Ngân hàng đầu tư công nghệ chống tội phạm ATM

Thời gian gần đây, thủ đoạn ăn cắp tiền từ thẻ ATM của các đối tượng tội phạm ngày càng tinh vi, gây khó khăn cho ngân hàng trong việc thu hút người dân sử dụng thẻ ATM làm phương tiện thanh toán.

 

Thủ đoạn tinh vi và chuyên nghiệp


 

Đầu tư đổi mới công nghệ ATM là cách phòng chống tội phạm hiệu quả.

Vụ trộm tiền qua thẻ ATM mới đây nhất được Ngân hàng Đông Á (DongABank) phát hiện là ngày 4/8 vừa qua. Sau 1 ngày theo dõi, ngân hàng đã phối hợp với công an bắt giữ được 1 trong 2 đối tượng tham gia vụ trộm là người Rumani là Cipriar; người còn lại đã trốn mất. Ông Nguyễn Quốc Toàn, Phó Tổng Giám đốc DongA Bank cho biết, qua khám xét nơi trú ngụ của đối tượng, cơ quan chức năng phát hiện nhiều thiết bị chuyên dụng dùng để sao chép trái phép thông tin thẻ ATM, thiết bị làm giả thẻ và thu giữ số tiền mặt 300 triệu đồng. Theo đó, ngoài thẻ ATM của DongA Bank, nhóm người này còn làm giả thẻ (thanh toán và tín dụng) của 10 ngân hàng trong nước khác.


Thời gian gần đây một số ngân hàng thương mại (NHTM) tại TP.HCM đã liên tục phát hiện một số đối tượng người nước ngoài đã sử dụng thẻ giả để rút tiền tại các máy ATM. Trước đó, các đối tượng này đã thực hiện thành công nhiều vụ ở các tỉnh, thành phố khác với số tiền gian lận lên đến hàng trăm triệu đồng. Cũng theo ông Toàn, thủ đoạn của nhóm này là dùng thiết bị chuyên dụng sao chép thông tin của chủ thẻ tại máy ATM, sau đó rút tiền.

 

Thời gian hành động của nhóm này thường là vào khoảng 17 giờ hoặc nửa đêm nhằm tránh bị phát hiện. Chưa kể, bọn tội phạm còn dùng thủ đoạn sử dụng các thẻ giả mang từ nước ngoài vào để mua hàng tại các điểm thanh toán bằng máy POS. Thậm chí, họ còn móc nối luôn cả với các chủ cửa hàng sử dụng các thẻ giả để mua hàng khống, hoặc móc nối với nhân viên các cửa hàng để trộm cắp thông tin chủ thẻ. Điều này cho thấy, các tổ chức tội phạm công nghệ cao làm thẻ ATM giả ngày càng tinh vi và chuyên nghiệp.


Theo ước tính mới đây của Hiệp hội Thẻ Việt Nam, tội phạm công nghệ trong lĩnh vực thẻ ngân hàng (NH) ngày càng tăng nhanh. Trong năm 2011, con số này cao gấp 3 - 5 lần so với năm trước, tỷ lệ gian lận doanh số thanh toán cũng tăng gấp 2 - 3 lần so với trước đây. Các tổ chức thẻ quốc tế khuyến cáo, Việt Nam đang trở thành địa điểm hấp dẫn cho các tổ chức tội phạm thẻ quốc tế. Bởi nhiều NHTM nội địa chạy đua phát hành số lượng thẻ NH nhưng lại rất ít chú trọng đến đầu tư công nghệ thẻ để bảo mật cho khách hàng lẫn an toàn cho NH. Bản thân người sử dụng thẻ cũng chưa trang bị kiến thức trong việc sử dụng thẻ an toàn.

Nâng cao công nghệ chống tội phạm ATM


Với mối lo ngại về tội phạm thẻ ATM ngày càng tăng, trước đó một số NH như Vietcombank, Techcombank… đã đồng loạt chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip, vốn được đánh giá là giải pháp tối ưu trong phòng chống giả mạo và đa năng hóa dịch vụ.


Còn DongA Bank, sau khi phát hiện một số trường hợp giao dịch bất thường trên hệ thống ATM của NH thì ngoài việc tập trung tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát hoạt động của ATM, NH đang phối hợp với Công ty cổ phần thẻ thông minh Vina (VNBC) triển khai dòng ATM mới thay thế cho dòng ATM đã nhập trước đây, với các tính năng nổi bật như: nhận diện khuôn mặt, trang bị thiết bị chống skimming sao chép dữ liệu thẻ, cảnh báo tấn công... Trong đó, thiết bị nhận diện khuôn mặt sẽ không cho phép khách hàng đeo khẩu trang, kính râm hay mũ bảo hiểm thực hiện giao dịch.


Ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kông (MDB) ngày 7/8 mới đây cũng đã chính thức phát hành thẻ ghi nợ (debit card) sử dụng công nghệ nhận diện dấu vân tay. Đây là loại thẻ ghi nợ sử dụng công nghệ sinh trắc học, giúp việc thực hiện các giao dịch tài chính giữa MDB và khách hàng bảo mật hơn, giảm thiểu rủi ro về các giao dịch lừa đảo. Cụ thể, vân tay của khách hàng sẽ được MDB sao chụp lại khi tiến hành mở tài khoản cho khách hàng và sau đó được sử dụng tại bất kỳ máy ATM nào trong hệ thống máy ATM của MDB trên toàn quốc.


Tuy nhiên, việc nâng cấp công nghệ của các NH không đồng bộ do chi phí đầu tư của các NH khác nhau. Vì thế, việc bảo mật thẻ ATM chỉ an toàn khi sử dụng tại NH phát hành thẻ. Như NH MDB, dù có nâng cấp công nghệ nhận diện dấu vân tay tại 50 hệ thống ATM của NH MDB, nhưng với 9.000 máy ATM và hơn 20.000 điểm mua sắm trên toàn quốc có liên kết với MDB và hệ thống Smartlink, khách hàng sở hữu thẻ ghi nợ MDB khi sử dụng vẫn phải dùng mã pin riêng để giao dịch giống như thẻ ghi nợ của các NH khác đang áp dụng hiện nay.


Chính vì vậy, bên cạnh việc đầu tư công nghệ chống tội phạm cho hệ thống ATM, các NH cũng đã khuyến cáo khách hàng khi giao dịch tại các buồng ATM, cần lưu ý cảnh giác khi có người lạ vào cùng buồng ATM và quan sát các thao tác hoặc thực hiện thao tác hộ khách hàng. Trước khi thực hiện giao dịch, cần quan sát khe nhận thẻ: khu vực xung quanh khe phải bằng phẳng, không gồ ghề và không thể tháo rời khỏi máy. Không quẹt thẻ ở bất kỳ thiết bị nào khác ngoài khe đọc thẻ. Dùng tay che khi nhập mã pin, tránh bị lộ mã pin. Khi thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, khách hàng cần gọi ngay đến số hotline được ghi trên ATM đang giao dịch để được hướng dẫn xử lý.

 

Hải Yên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN