Ngân hàng UBS đối mặt khoản phạt 450 triệu USD

UBS, ngân hàng lớn nhất của Thụy Sĩ về giá trị tài sản đang đối mặt với mức phạt ít nhất 450 triệu USD để dàn xếp vụ bê bối làm giá lãi suất liên ngân hàng London, hay còn gọi là lãi suất Libor - công cụ tham chiếu chi phí cho vay trên toàn thế giới.

 

Trong hơn mười ngày qua, UBS đã đàm phán với các nhà chức tránh Mỹ và Anh với hy vọng có thể đạt được thỏa thuận trước cuối năm 2012. Nếu UBS nhất trí được thỏa thuận với giới chức trách thì đây sẽ nằm trong số những mức phạt cao nhất liên quan đến những toan tính làm giá lãi suất và từ đây các cơ sở tài chính khác có thể phải đối mặt với những mức phạt nặng hơn. Hồi tháng 6/2012, Ngân hàng Barclays, một trong bốn nhà băng lớn nhất nước Anh, cũng đã buộc phải trả khoảng 450 triệu USD vì lý do tương tự.

 

Các nhà điều hành trên khắp thế giới đang tiến hành điều tra chừng 20 cơ sở tài chính bị buộc tội thao túng một số tỷ giá lãi suất liên ngân hàng (Libor và lãi suất liên ngân hàng khu vực đồng tiền chung châu Âu Euribor) làm ảnh hưởng đến các hợp đồng trị giá tới 500 nghìn tỷ USD trên khắp thế giới, từ các hợp đồng thế chấp bất động sản đến các sản phẩm phái sinh phức hợp.

 

Sau UBA, Ngân hàng Hoàng gia Royal Bank of Scotland cũng có khả năng bị phạt ít hơn hoặc tương đương 450 triệu USD. Tuần trước, Ngân hàng Đức (Deutsche Bank) cũng đã tuyên bố chuẩn bị dự phòng cho khoản phạt Libor.

 

Trong báo cáo quý III/2012, UBS cho biết trong 3 quý gần đây đã để thêm 565 triệu phrăng (franc) Thụy Sĩ vào khoản dự phòng để giải quyết các vấn đề liên quan kiện tụng và tính đến tháng 9/2012 khoản dự phòng này của UBS là 897 triệu phrăng (969 triệu USD).

 

Lãi suất Libor được hình thành từ những năm 1980 của thế kỷ trước, khi các ngân hàng bắt đầu cho vay lẫn nhau, với kỳ vọng trở thành lãi suất bình quân để những ngân hàng lớn có thể vay từ các đơn vị cùng ngành mà không phải thế chấp. Tuy nhiên, số lượng ngân hàng sẵn lòng cho đối thủ vay theo điều kiện như trên ngày càng giảm do sự đi xuống của nền kinh tế, bao gồm cả cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và khủng hoảng nợ châu Âu, cùng với đó là tín nhiệm của hàng loạt ngân hàng lớn bị hạ trong năm nay.

 

 

TTXVN/Tin tức

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN