người dân sẽ giám sát được thời gian, phí của các trạm BOT

Đưa vào vận hành các Trạm thu phí không dừng sẽ giúp Nhà nước quản lý được nguồn thu phí BOT. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) vừa yêu cầu các nhà đầu tư BOT, Công ty cổ phần BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) phải lắp bảng điện tử để công khai các thông tin tại trạm thu phí BOT theo đúng Thông tư 49/BGTVT của Bộ GTVT. Kinh phí đầu tư biển điển tử lấy từ nguồn chi phí bảo trì của các dự án BOT.

Theo đó, biển điện tử gắn tại khu vực nhà điều hành trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ phải thể hiện đầy đủ các thông tin như: Tổng mức đầu tư (cập nhật theo giá trị đã được quyết toán), tổng thời gian thu, thời điểm bắt đầu thu, thời gian thu còn lại, doanh thu tháng trước, doanh thu lũy kế của trạm thu giá tính đến thời điểm cuối tháng trước liền kề (số liệu doanh thu cập nhật chậm nhất vào ngày 10 của tháng tiếp theo), số điện thoại đường dây nóng để phản ánh tiêu cực.
 
Tại nhiều cuộc họp gần đây của Bộ GTVT về xử lý bất cập tại các dự án BOT, nhiều ý kiến của doanh nghiệp vận tải và các chuyên gia cho rằng, chủ đầu tư cần có trách nhiệm chủ động, kịp thời cung cấp thông tin về dự án BOT cho người dân bằng các hình thức phù hợp, tránh hình thức, đối phó, mà cần đặt mình vào vị trí của người sử dụng, để hiểu và cung cấp đúng những thông tin mà người dân quan tâm.

Nhằm minh bạch trong thu phí của các nhà đầu tư BOT, Bộ GTVT đã yêu cầu và bắt buộc các nhà đầu tư BOT triển khắp lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC). Tuy nhiên, đến nay, mới hoàn thành lắp đặt 13 trạm thu phí và vận hành chạy thương mại 8 trạm. Nguyên nhân chậm trễ ký kết và triển khai dịch vụ thu phí tự động không dừng được Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa nhìn nhận chính là sự e ngại về tính minh bạch trong thu phí của các nhà đầu tư BOT và nếu các nhà đầu tư còn tránh né vấn đề này thì việc triển khai sẽ tiếp tục bị chậm trễ.

Đăng Sơn/Báo Tin Tức
Bộ Giao thông Vận tải sẽ rà soát để giảm phí tại Trạm thu phí Cai Lậy
Bộ Giao thông Vận tải sẽ rà soát để giảm phí tại Trạm thu phí Cai Lậy

Liên quan đến một số người điều khiển phương tiện lưu thông trên Quốc lộ 1 khi qua Trạm thu phí Cai Lậy (xã Bình Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) bức xúc vì cho rằng mức phí quá cao đã gây nên tình trạng ùn tắc tại đây, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ đang giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiểm tra xem xét và sẽ sớm có báo cáo cho Bộ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN