Nga "thắt lưng buộc bụng" đối phó với khó khăn kinh tế

Hôm 13/1, Nga thông báo sẽ cắt giảm 10% chi tiêu ngân sách trong năm 2016 do giá dầu sụt giảm mạnh, trong khi Thủ tướng Dmitry Medvedev khẳng định Nga phải “tự lực cánh sinh”.

Những lời kêu gọi "thắt lưng buộc bụng" được lặp lại trong bối cảnh giá dầu mỏ - mặt hàng xuất khẩu chính của Nga - chỉ ở mức khoảng 30 USD/thùng và tình hình kinh tế suy giảm làm dấy lên quan ngại đối với các quan chức trước thềm bầu cử Quốc hội năm nay. Phát biểu tại Diễn đàn Gaidar thường niên - nơi tụ họp các chính trị gia, nhà khoa học và doanh nhân hàng đầu, ông Medvedev nói: “Bất chấp tất cả những khó khăn mà nền kinh tế Nga phải đối mặt, chúng ta vẫn có các nguồn dự trữ, lòng khao khát và ý chí để vượt qua... Nguyên tắc cơ bản trong các chính sách của chúng ta vẫn nên được giữ vững, đó là 'phải dựa vào bản thân mình’, trong đó có việc cắt giảm chi tiêu ngân sách”. 

Đồng ruble mất giá khiến người Nga ngày càng khó khăn. Ảnh: AFP/TTXVN

Ông Medvedev thừa nhận rằng năm 2015 “dường như là năm khó khăn nhất trong thập niên qua” đối với Nga. Nhắc đến vấn đề giá dầu và các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga vì vai trò của nước này trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine, ông nói: “Đã lâu lắm rồi nền kinh tế của chúng ta mới bị ảnh hưởng bởi các thách thức nghiêm trọng và xảy ra đồng thời như vậy”. Thủ tướng Nga cũng cảnh báo các chính trị gia không nên đưa ra những lời hứa mà không thể thực hiện được trước thềm bầu cử Quốc hội vào tháng 9 tới.
Trong khi đó, ông Medvedev cũng cho biết chính phủ sẽ tiếp tục chính sách nhập khẩu sản phẩm thay thế - một cách để đối phó với các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Nga cũng sẽ mở rộng hợp tác với Liên minh Kinh tế Á - Âu và tìm cách thiết lập các khu vực thương mại tự do với các nước thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Về quan hệ với Liên minh châu Âu (EU), ông Medvedev cho biết Moskva hy vọng sẽ khôi phục hoạt động tương tác bình thường với khối này. Ông chia sẻ: “Châu Âu là láng giềng thân cận của chúng ta và là đối tác kinh tế quan trọng bất chấp các biện pháp trừng phạt đáng tiếc. Tôi tin rằng sự chia sẻ chung sẽ ‘thắng thế’, các biện pháp trừng phạt sẽ trở thành quá khứ và quan hệ của chúng ta sẽ trở lại bình thường”.

Cũng tại Diễn đàn Gaidar, Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov cảnh báo nếu chính phủ không thể cắt giảm 10% chi tiêu ngân sách trong năm 2016 thì việc này sẽ tác động “thê thảm” đến người dân Nga. Ám chỉ đến cuộc khủng hoảng kinh tế trước đây khiến Nga bị vỡ nợ, ông Siluanov cảnh báo rằng nếu chính phủ không đề ra được các biện pháp "thắt lưng buộc bụng", “thì sự việc như thời kỳ 1998 - 1999 sẽ lặp lại với lạm phát là câu trả lời cho thất bại của chúng ta trong việc điều chỉnh ngân sách phù hợp với thực tại mới”.

Ngân sách năm 2016 của Nga - hơn một nửa trong số đó phụ thuộc vào nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt - dựa trên cơ sở giá dầu mỏ 50 USD/thùng và thâm hụt ở mức 3%, con số mà Tổng thổng Vladimir Putin ra lệnh không được phép vượt qua. Tuy nhiên, giá dầu thô hôm 12/1 đã giảm xuống dưới 30 USD/thùng, lần đầu tiên trong hơn 12 năm qua và cựu Bộ trưởng Tài chính Alexei Kudrin ước tính rằng thâm hụt có thể vượt mức 5% nếu giá dầu vẫn giữ nguyên hiện nay. Ông Siluanov cho rằng giá dầu cần tăng lên mức 82 USD/thùng để cân bằng ngân sách năm nay. Ông cảnh báo mọi người đừng nên hy vọng về “sự tăng giá dầu trong tương lai gần”, trong khi Bộ trưởng Kinh tế Alexei Ulyukayev dựa đoán giá dầu sẽ vẫn duy trì ở mức thấp “trong thời gian rất dài”.

Mặc dù thâm hụt ngân sách của Nga năm 2015 chỉ là 2,6%, nhưng tình hình năm nay được dự đoán sẽ khó khăn hơn. Chính phủ buộc phải dựa chủ yếu vào các nguồn dự trữ của họ và ngừng hỗ trợ đồng ruble vốn đang lao dốc. Việc cắt giảm ngân sách cũng ảnh hưởng đến Bộ Nội vụ - cơ quan vừa tuyên bố giảm 10% nhân lực. Tỷ lệ lạm phát thường niên của năm 2015 ở mức 15,5% và giá lương thực tăng hơn 19% so với mức trung bình, trong khi giá rau và hoa quả đắt hơn tới 29,5%, theo số liệu của cơ quan thống kê quốc gia công bố tuần này. Trung tâm phân tích số liệu Levada cho biết theo cuộc điều tra hồi cuối tháng 12/2015, đa số người Nga (58%) cho biết họ có thể đáp ứng chi trả cho lương thực và quần áo, song gặp khó khăn trong việc mua các mặt hàng đắt đỏ như thiết bị gia dụng.

TTK
Hải quân Nga sẽ có tàu sân bay mới vào năm 2030
Hải quân Nga sẽ có tàu sân bay mới vào năm 2030

Người đứng đầu Cơ quan Đóng tàu của Hải quân Nga, Thượng tá Vladimir Triapichnikov ngày 16/1 cho biết tàu sân bay mới của Nga sẽ sử dụng lò phản ứng hạt nhân, đồng thời dự kiến sẽ được chế tạo và đưa vào phiên chế vào năm 2030.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN