Năng động vùng kinh tế biển Gò Công

Tỉnh Tiền Giang có 32 km bờ biển nằm kẹp giữa vàm Soài Rạp (sông Soài Rạp ở phía Bắc) và Cửa Tiểu (sông Tiền ở phía Nam) thuộc huyện Gò Công Đông, có tiềm năng lớn về nuôi trồng thủy hải sản.

Để giúp người dân miền duyên hải Gò Công sớm vượt khó, thoát nghèo, vươn lên làm giàu, tỉnh chủ trương khai thác tiềm năng kinh tế biển Gò Công theo hướng hình thành vùng nuôi thủy sản tập trung gắn kết với công nghiệp chế biến, tạo việc làm, thu nhập ổn định và tăng nhanh nguồn hàng hóa xuất khẩu có lợi thế cạnh tranh, đưa nơi đây trở thành vùng kinh tế năng động phía đông Tiền Giang.

Chăm sóc màu thực phẩm tại vùng chuyên canh rau Thân Cửu Nghĩa (huyện Châu Thành). Ảnh: Minh Trí - TTXVN


Thực hiện mục tiêu trên, tỉnh đã mở rộng diện tích nuôi thủy sản nước mặn, lợ lên 3.072 ha, trong đó có trên 2.000 ha nghêu. Tiền Giang cũng là địa phương có diện tích nghêu nuôi tập trung lớn nhất Nam bộ, hàng năm đạt sản lượng nghêu thương phẩm 20.000 – 30.000 tấn và là nguồn nguyên liệu quí đáp ứng nhu cầu của ngành chế biến thủy hải sản xuất khẩu các tỉnh, thành phía Nam. Ngoài con nghêu còn phải kể đến tôm sú, tôm thẻ, cá chình, cá chẽm, sò huyết... đều là những đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao trên thị trường. Hỗ trợ cho nghề nuôi thủy sản xuất khẩu ở đây còn có mạng lưới trên 30 cơ sở ương dưỡng, sản xuất và cung ứng giống thủy sản lớn nhỏ.

Đặc biệt, ngoài tôm, cá giống, đến lượt nghêu cũng cho sinh sản nhân tạo thành công mở ra triển vọng mới về việc chủ động nguồn con giống chất lượng tốt đáp ứng nhu cầu nuôi thủy sản ngày càng lớn trong và ngoài khu vực.
Nuôi trồng gắn với chế biến nhằm mục tiêu phát triển bền vững chính là yếu tố giúp duyên hải Gò Công - nơi đất đai nhiễm mặn, sản xuất bấp bênh, đa phần cuộc sống người dân còn khó khăn, sớm trở thành vùng kinh tế năng động với nhiều thị tứ mới, khẳng định vai trò đầu mối thương mại – dịch vụ, hậu cần nghề cá và nuôi trồng thủy sản như: Vàm Láng, Tân Hòa, Đèn Đỏ... Nhiều doanh nghiệp trước thời cơ và vận hội làm ăn thuận lợi đã mạnh dạn đầu tư vào đây như: Công ty Phú Đạt chuyên sản xuất lưới xuất khẩu, Thành Bình chuyên chế biến phi lê cá đông lạnh, hấp và sấy bột cá; Nam Tuyền chuyên hấp ghẹ; Sum Tuyền đi sâu vào lĩnh vực chế biến nghêu xuất khẩu; Mỹ Yên chế biến các mặt hàng thủy hải sản xuất khẩu...

Gia đình nông dân Phan Văn Đực, xã Long Hưng, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang chăm sóc rau màu. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN


Sau 5 năm triển khai mạnh mẽ chương trình kinh tế biển (2005 - 2010), duyên hải Gò Công đã đổi thay sâu sắc và phát triển mạnh mẽ. Chỉ tính về nuôi trồng và chế biến xuất khẩu, tại đây đã thu hút từ 4.000 - 5.000 lao động với thu nhập bình quân 1,5 - 2 triệu đồng/người/tháng, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo toàn vùng xuống dưới 6%. Theo lãnh đạo huyện Gò Công Đông – địa phương hưởng lợi từ chương trình mục tiêu của tỉnh, nhờ vậy, giá trị sản xuất toàn ngành thủy sản năm 2010 ước đạt trên 431,7 tỉ đồng, tăng hơn 44 tỉ đồng so với năm 2008.

Để phát huy tốt thành quả đạt được, giai đoạn 2010 – 2015, tỉnh Tiền Giang xác định vùng kinh tế biển trọng điểm duyên hải Gò Công bao gồm các xã nằm phía bắc và nam kênh Trần Văn Dõng lấy Vàm Láng ở phía bắc và Tân Thành – Đèn Đỏ ở phía nam làm trung tâm. Ngoài việc phát huy nghề nuôi trồng, chế biến thủy sản xuất khẩu, Gò Công còn khai thác lợi thế về du lịch sinh thái, du lịch làng nghề, tham quan di tích văn hóa – lịch sử miền đất Gò Công. Bãi nghêu mênh mông vùng Tân Thành, rừng ngập mặn Gia Thuận – Vàm Láng, làng cá Đèn Đỏ, Giồng Sơn Qui với lăng Hoàng Gia... tương lai chính là những điểm đến hấp dẫn trong các tour du lịch biển tại Tiền Giang.

Minh Trí

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN