Nga ra lệnh doanh nghiệp xuất khẩu bán bớt ngoại tệ

Theo báo "Thương gia" Nga, Chính phủ nước này ngày 23/12 ra sắc lệnh yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu do nhà nước kiểm soát bán bớt ngoại tệ để hỗ trợ đồng ruble đang trượt giá.

Bộ Tài chính Nga tuyên bố sẽ sử dụng 7 tỷ USD để hỗ trợ vực giá đồng nội tệ.


Tờ báo trên cho biết Tập đoàn khí đốt Gazprom, các công ty dầu mỏ Rosneft, Zarubezhneft và 2 công ty xuất khẩu kim cương Alrosa và Kristall sẽ phải giảm dự trữ ngoại tệ của mình. Động thái này có thể dẫn đến việc thị trường Nga sẽ được bổ sung thêm từ 40 đến 50 tỷ USD (33 đến 44 tỷ euro), tương đương khoảng một tỷ USD/ngày cho đến thời hạn chót 1/3/2015 theo quy định của Chính phủ.


Ngân hàng Trung ương Nga cho biết sẽ họp với các công ty xuất khẩu để bàn về kế hoạch tối ưu khi bán ngoại tệ ra thị trường, bảo đảm sự ổn định trên thị trường ngoại hối và bảo vệ các công ty xuất khẩu trước những biến động về tỷ giá.


Phó Chủ tịch Rosneft Mikhail Leontvev đã bày tỏ sự ủng hộ sắc lệnh mới của Chính phủ này. Ông Leontvev khẳng định các doanh nghiệp lớn trong nước cần hợp tác để cứu đồng ruble vì có những thế lực đang phá hoại đồng nội tệ của Nga.


Trong tháng 12 này, Ngân hàng Trung ương Nga gần như can thiệp hàng ngày để hỗ trợ đồng ruble với tổng số tiền lên tới hơn 10 tỷ USD. Bộ Tài chính Nga tuần trước cũng tuyên bố sẽ sử dụng 7 tỷ USD để hỗ trợ vực giá đồng nội tệ này. Nhờ đó, đồng ruble hiện tại đã tăng giá trở lại sau khi mất giá 50% so với đồng USD và đồng euro kể từ đầu năm nay. Tính đến chiều 23/12, một USD chỉ còn đổi được 54,69 ruble so với mức thấp kỷ lục 80 ruble trong tuần trước.


Liên quan tình hình kinh tế Nga, Thủ tướng nước này Dmitry Medvedev cảnh báo nước Nga sẽ đối mặt nguy cơ suy thoái sâu nếu chính phủ lơ là trong các kế hoạch chi tiêu của mình.


Phát biểu tại cuộc họp của đảng "Nước Nga thống nhất", ông Medvedev tuyên bố chính phủ sẽ không từ bỏ các mục tiêu chiến lược và kế hoạch chi tiêu xã hội, nếu không, nước Nga sẽ rơi vào suy thoái sâu. Ông thừa nhận các biện pháp hỗ trợ để nâng tỷ giá đồng ruble so với các đồng tiền mạnh khác chỉ là tạm thời và tỷ giá này sẽ lại hạ xuống ngay sau khi đồng ruble ổn định giá. 


Người đứng đầu Chính phủ Nga thừa nhận nền kinh tế nước này đang ở tình thế tồi tệ hơn so với trong thời kỳ khủng hoảng tài chính năm 2008 do vấp phải sự cản trở mạnh mẽ từ một số nước phương Tây sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea.



TTXVN/Tin Tức

Chiến tranh tiền tệ Mỹ-Nga: Phần chìm của 'tảng băng nổi' Ukraine
Chiến tranh tiền tệ Mỹ-Nga: Phần chìm của 'tảng băng nổi' Ukraine

Đà lao dốc mạnh của đồng ruble tại Nga những ngày gần đây là hệ quả của chiến tranh kinh tế - tiền tệ mà các cường quốc phương Tây phát động. Những yếu điểm của Nga là gì và đâu là biện pháp đối phó hữu hiệu của Moskva?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN