Nâng cao giá trị cây lúa Cà Mau

Mặc dù con tôm và cây lúa là hai nông sản chủ lực của Cà Mau nhưng thực tế cho thấy trồng lúa vừa vất vả lại không mang lại thu nhập cao cho nông dân. Do vậy, làm gì để nâng cao hiệu quả và giá trị của cây lúa đang là bài toán đặt ra.

Từ thực tế khó khăn...

Xuất phát từ việc kém hiệu quả kinh tế trong việc trồng lúa mà đợt hạn mặn vừa qua nhiều người dân tại tỉnh Cà Mau đã tranh thủ lấy nước mặn vào ruộng lúa để nuôi tôm. Xã Tân Lộc Bắc, huyện Thới Bình là một minh chứng điển hình trong việc tranh chấp mặn - ngọt này.

Dù là một trong những địa phương được quy hoạch vùng sản xuất 2 vụ lúa của tỉnh với hiệu quả sản xuất luôn ở mức khá cao nhưng sau 3 mùa vụ, người dân nơi đây lần lượt đưa nước mặn vào nuôi tôm. Bên cạnh đó, 1.200 ha được quy hoạch lúa 2 vụ từ năm 2009 thì đến đầu năm 2016 chỉ còn lại khoảng 460 ha. Trong số 9 ấp thì có khoảng 5 ấp về cơ bản gần như “xóa sổ” diện tích lúa vụ 2.

Một cánh đồng lúa gieo cấy trên đất nuôi tôm ở xã Trí Phải, huyện Thới Bình, Cà Mau bị thiệt hại do ảnh hưởng của El Nino. Ảnh: Kim Há TTXVN

Một điểm nóng khác là trường hợp của 164 hộ dân ở ấp Tư, Tân Thời và Tân Dân thuộc xã An Xuyên, thành phố Cà Mau đã tự ý phá đập, đưa nước mặn vào nuôi tôm trên phần diện tích gần 159 ha đất sản xuất lúa 2 vụ. Điều này đã gây bức xúc lớn trong dư luận địa phương, đặc biệt là đối với những người tâm huyết với cây lúa.

Lý giải việc bỏ trồng lúa, ông Hà Văn Quăn, xã Khánh Lâm, huyện U Minh phân trần, mặc dù nhà có 4 ha đất nhưng sản xuất nhiều năm qua đời sống kinh tế không phát triển. Vì thế các con ông đều đi làm ăn xa, ông chuyển sang nuôi tôm khoảng 7 - 8 năm nay vì giá trị con tôm cao hơn gấp nhiều lần, đạt khoảng 5 - 6 triệu đồng/tháng. Ông Quăn cho biết tuy bị phạt gần chục lần nhưng ông vẫn giữ quan điểm chỉ nuôi tôm, không trồng lúa.

Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, giá thành để sản xuất ra 1 kg lúa trong vụ hè thu năm 2016 trung bình khoảng 2.400 đồng, cao gần gấp đôi so với nhiều năm trước. Ðặc biệt, trong vụ lúa hè thu năm 2016, do ảnh hưởng thiên tai hạn, mặn, năng suất giảm từ 0,2 - 0,4 tấn/ha làm cho thu nhập của nông dân giảm từ 1 - 2 triệu đồng/ha so với năm 2015.

Theo nhẩm tính của nông dân, nếu sản xuất 1 ha/hộ (thực tế theo cuộc tổng điều tra nông dân, nông nghiệp, nông thôn vừa qua thì diện tích đất trồng lúa của nông dân đồng bằng sông Cửu Long hiện nay là 0,7 ha/hộ), trong 2 vụ lúa, mỗi vụ năng suất đạt bình quân đạt 5 tấn/ha thì mỗi năm được 10 tấn lúa. Nếu tính nông dân có lãi 30%, với 3 tấn lúa, giá từ 4.000 - 4.200 đồng/kg, thì thu nhập cả hộ khoảng 13 triệu đồng. Chia cho trung bình mỗi hộ gia đình là 4 khẩu, tương đương khoảng 3 triệu đồng/người/năm. Tính ra mỗi người thu nhập trong tháng chưa đầy 300.000 đồng, thấp hơn rất nhiều so với mức thu nhập của hộ nghèo.

... đến bài toán giá trị

Ông Nguyễn Thanh Trường, Giám đốc Xí nghiệp Xay xát lúa gạo xuất khẩu thuộc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu nông sản Cà Mau nhận định, nguyên nhân khiến cho nông dân dù có nhiều ruộng nhưng vẫn nghèo là do tập quán sản xuất lâu nay chỉ chạy theo sản lượng mà không chú trọng chất lượng hạt gạo. Trong khi đó, tại Thái Lan và nhiều nước khác trong khu vực thì hoàn toàn ngược lại, không đặt năng suất lên hàng đầu, thay vào đó, có thể chọn giống năng suất thấp hơn nhưng chất lượng cao hơn, hiệu quả kinh tế lớn.

Do đó, để nông dân sản xuất lúa có lãi, đời sống ổn định, ngoài việc nâng cao năng suất, chất lượng, thì nhà quản lý phải thường xuyên nắm bắt thị trường, phán đoán được nhu cầu, từ đó hướng dẫn người dân sản xuất đi tắt, đón đầu. Mặt khác, giá thành sản xuất lúa hiện nay của bà con làm ra đang ở mức khá cao, trong khi đó giá lúa gạo trên thị trường quá thấp, càng đầu tư thâm canh thì người sản xuất lúa gạo càng lỗ.

Cùng quan điểm này, theo ông Nguyễn Trường Ðời, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Kinh Dớn (xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời), không ít nông dân lâu nay vẫn có thói quen sản xuất ăn theo thị trường, thấy cây, con gì được giá thì đua nhau trồng, dẫn đến cung vượt cầu, giá rớt là không tránh khỏi. Ðó là một thực tế, nhưng không thể đổ lỗi hết cho nông dân mà cần nhìn lại cách quản lý, điều hành kinh tế từ cấp Nhà nước đến địa phương.

Ông Nguyễn Văn Tranh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho rằng, để tăng sức cạnh tranh lúa gạo trên thị trường, trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay thì việc sản xuất lúa gạo theo hướng bền vững, tăng giá trị trên đơn vị diện tích và nâng cao chất lượng là xu hướng tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại.

Tại Hội nghị sơ kết tình hình sản xuất vụ lúa hè thu năm 2016 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ lúa đông xuân 2016 - 2017, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử chỉ đạo ngành nông nghiệp tăng cường hướng dẫn lịch thời vụ và cơ cấu giống lúa. Ðồng thời, tổ chức liên kết nông dân sản xuất tập trung theo cánh đồng lớn nhằm giảm chí phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân. Ðặc biệt, hướng dẫn người dân từng bước xóa bỏ tập quán sản xuất truyền thống, tiến đến chọn những giống lúa mới có chất lượng gạo cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường để sản xuất.

Ông Lê Văn Sử nhấn mạnh: "Việc chọn giống lúa có chất lượng gạo cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu để sản xuất mới giúp cho nền nông nghiệp Việt Nam có đủ sức để cạnh tranh. Đã đến lúc người nông dân không thể sản xuất lúa theo tập quán canh tác, mà phải canh tác theo đúng quy trình hướng dẫn. Quá trình này đòi hỏi tiến hành ngay từ bây giờ, chỉ có như thế mới giữ vững thị trường lúa gạo trong thời gian tới".
Huỳnh Thế Anh
Kiên Giang phá thế độc canh cây lúa
Kiên Giang phá thế độc canh cây lúa

Phong trào trồng rau màu trên đất lúa hiện phát triển mạnh tại xã Mỹ Thuận, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) và cho hiệu quả kinh tế cao. Nhiều loại rau màu được nông dân tại địa phương lựa chọn để chuyển đổi, tăng thu nhập cho gia đình: hành, hẹ, rau ăn lá, củ kiệu, khoai môn, dưa hấu, ớt...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN