Nâng tầm cho thương hiệu sữa tươi Việt Nam

Theo đại diện Cục Chăn nuôi, hiện tại sữa tươi mới chỉ chiếm 1/3 thị trường sữa nước tại Việt Nam (khoảng 30%) với những thương hiệu như Vinamilk, Mộc Châu, Ba Vì, TH- True Milk, và mới đây nhất là Love'in Farm. 70% còn lại là sữa hoàn nguyên (nhập sữa bột lại để chế biến thành sữa nước).


"Việc Vinamilk trước đây ra mắt sản phẩm sữa tươi 100% đã tạo ra một bước phát triển vượt trội cho thị trường sữa tươi Việt Nam. Tiếp sau Vinamilk, sữa Mộc Châu, Ba Vì, rồi TH True Milk đã ra mắt sản phẩm sữa tươi 100%. Thế nhưng thật đáng buồn là bản thân Vinamilk sau khi đã đưa sản phẩm sữa tươi rất thành công, thì lại quay trở lại nhập sữa bột về sản xuất sữa hoàn nguyên và lại đẩy mạnh truyền thông cho loại sữa này. Đây thực sự là một điều thiệt thòi cho các nhà sản xuất, nông dân lẫn người tiêu dùng Việt Nam", một đại diện Công ty sữa cho biết.


Mới có 30% sản phẩm sữa nước là sữa tươi


Nguyên nhân của tình trạng này, theo đại diện của các Công ty sữa Việt Nam là do nhu cầu về sữa tươi của người Việt Nam hiện nay tuy là rất lớn, nhưng việc đầu tư cho thị phần sữa tươi 100% lại có những rủi ro nhất định, khiến các Công ty thường khá e dè.


Hệ thống vắt sữa tự động.


"Hiện tại, sản lượng sữa tươi không ổn định, mà có mùa thấp điểm và cao điểm, nhất là với khu vực miền Bắc. Trên thực tế, mùa cao điểm là mùa hè, khi đó lượng sữa tươi thường "cháy", dẫn tới việc nhu cầu về nguyên liệu của các Công ty cũng lớn hơn, trong khi người chăn nuôi bò chỉ đáp ứng được một lượng nhất định, dẫn tới việc nhiều Công ty phải cạnh tranh về giá để có thể mua được nguyên liệu sản xuất. Thậm chí có những Công ty phải dừng sản xuất vì thiếu nguyên liệu. Trong khi ngược lại vào mùa thấp điểm (mùa đông), thì lượng sữa tiêu thụ không nhiều, dẫn tới việc nguồn nguyên liệu lại thừa, trong khi sữa tươi thu về đến đâu phải chế biến ngay đến đó. Thực tế này khiến các Công ty cảm thấy e dè và không muốn đầu tư vào sữa tươi, mà sản xuất sữa hoàn nguyên cho an toàn", ông Trần Bảo Minh, Giám đốc điều hành Công ty CP sữa Quốc tế cho biết.


Cũng vì thực tế này, mà lâu nay người chăn nuôi cũng chưa thực sự hết mình với việc chăn nuôi bò sữa, dẫn tới sản lượng sữa cũng như số lượng đàn bò của Việt Nam chưa lớn. Bên cạnh đó, do việc chăn nuôi của người dân mang tính tự phát, thiếu những yếu tố không đảm bảo vệ sinh, nên chất lượng sữa cũng chưa cao, dẫn tới giá thành bán sữa rẻ. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến thị trường chăn nuôi bò sữa của Việt Nam một thời gian dài chưa thực sự phát triển mạnh.


Tạo bước đột phá cho chăn nuôi bò sữa


Theo ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục chăn nuôi, trong vài năm qua, đàn bò sữa của Việt Nam đã tăng lên đáng kể, với sự góp mặt của rất nhiều mô hình chăn nuôi hiệu quả. "Trong những năm qua, nhất là năm 2012, đàn bò sữa của Việt Nam phát triển nhanh, chất lượng sữa tốt. Trong đó tập trung vào 5 địa phương có đàn bò lớn nhất cả nước là TP.HCM 83. 400 con, Nghệ An 26.000 con, Hà Nội hơn 11.000 con, Sơn La hơn 10.200 con và Long An 7.848 con. Sự phát triển mạnh của đàn bò sữa trong những năm qua là có sự đóng góp của các Công ty trong việc đưa ra những mô hình chăn nuôi, gồm cả mô hình chăn nuôi tập trung với ứng dụng công nghệ cao của Vinamilk, rồi mô hình chăn nuôi bò sữa hộ nông dân như Công ty CP sữa Quốc tế... Những chương trình này đã đi đúng hướng, đúng đường lối chỉ đạo của Chính phủ, cũng như đúng đường lối phát triển của ngành chăn nuôi bò sữa, góp phần giúp ngành chăn nuôi bò sữa phát triển bền vững, đảm bảo chất lượng sản phẩm cung cấp tới tay người tiêu dùng", ông Hoàng Kim Giao khẳng định.


Dây chuyền đóng gói sữa.


Một trong những mô hình được Cục Chăn nuôi đánh giá hiệu quả, đồng thời cũng nhận được sự ủng hộ cao của người dân chính là mô hình chăn nuôi bò sữa hộ nông dân mang tên "Nông trại bò sữa Việt Love'in Farm", đã được triển khai từ năm 2009, đến nay đã kết thúc giai đoạn I và đang triển khai giai đoạn II (Giai đoạn II sẽ kéo dài từ năm 2013-2020).


"Với chiến lược phát triển toàn diện, bắt đầu từ năm 2009, Công ty CP Sữa Quốc tế, với sự hỗ trợ của Cục Chăn nuôi, đã tập trung đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu thông qua chương trình phát triển "Nông trại bò sữa Việt" cùng 2 nội dung chính là “phát triển đàn bò sữa và nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong chăn nuôi bò sữa. Chương trình có tổng kinh phí đầu tư lên tới 600 tỷ đồng, với 3 mục tiêu chính: Phát triển mở rộng số lượng và chất lượng đàn bò sữa theo mô hình nông trại bò sữa Việt do chính người nông dân làm chủ nhằm mục tiêu nâng cao tiêu chuẩn chất lượng và sản lượng nguyên liệu sữa tươi của Việt Nam; Xây dựng mô hình nông trại bò sữa Việt giúp người nông dân làm ra nguyên liệu sữa tươi sạch, chất lượng cao được các nhà sản xuất sữa trong nước cam kết thu mua hết với giá tốt và ổn định giúp nâng cao đời sống của nông dân khi tham gia mô hình này; đảm bảo nguồn nguyên liệu sữa tươi sạch, an toàn với tiêu chuẩn chất lượng cao từ các "Nông trại bò sữa Việt" cho phép làm ra những sản phẩm sữa bổ dưỡng, tươi ngon và an toàn phục vụ cho nhu cầu dinh dưỡng ngày càng cao của người Việt Nam", ông Hoàng Kim Giao cho biết.


Cũng theo ông Hoàng Kim Giao, trong giai đoạn I của dự án (2009-2012) triển khai tại Ba Vì (Hà Nội) và các vùng phụ cận, đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Đến năm 2012, đàn bò đã tăng trưởng 300% so với năm 2008, với số lượng đàn bò là 10.000 con, trong đó Ba Vì là 6.000 con và các vùng phụ cận là 4.000 con.


Kết thúc giai đoạn 1 (từ năm 2010 – đến tháng 8 năm 2012) dự án đã đầu tư hơn 35 tỷ đồng cho các hộ nông dân vay vốn với mức là 20 triệu đồng/ con bò, lãi suất 0% và trong thời hạn 18 tháng. Cụ thể đã đầu tư 1.200 con giống, 200 chiếc máy vắt sữa, hơn 1.000 thùng vắt sữa bằng inox, 2.000 chiếc khăn lau, khăn lọc, 1.000 hố chứa chất thải của bò, xây dựng hầm Bigas cho 200 hộ, tặng 1.000 xe rùa chở phân để khắc phục ô nhiễm môi trường; nâng cấp hơn 30 trạm thu gom. Đặc biệt, đây là mô hình đầu tiên đã quan tâm tới việc đào tạo cho người chăn tổ chức thăm quan học tập về chăn nuôi tại nước ngoài cho trên 10 đoàn.


"Ngoài ra, dự án đã cử cán bộ thường xuyên đến các hộ chăn nuôi tư vấn về kỹ thuật và kiểm tra chấm điểm vệ sinh chuồng trại. Những hộ chăn nuôi đạt các tiêu chí vệ sinh còn được thưởng 300 đồng/kg sữa. Đến nay, đã có 90% số hộ chăn nuôi đạt tiêu chuẩn vệ sinh trong chăn nuôi như: chuồng trại sạch, không có phân thải xung quanh chuồng, có giá để dụng cụ đúng nơi quy định, máy vắt sữa được tẩy rửa sạch sau khi dùng xong. Nhờ vậy, chất lượng sữa nâng lên rõ rệt, người dân thu được giá sữa cao và lợi nhuận tăng. Hiện nay, lợi nhuận từ 1 con bò sữa đã đạt từ 18 triệu - 20 triệu đồng/năm. Từ sự nỗ lực trợ giúp nông dân, dự án đã giải quyết công ăn việc làm cho hơn 1.000 lao động nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới theo chủ trương của Nhà nước", đại diện dự án cho biết.


Hiện tại, giai đoạn II của dự án đã được triển khai, với mục tiêu đầu tư phát triển và nhân rộng đàn bò sữa, nâng cao tiêu chuẩn chất lượng sữa tươi nguyên liệu Việt Nam theo tiêu chuẩn "Sữa tươi nông trại Việt Love'in Farm"; Đa dạng mô hình chăn nuôi từ 5-10-15-30 con bò sữa để người nông dân lựa chọn khi tham gia chương trình. IDP sẽ hỗ trợ các hộ nông dân tham gia dự án vay vốn mua con giống, xây dựng chuồng trại với mức 20-30 triệu đồng/con (lãi suất 0%) thời hạn cho vay 18-24 tháng; hỗ trợ hộ nông dân một phần chi phí mua bảo hiểm cho đàn bò sữa để tránh rủi ro và tổn thất khi có dịch bệnh, giúp người nông dân an tâm đầu tư phát triển và nhân rộng mô hình Nông trại bò sữa Việt Love'in Farm. Và đặc biệt, dự án sẽ cam kết thu mua toàn bộ nguyên liệu sữa tươi đạt được tiêu chuẩn chất lượng "Sữa tươi nông trại Việt - Love'in Farm" với giá tốt và ổn định. "Dự kiến tới năm 2020 sẽ đưa số lượng đàn bò lên 50.000 con với sản lượng sữa là 450-500 tấn/ ngày", đại diện dự án cho biết.


Và khi đó, thương hiệu sữa tươi Việt Nam chắc chắn sẽ có một chỗ đứng vững chắc, đồng thời chiếm một thị phần lớn, thậm chí tiến tới độc chiếm thị trường sữa nước Việt Nam. Đó là mục tiêu cuối cùng của các dự án, cũng như của người chăn nuôi, sản xuất, nhằm thực hiện chiến lược phát triển của sữa Việt Nam.



A.M

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN