Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện cánh đồng lớn ở Kiên Giang

Kiên Giang là tỉnh có diện tích sản xuất lúa lớn nhất cả nước, với tổng diện tích gieo trồng hàng năm khoảng 700.000ha, sản lượng thu hoạch hơn 4,4 triệu tấn mỗi năm.

Những năm gần đây, tỉnh tích cực xây dựng và phát triển thêm các cánh đồng lớn theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả nhằm thực hiện chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu nông sản, nâng cao giá trị hạt lúa và thu nhập cho nông dân. 

Chú thích ảnh
Nông dân xã Mong Thọ, huyện Châu Thành (Kiên Giang) chăm sóc lúa Thu Đông. Ảnh tư liệu: Lê Huy Hải/TTXVN

Cánh đồng lớn nâng cao giá trị hạt lúa

Phát huy hiệu quả cánh đồng lớn trong những năm qua, năm 2024 ngành nông nghiệp Kiên Giang tiếp tục triển khai các mô hình sản xuất lúa đạt chuẩn áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt, sản xuất hữu cơ, mã vùng trồng gắn với truy xuất nguồn gốc trong sản xuất nông nghiệp. Vụ đông xuân 2023-2024, tỉnh xây dựng trên 700 cánh đồng lớn với trên 80.000ha; xây dựng trên 27.000ha sản xuất lúa đạt chuẩn SRP, hữu cơ, GloabalGAP, VietGAP, kiểm soát dư lượng đảm bảo phục vụ xuất khẩu sang các thị trường EU, Nhật Bản, Mỹ, Malaysia, Singapore, Canada… Các giống lúa gieo trồng phổ biến trên cánh đồng lớn như ĐS1, Jasmin 85, ST24, ST25, RVT, Đài Thơm 8, OM5451, OM18.

Tỉnh tập trung chất lượng cho cánh đồng lớn theo hướng "liền bờ, liền mẫu" gắn kết với liên kết tiêu thụ, triển khai ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ, cơ giới hóa trong sản xuất. Ngoài ra, phổ biến các mô hình sản xuất đạt chất lượng, đặc biệt là nhân rộng các mô hình trồng lúa giảm chi phí, thích ứng với biến đổi khí hậu và sử dụng phân bón hữu cơ thay dần cho phân bón hóa học.

Cùng với đó là đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp như cơ giới hóa khâu làm đất, áp dụng phương tiện bay không người lái trong gieo sạ, cơ giới hóa khâu phun thuốc bảo vệ thực vật bằng động cơ chiếm trên 90%, cơ giới hóa khâu thu hoạch chiếm 95%, còn lại 5% chưa áp dụng cơ giới hóa trong khâu thu hoạch ở vùng tôm-lúa do nền đất yếu, máy vào bị lún.

Theo Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang, các cánh đồng lớn được thực hiện cùng một quy trình canh tác, chăm sóc và bón cùng loại phân, cùng một loại giống và sản xuất theo hướng đầu tư thâm canh gắn với nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, đẩy mạnh liên kết tiêu thụ, tạo điều kiện cho các hợp tác xã và doanh nghiệp tự chủ động chọn giống nhưng phải đảm bảo về chất lượng hạt giống và cam kết thực hiện theo quy trình kỹ thuật, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ít nhất 2 lần, sử dụng gói sản phẩm hữu cơ vi sinh trong canh tác để giảm phân bón vô cơ, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, cánh đồng lớn được tổ chức bơm tát nước, tổ chức thu hoạch lúa tập trung; được bao tiêu sản phẩm đầu ra với giá thành cao hơn giá thị trường.

"Năm 2024, Trung tâm triển xây dựng 5 điểm cánh đồng lớn ứng dụng thiết bị công nghệ cao vào sản xuất trong các khâu điều tiết nước, quản lý dịch hại, dinh dưỡng cây trồng; thực hiện 7 cánh đồng lớn được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ theo chuỗi giá trị; thực hiện các mô hình sản xuất lúa trên nền đất tôm đạt tiêu chuẩn hữu cơ gắn với cấp mã vùng trồng quy mô hợp tác xã; gây dựng 10 tài khoản truy xuất nguồn gốc cho 10 hợp tác xã, giúp các hợp tác xã theo dõi nhật ký các hoạt động nội bộ", ông Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang cho biết.

Ông Nguyễn Văn Hùng, thành viên Hợp tác xã nông nghiệp Đường Gỗ Lộ, ở xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) chia sẻ, hơn 5 năm qua, gia đình ông tham gia sản xuất trong cánh đồng lớn và duy trì làm giống lúa ĐS1. Đây là giống lúa chất lượng cao và được hợp tác xã thực hiện nghiêm ngặt quy trình sản xuất lúa VietGAP để đáp ứng yêu cầu gạo xuất khẩu của doanh nghiệp.

"Tham gia cánh đồng lớn mang lại nhiều lợi ích thiết thực, giảm chi phí khoảng 20% so với biện pháp canh tác truyền thống. Cụ thể là các doanh nghiệp cung ứng lúa giống, vật tư đầu vào và nông dân trong cánh đồng lớn xuống giống đồng loạt, chủ động về nguồn nước, ít xuất hiện sâu bệnh gây hại, được cán bộ khuyến nông thường xuyên có mặt theo dõi tình hình. Ngoài ra, ruộng lúa cũng được thu hoạch tập trung và doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ sản lượng và giá thu mua cao hơn thị trường từ 100 đến 200 đồng/kg lúa nên lợi nhuận tăng hơn so với các ruộng lúa sản xuất nằm ngoài cánh đồng lớn", ông Hùng cho hay.

Ứng dụng thiết bị công nghệ cao cho cánh đồng lớn

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Kiên Giang, từ năm 2022 đến nay tỉnh đã xây dựng và duy trì từ 690 đến gần 720 cánh đồng lớn mỗi vụ, với tổng diện tích hơn 82.000ha. Trong số đó, khoảng 550 cánh đồng lớn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản, với diện tích trên 62.000ha; những cánh đồng còn lại được doanh nghiệp, thương nhân hợp đồng thu mua chốt giá khoảng 10 ngày trước thu hoạch.

Đến nay, tỉnh đã được cấp 165 mã vùng trồng với tổng diện tích 7.000 ha cho 13 loại cây trồng cho các vùng trồng phục vụ xuất khẩu chủ yếu các thị trường như EU, Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Canada... Riêng cây lúa đã được cấp 118 mã vùng trồng với tổng diện tích 6.000 ha. Sản lượng lúa năm năm 2022 và 2023 đạt khoảng 4,4 triệu tấn; trong đó, có trên 90% là lúa chất lượng cao, lúa chuyên canh. Tỉnh có nhiều lợi thế về ngành hàng lúa gạo chất lượng cao cũng như tham gia đề án phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030. Tỉnh cũng đã đăng ký tham gia đề án với diện tích 200.000 ha.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho rằng, để triển khai thực hiện hiệu quả cánh đồng lớn nói riêng, đề án 1 triệu hecta trên địa bàn tỉnh nói chung, thời gian tới ngành tiếp tục đầu tư xây dựng thêm các cánh đồng lớn gắn với các ô đê bao khép kín. Tỉnh tập trung, huy động nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông nội đồng, hệ thống thủy lợi tại các vùng sản xuất chuyên canh, nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho chăm sóc, vận chuyển nông sản và đảm bảo tưới tiêu, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ngành nông nghiệp phối hợp các địa phương xây dựng tổ chức liên kết sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, vận động và tạo điều kiện cho doanh nghiệp, công ty tham gia chuỗi sản xuất cung ứng và tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, tăng cường chuyển giao, ứng dụng công nghệ mới như máy cấy, máy sạ lúa theo bụi, máy bay không người lái, trạm bơm kiểu đứng điều khiển bằng điện thoại smatphone… để ứng dụng vào sản xuất, giúp giảm lượng giống, tăng hiệu quả sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, góp phần giảm giá thành sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế.

Việc triển khai phát triển cánh đồng lớn đã hình thành vùng sản xuất tập trung, sản phẩm làm ra có số lượng lớn đáp ứng nhu cầu thị trường tạo mối liên kết giữa "bốn nhà", tăng giá trị nông sản và giảm giá thành sản xuất. Qua đó, phát triển kinh tế tập thể và hỗ trợ cộng đồng nông dân, ứng dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh lúa đạt hiệu quả cao và bảo vệ môi trường.

"Cánh đồng lớn đã và sẽ nâng cao thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Điều này thể hiện rõ là năm 2021 thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn chỉ hơn 50 triệu đồng đã tăng lên hơn 60 triệu đồng/người trong năm 2023", ông Lê Hữu Toàn cho biết.

Văn Sĩ (TTXVN)
Nâng cao giá trị hạt lúa xuất khẩu
Nâng cao giá trị hạt lúa xuất khẩu

Năm 2023 là năm nông dân tỉnh Đồng Tháp hướng đến chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, nâng cao giá trị hạt lúa xuất khẩu bằng các mô hình sản xuất lúa chất lượng cao; xây dựng vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất; chuyển đổi số trong nông nghiệp và đưa cơ giới hóa vào sản xuất lúa đạt 100% diện tích…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN