Nâng cao giá trị cho hạt gạo Hậu Giang

Liên tục trong hai năm liền, nông dân Hậu Giang được mùa lớn. Nếu như sản lượng lúa của tỉnh trong năm 2011 đạt gần 1,2 triệu tấn, cao nhất từ trước đến nay thì vụ lúa đông xuân 2011 - 2012 đang thu hoạch hiện nay, lại cho năng suất cao chưa từng thấy, bình quân đạt 7,3 tấn/ha, cao hơn vụ đông xuân trước gần 0,5 tấn/ha.

Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp tại phường 5, thành phố Vị Thanh, Hậu Giang. Ảnh: Duy Khương – TTXVN


Cá biệt năng suất lúa nhiều nơi như ở huyện Vị Thủy, Long Mỹ, Châu Thành A, nông dân thu hoạch đạt trên dưới 8 tấn/ha. Trúng mùa nhưng bà con nông dân kém vui vì phần lớn diện tích lúa đang thu hoạch năm nay là giống lúa IR 50404 có chất lượng gạo không cao, giá thấp và khó bán, nên lợi nhuận vụ này thấp hơn năm trước.

Không phải lỗi của nông dân

Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, trong vụ đông xuân này toàn tỉnh có từ 50 đến 60% diện tích được bà con gieo trồng bằng giống lúa IR 50404, cá biệt có địa phương trồng giống lúa này lên đến 70% diện tích như thành phố Vị Thanh. Trong khi các giống lúa hạt dài, giống lúa thơm xuất khẩu như giống Jasmine đang được thương lái tìm mua với giá cao thì giống lúa IR 50404 càng vào thời điểm thu hoạch rộ, giá bán càng sụt giảm.

Đến trung tuần tháng 3, giá lúa tươi giống IR 50404 được thương lái thu mua tại ruộng chỉ còn từ 4.100 đến 4.300 đồng/kg, giảm từ 500 đến 600 đồng/kg so với đầu vụ trong khi giá thành sản xuất trong vụ đông xuân này theo tính toán của ngành nông nghiệp là 3.700 đồng/kg. Tình trạng giá lúa IR 50404 ngày càng sụt giảm làm cho lợi nhuận của người dân giảm dần. Đây là nỗi buồn của người nông dân khi được mùa nhưng hiệu quả, lợi nhuận chưa đạt được như ý muốn. Việc nông dân Hậu Giang cũng như nhiều tỉnh trong khu vực ĐBSCL sản xuất nhiều giống lúa IR 50404 không phải do lỗi của nông dân.

Ông Nguyễn Văn Vui, Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy cho biết: Việc nông dân sản xuất giống lúa IR 50404 với diện tích lớn trong vụ này dẫn đến tiêu thụ khó khăn, một phần là lỗi của các doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo. Năm 2011, do thị trường xuất khẩu thuận lợi, giống lúa này được các doanh nghiệp tập trung thu mua xuất khẩu với giá không thua kém gì so với các giống lúa hạt dài. Trong khi đó, giống lúa này dễ làm, có năng suất cao, nhất là trong vụ đông xuân. Năm nay, các doanh nghiệp không lường trước được thị trường xuất khẩu gạo khó khăn nên không khuyến cáo người dân hạn chế sử dụng giống lúa IR 50404, vì vậy nông dân cứ thấy dễ thì làm. Muốn thay đổi cơ cấu giống đáp ứng cho nhu cầu của thị trường, các doanh nghiệp phải tìm hiểu, nắm bắt thông tin thị trường và phải đưa ra được bộ giống lúa đủ tiêu chuẩn xuất khẩu để hướng dẫn cho nông dân sản xuất.

Sẽ tập trung đầu tư giống

Trong cuộc họp mới đây của UBND tỉnh Hậu Giang về việc triển khai kế họach thực hiện các nghị quyết của Tỉnh ủy Hậu Giang năm 2012, ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang thừa nhận rằng: Hạn chế lớn nhất của ngành nông nghiệp trong thời gian qua là giống lúa và cây trồng. Vì vậy ngay trong năm nay, ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang đã đưa ra nhiều giải pháp, chương trình nhằm khắc phục các yếu kém trên. Cụ thể từ vụ đông xuân này, ngành nông nghiệp của tỉnh đã chọn ra được 5 nhóm giống lúa có chất lượng cao, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu để khuyến khích nông dân gieo cấy trong các vụ tới. Đó là các giống: HG 2, OM 6976, OM 5451, OM 4900, OM 4218.

Ngoài công tác giống, ngay từ vụ hè thu tới, tỉnh Hậu Giang sẽ phối hợp với các doanh nghiệp như: Công ty Bảo vệ Thực vật An Giang, Doanh nghiệp Phương Trang, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền, Công ty Cổ phần Lương thực Hậu Giang xây dựng 5 mô hình cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích trên 1.700 ha, tập trung tại các huyện Vị Thủy, Châu Thành A, Phụng Hiệp, Long Mỹ và thị xã Ngã Bảy. Tại 5 địa phương thực hiện cánh đồng mẫu lớn, tỉnh Hậu Giang sẽ cung cấp miễn phí giống lúa nguyên chủng và xác nhận chất lượng cao cho nông dân sản xuất với những chủng loại có giá trị cao, tiến hành bao tiêu sản phẩm cho bà con để sản phẩm lúa hàng hóa có đầu ra ổn định.

Để cung cấp đủ nguồn giống cho diện tích đất lúa khoảng 82.000 ha của tỉnh, trong năm 2012, ngành nông nghiệp Hậu Giang đã có kế hoạch mở rộng 250 ha sản xuất giống lúa siêu nguyên chủng, tập trung ở các địa phương như: Trung tâm Giống nông nghiệp của tỉnh ở huyện Vị Thủy, đất công ở huyện Châu Thành A, Trung tâm Nông nghiệp Mùa Xuân ở huyện Phụng Hiệp. Đồng thời, đầu tư cơ sở hạ tầng cho 2.500 ha để sản xuất giống lúa cấp xác nhận, trong đó có 616 ha mở mới ở huyện Phụng Hiệp và Long Mỹ. Tổng nguồn vốn dự kiến đầu tư công tác giống lúa trong năm 2012 là khoảng 81,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, nguồn vốn này đến nay tỉnh mới chỉ cân đối được 14,7 tỷ đồng từ nguồn giống khắc phục hậu quả lũ lụt. Số còn lại đang được ngành nông nghiệp Hậu Giang tiếp tục tìm.

Hy vọng với sự quan tâm đầu tư đúng hướng của tỉnh, hạt gạo Hậu Giang nói riêng và hạt gạo Việt Nam nói chung sẽ nâng cao được giá trị, nâng cao tính cạnh tranh ở thị trường trong nước và thế giới, từng bước giúp nông dân trồng lúa tăng thu nhập, lợi nhuận, xóa dần điệp khúc “trúng mùa mất giá” như vụ lúa hiện nay.

Ngọc Thiện

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN