Ngăn chặn xe chở quá tải trên đường bộ

Hiện nay, tình trạng phương tiện vận tải đường bộ vi phạm chở hàng quá tải trọng cho phép lưu hành trên đường bộ đang diễn ra khá phổ biến trên cả nước. Đây là nguyên nhân chính gây nên hư hỏng và xuống cấp nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đồng thời cũng là nguyên nhân gây mất an toàn giao thông.


Xe chở quá tải, quá khổ phá đường


Từ tháng 4 - 10/2013, Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội và các địa phương đã đồng loạt kiểm soát trọng tải xe từ gốc bằng các trạm cân lưu động. Đối với xe chở quá tải đã tiến hành xử lý và hạ tải tại chỗ ở 46/63 tỉnh, thành phố. Qua đó, lực lượng liên ngành đã kiểm tra, xử lý vi phạm gần 12.800 xe vi phạm, hạ tải tại chỗ hơn 39.000 tấn hàng hóa, tạm giữ trên 6.300 giấy phép lái xe, xử phạt hơn 35 tỷ đồng.

Lực lượng chức năng sẽ xử lý nghiêm xe chở quá tải, quá khổ.


Tuy nhiên, càng gần dịp Tết Nguyên đán, tình trạng xe chở quá tải càng gia tăng, diễn biến phức tạp. Cụ thể, như trên quốc lộ (QL) 3, theo thống kê của lực lượng cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt trong hai tuần đầu tháng 11/2013, có tới 28% số xe qua kiểm tra chở quá tải, thậm chí có thời điểm lên tới 90%; trên QL5, số xe chở quá tải từ 30 - 200%... Theo quy định giới hạn tải trọng cầu, đường là 30 tấn, nhưng đa số xe chở từ 36 - 45 tấn hàng... Tình trạng xe chở quá tải, đang khiến nhiều tuyến đường như QL5 qua Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng; QL6 đi Tây Bắc… bị xuống cấp nghiêm trọng.


Nhiều lái xe tải cho rằng, họ phải chở hàng quá tải để bù đắp cho nhiều khoản phí và lệ phí phát sinh. Tình trạng xe chở hàng quá tải chưa được xử lý triệt để là do các cơ quan chức năng, trước hết là cảnh sát giao thông (CSGT) thiếu cương quyết xử lý sai phạm về chở quá tải, quá khổ. Thậm chí, không loại trừ có tiêu cực trong kiểm soát vấn đề này. Nhiều người dân thắc mắc: "Không hiểu vì lý do gì mà nhiều xe quá tải, quá khổ lên đến hàng chục tấn vẫn lọt qua các trạm tuần tra, kiểm soát?”.

Tới đây, chủ hàng cũng phải chịu trách nhiệm khi xe bị phát hiện chở quá tải.


Theo Vụ phó Vụ Kết cấu hạ tầng (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) Hoàng Thế Lực, hiện nay, do các quy định về tổng trọng lượng của xe chưa đầy đủ, thiếu chặt chẽ nên rất khó kiểm soát xe quá tải, quá khổ hoạt động. Thêm vào đó, chế tài xử phạt hiện mới chỉ áp dụng đối với người điều khiển xe vi phạm chứ chưa có chế tài xử phạt tới các đối tượng liên quan đến việc xếp dỡ, vận chuyển hàng hóa. Mức xử phạt về lỗi vượt quá tải trọng cho phép đã được tăng lên nhưng vẫn còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe.


Phó Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn giám sát chất lượng công trình Thăng Long Đinh Viết Hải cũng cho biết: Tình trạng trồi, lún mặt đường trên nhiều tuyến QL hiện nay chủ yếu là do tải trọng xe quá lớn so với thiết kế gây ra. Khi thiết kế các công trình giao thông, nhiều tuyến đường chỉ chịu được xe có tải trọng từ trục xe 10 - 12 tấn, trong khi đó nhiều xe chở hàng lên đến 20 - 30 tấn. Do đó, nếu vẫn còn chuyện phương tiện vận tải chạy theo lợi nhuận và chở quá tải, thì hạ tầng giao thông xuống cấp nhanh là khó tránh khỏi.


Thành lập trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động


Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt nam Nguyễn Văn Quyền, việc kiểm soát tải trọng xe là nhiệm vụ khó khăn nhất trong xử lý vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông. Do đó, ngành giao thông và công an các địa phương cần phải duy trì kiểm soát thường xuyên, làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm chắc tình hình hoạt động vận tải tại các cảng, kho bãi, các khu công nghiệp, trên các tuyến giao thông, các điểm dừng xử lý, kho bãi hạ tải… để tăng cường kiểm soát, ngăn ngừa tình trạng xe chở hàng quá tải.


Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Xuân Cường khẳng định, việc thành lập các trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động là một trong những giải pháp hữu hiệu góp phần hạn chế xe quá tải, quá khổ lưu thông. Tổng cục đã thành lập 10 trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động tại các trạm Quán Toan Km 87+700 QL5, Phố Hương Km 56+700 QL3, Đoan Hùng Km 2+600 QL70, Tĩnh Gia Km 366+500 QL1, Cam Lộ Km 15+050 QL9, Bà Di Km 1214+500 QL1, Buôn Hồ Km 681+200 QL14, Cà Đú Km 1551+300 QL1, Cần Thơ Km 2070+200 QL1, Vàm Cống Km 50+857 QL80. Đây là những tuyến QL trọng điểm thời gian qua, tình trạng xe chở hàng hóa quá khổ, quá tải diễn ra “nóng” nhất. Tổng cục đang gấp rút lắp đặt thêm 57 trạm cân lưu động tại các địa phương trong cả nước để nhân rộng mô hình này.


Tiến Hiếu

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN