Nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo ĐBSCL

Là vùng trọng điểm sản xuất lúa gạo cho an ninh lương thực và xuất khẩu, nhưng từ trước đến nay, ĐBSCL được đầu tư thấp và hiệu quả chưa cao vì thiếu đồng bộ, thiếu liên kết vùng và vai trò tham gia "bốn nhà" (nông dân, doanh nghiệp, khoa học và nhà nước) còn rất hạn chế.


Bài 2: Phải hình thành chuỗi sản xuất lúa gạo


Sự gặp nhau giữa chính sách vĩ mô và vi mô còn nhiều bất cập. Theo số liệu thống kê, đầu tư của Nhà nước cho nông nghiệp giai đoạn 2003-2007 bằng 8,7%; năm 2008 giảm xuống 6,4% và năm 2009 còn 6,2%; trong lúc giá trị sản phẩm nông nghiệp chiếm gần 21% GDP. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nông nghiệp càng thấp hơn nữa, xấp xỉ 0,6% tổng vốn FDI ở năm 2009.

Nông dân quận Bình Thủy, TP Cần Thơ thu hoạch lúa. Ảnh: Duy Khương - TTXVN


Chưa nói đất trồng lúa ở ĐBSCL giảm hàng trăm ngàn ha để nhường cho khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các công trình kết cấu hạ tầng khác. Từ đó không ít nông dân ĐBSCL rơi vào tình trạng mất tư liệu sản xuất truyền thống và đây là một yếu tố tạo ra biên độ giàu nghèo ở nông thôn ngày càng rộng ra thêm.

Qua phân tích của các chuyên gia kinh tế cho thấy, đại bộ phận nông dân ở ĐBSCL sản xuất nhỏ lẻ nên gặp rất nhiều khó khăn khi thị trường yêu cầu với số lượng lớn, thời gian giao hàng ngắn, chất lượng cao, đảm bảo tính đồng bộ về quy cách... Sự biến động bất thường, khó lường về giá hàng nông sản trên thị trường thế giới; mạng lưới kinh doanh hàng nông sản trong nước vừa thiếu, vừa yếu, nhiều khâu nấc trung gian... đã tác động xấu đến sản xuất kinh doanh và đời sống của nông dân...

Để giải quyết đầu ra nông sản theo sự phát triển ổn định và bền vững, theo tính toán của các nhà khoa học, ở tất cả các chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp như chuỗi giá trị lúa gạo, người nông dân trực tiếp sản xuất ra cây lúa có lợi nhuận rất thấp. Vì vậy, nếu không có giải pháp nâng cao thu nhập, lợi nhuận cho người nông dân, ngành nông nghiệp sẽ khó có thể phát triển bền vững.

Muốn giải quyết vấn đề này, các nhà khoa học cho rằng chỉ có con đường liên kết hợp tác, hình thành vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh mới trở thành xu hướng tích cực để tạo ra sản lượng lớn, chất lượng hàng hóa đồng đều. Từ đó, doanh nghiệp dễ đầu tư gắn với ký kết hợp đồng thu mua. Nhà nước cần có cơ chế, chính sách mạnh mẽ hơn nữa hỗ trợ, khuyến khích nông dân trong việc hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn, tập trung (dồn điền, đổi thửa) nhằm đưa cơ giới hóa vào sản xuất, nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản...

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho rằng, đối với cây lúa ở vùng ĐBSCL, thì việc “liên kết vùng và tham gia bốn nhà” là rất quan trọng. Bởi vì, ĐBSCL là vùng trọng điểm an ninh lương thực quốc gia và cho xuất khẩu.


Liên kết sẽ giúp thực thi các kế hoạch và chiến lược sản xuất lúa, an ninh lương thực đến tận địa phương; tìm sự đồng thuận của các địa phương trong vùng, cả xã hội cùng đồng thuận để sản xuất và tiêu thụ lúa gạo nhằm gia tăng thu nhập cao nhất cho nông dân. Việc liên kết cũng nhằm nghiên cứu chuỗi giá trị của lúa gạo và của đồng ruộng. Thông qua sự liên kết trở thành hệ thống, từ đó giúp Chính phủ và các bộ, ngành đưa ra các chính sách và cơ chế phù hợp để phát triển lúa gạo và tăng thu nhập cho nông dân trồng lúa trong vùng.

Trong điều kiện biến đổi khí hậu, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cần liên kết lại trong sản xuất, liên kết trên từng tiểu vùng, làm liên hoàn để chống lũ, làm đê bao chống xâm nhập mặn nước biển ngày càng dâng cao, xử lý môi trường... Liên kết “bốn nhà”, trong đó, nhà khoa học phải liên kết với nhau để nghiên cứu ra giống tốt nhất, năng suất cao đưa ra dân sản xuất.


Nông dân liên kết hình thành tổ hợp tác, hợp tác xã tạo nên vùng chuyên canh, hoặc thành lập công ty nông nghiệp (nông dân hùn vốn và làm chủ), sản xuất theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải đưa ra dự báo thị trường, ký hợp đồng bao tiêu với nông dân và đầu tư vật tư nông nghiệp cho nông dân; xây dựng kho tàng để nâng cao chuỗi giá trị hạt gạo. Nhà nước phải quy hoạch vùng sản xuất, đào tạo nhân lực cho nông thôn, hỗ trợ cho người trồng lúa để giữ vững vai trò an ninh lương thực quốc gia.

GS.TS Võ Tòng Xuân cho rằng, trong những năm tới, lúa gạo vẫn còn là một nhu cầu khá lớn cho bảo đảm an ninh lương thực thế giới, đây cũng chính là hàng hóa sở trường, thế mạnh phổ biến nhất của đại đa số nông dân Việt Nam, do đó Nhà nước cần sớm tổ chức lại hệ thống mậu dịch gạo xuất khẩu. Đây là một sự đổi mới cơ bản trong chính sách nông nghiệp của ta để thật sự chấm dứt thời kỳ nông dân làm thuê, để các thương lái, doanh nghiệp làm giàu, chuyển sang thời kỳ nông dân làm chủ doanh nghiệp cổ phần để ngày càng đạt lợi tức cao hơn trong sản xuất - thị trường.

Lê Hiền - Quốc Thái

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN