Nâng cao giá trị lúa gạo xuất khẩu

Kết thúc năm 2013, xuất khẩu (XK) gạo của Việt Nam ước đạt gần 3 tỷ USD, giảm hơn 19% so với cùng kỳ năm 2012. Chưa bao giờ vấn đề nâng cao giá trị, đem lại lợi nhuận cho người nông dân trồng lúa lại được các ngành chức năng quan tâm như hiện nay.


 

Nỗ lực giảm giá thành


Theo tính toán của Bộ Tài chính, giá thành sản xuất lúa vụ hè thu năm nay cao hơn vụ trước khoảng 4.000 đồng/kg và có sự chênh lệch giữa các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Do chi phí tăng cao, thu nhập của nhà nông ngày càng giảm dần và có nguy cơ đối mặt với tình trạng thua lỗ. Trong khi đó, giá gạo XK lại sụt giảm và có nguy cơ khó trở lại “thời hoàng kim” như 1 - 2 năm trước. Tính trung bình 11 tháng năm 2013, giá gạo XK chỉ đạt khoảng 441 USD/tấn, giảm hơn 3%.

 

Nâng cao chất lượng hạt gạo, giảm giá thành đầu vào đang là bài toán đối với người trồng lúa, ngành chức năng.


“Thị trường lúa gạo sẽ tiếp tục ở tình trạng khủng hoảng thừa và còn kéo dài vài năm nữa. Trong khi đó nhiều nước vốn là bạn hàng nhập khẩu lớn của ta như Indonesia, Philippines... đã tự cung lương thực, kéo giảm lượng nhập khẩu hơn 50%. Vì thế, tình hình XK gạo sẽ còn khó khăn và sự cạnh tranh về giá ngày càng gay gắt hơn. Công việc bức thiết lúc này là muốn XK được phải tìm cách giảm được giá thành, nâng sức cạnh tranh về giá. Và như vậy, không thể để tiếp diễn tình trạng giá thành chênh lệch lên đến cả ngàn đồng/kg như hiện nay bằng việc thông qua các biện pháp kỹ thuật, ổn định giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật”, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), nhận xét.


Tại tỉnh An Giang, ngành nông nghiệp đã chủ động xây dựng và hình thành nhiều mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị lúa gạo nhằm giảm giá thành, tăng lợi nhuận cho hạt gạo. Theo đó, nhà nông đã tham gia những mô hình như: Liên kết sản xuất lúa chất lượng cao, sản xuất lúa theo tiêu chuẩn chất lượng GlobalGAP... Từ số lượng ít ỏi ban đầu, đến nay diện tích đã tăng lên 35.320 ha và dự kiến trong năm 2014, con số sẽ đạt khoảng 45.000 ha. Theo ông Đoàn Ngọc Phả, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, thực tế cho thấy, giá thành sản xuất đã giảm 10 - 20% và tiết kiệm cho nông dân trong năm vừa qua khoảng 170 tỷ đồng, vừa giúp doanh nghiệp kiểm soát được chất lượng lúa, vừa nâng cao giá trị hạt gạo XK.


Năm 2014, ngành nông nghiệp đề ra mục tiêu phải giữ ổn định diện tích lúa các vụ, đồng thời tăng năng suất bình quân và tăng giá trị hạt gạo XK. Để đạt được mục tiêu trên, các địa phương phải tiếp tục thực hiện những giải pháp tổng hợp, đồng bộ nhằm gia tăng chất lượng lúa, gạo. “Nền tảng giúp nhà nông giảm được giá thành là các mô hình cánh đồng mẫu lớn, ghi chép sổ tay sản xuất lúa theo VietGAP, chương trình 3 giảm 3 tăng và 1 phải 6 giảm, tăng cường cơ giới hóa trong các khâu sản xuất lúa... Người trồng lúa phải ý thức được vấn đề này và tự giác thực hiện thì mới mong kéo giảm được giá thành đầu vào”, PGS.TS Phạm Văn Dư, Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết.


Nâng chất giảm số lượng


Đóng vai trò quan trọng trong thành tích của ngành nông nghiệp, sản lượng lúa gạo Việt Nam luôn là mối quan tâm hàng đầu của ngành chức năng. Năm 2013, sản lượng lúa gạo đạt mức kỷ lục với hơn 44 triệu tấn. Tuy nhiên, bước sang năm 2014, lần đầu tiên ngành nông nghiệp đã có động thái bất ngờ khi chủ động điều chỉnh lại kế hoạch sản xuất, không chạy theo con số thành tích mà chủ động giảm sản lượng lúa xuống còn khoảng 43 triệu tấn. “Chúng tôi quyết liệt thực hiện cắt giảm khoảng 130.000 ha lúa chuyển đổi sang những cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Trước mắt, sẽ chuyển đổi cây trồng ngay trong vụ xuân hè 2014 tại các tỉnh có sản xuất lúa xuân hè, chú trọng cây ngô và đậu nành”, ông Dư khẳng định.

 

Nhà nông ở huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) chuyển diện tích đất lúa sang trồng màu cho hiệu quả kinh tế cao.


Theo đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trương vẫn duy trì quỹ 3,8 triệu ha đất lúa. Tuy nhiên trên đất lúa, Bộ khuyến khích nông dân mạnh dạn chuyển đổi sang trồng những cây trồng khác, có hiệu quả kinh tế cao hơn. Bộ cũng dự kiến chuyển đổi hơn 200.000 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng các cây khác mang lại lợi nhuận. Song song đó, các tỉnh trọng điểm về sản xuất lúa gạo sẽ điều chỉnh lại lịch thời vụ, chú trọng tập trung những giống lúa chủ lực cho XK như loại gạo thơm, hạt dài thay vì quá nhiều giống như hiện nay. Cùng với ngành nông nghiệp, VFA đã khuyến cáo định hướng quy hoạch vùng lúa Jasmin, cũng như nhanh chóng đặt hàng các viện nghiên cứu giống lúa đặc thù tiến tới trồng trên diện rộng, ổn định lâu dài để có lượng gạo hàng hóa lớn có chất lượng cao, ổn định.


Ông Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc Công ty Angimex (An Giang) cho rằng, dù trong nước có nhiều giống lúa thơm, đặc sản nhưng sản lượng lại quá ít và tính ổn định không cao. Trong khi đó, giống Jasmine được nhà nông đánh giá cho sản lượng khá ổn định và đang được XK với số lượng lớn nhưng là giống từ Mỹ. Hiện nay, gạo thơm vẫn được giá, XK tăng mạnh và có thể là lối ra cho XK lúa gạo Việt Nam trong tương lai nhưng lại tồn tại nhiều hạn chế. “Chất lượng gạo thơm ở ta đang lẫn lộn giữa các giống gạo thơm, thơm nhẹ, hạt dài như Jasmine, Nàng hoa... nên chất lượng chưa ổn định. Trong bối cảnh đầu ra khó khăn, giá trị XK giảm như hiện nay cần khuyến cáo và cảnh báo để người trồng lúa biết được thông tin canh tác theo nhu cầu thị trường”, ông Tiến nói thêm.


Cần chiến lược dài hơi


Hiện giá gạo Việt Nam thấp hơn giá thế giới một cách bất hợp lý và theo VFA cần nhanh chóng xem xét các nguyên nhân để có biện pháp khắc phục. Về dài hạn, phải cơ cấu lại sản xuất lúa gạo cho phù hợp điều kiện mới. Trong bối cảnh khó khăn vây quanh cây lúa, không thể nóng vội hay cập rập chuyển đổi mà cần có chiến lược phát triển, ổn định mang tính vĩ mô. Theo kế hoạch của Cục Trồng trọt, năm nay toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ gieo sạ hơn 4,7 triệu ha lúa, tăng 6.646 ha và sản lượng dự kiến đạt hơn 27,4 triệu tấn, tăng 282.826 tấn so với năm 2013. Sản xuất lúa ở khu vực này sẽ vẫn phải chú trọng việc đảm bảo diện tích, năng suất và sản lượng, nhằm đảm bảo an ninh lương thực và XK.


Theo định hướng của ngành nông nghiệp, thời gian tới, việc sản xuất lúa gạo phải đi vào hướng chất lượng cao mới có thể giúp nhà nông nâng cao được lợi nhuận. Lúa thơm sẽ là mặt hàng được tập trung sản xuất nhiều và giống Jasmine được ưu tiên lựa chọn nhờ đặc tính phù hợp với thời tiết, thổ nhưỡng của Việt Nam. Riêng giải pháp tạm trữ trước đây đã có những tác động tích cực trong việc tiêu thụ hết lúa gạo hàng hóa và giữ giá ổn định cho nhà nông, nhưng với bối cảnh hiện nay đã không còn phù hợp. “Vì vậy nhiều khả năng ngành chức năng sẽ có cách làm khác với nhiều biện pháp kết hợp như: hỗ trợ đầu vào cho người trồng lúa, giảm các khoản phí ở nông thôn... Bên cạnh đó, Nhà nước sẽ sớm có giải pháp quản lý giá vật tư ổn định, không bị làm giả; cung cấp giống đảm bảo chất lượng...”, ông Phong cho hay.


Ngay từ năm nay, ngành nông nghiệp sẽ bắt tay vào tổ chức lại sản xuất ngành lúa gạo như một bước đệm giúp ngành phát triển bền vững. Theo đó một loạt những hình thức như: Mở rộng liên kết xây dựng cánh đồng mẫu lớn từ 200.000 - 250.000 ha, sử dụng những giống cây trồng thích hợp với các thị trường quốc tế, gắn kết doanh nghiệp với nông dân tiêu thụ lúa gạo... sẽ được ngành quan tâm đẩy mạnh thực hiện.


“Trước tiên chúng tôi sẽ ưu tiên tập trung tổ chức lại sản xuất ở vùng đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long và sau đó sẽ nhân rộng ra cả nước. Về phía VFA sẽ xây dựng và đề xuất thành lập quỹ hỗ trợ sản xuất và XK gạo, phát triển liên kết xây dựng vùng nguyên liệu và xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam. Hiện 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long đã tiến hành quy hoạch và xác định vùng nguyên liệu, tổ chức liên kết nông dân, phát triển các hình thức hợp tác... nhằm giúp nhà nông nâng cao được giá trị hạt gạo”, ông Dư cho biết.


Bài và ảnh:Lê Nghĩa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN