Năm 2011: Sẽ kiểm toán các tập đoàn,Quỹ bình ổn xăng dầu, NM lọc dầu Dung Quất...

“Kế hoạch năm 2011, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) sẽ kiểm toán 151 đầu mối, tăng 15% so với năm 2010. Trong các nội dung kiểm toán năm nay, KTNN chú trọng đặc biệt nội dung kiểm toán các tập đoàn, quỹ bình ổn xăng dầu, Tổ hợp lọc hóa dầu Dung Quất, các công trình giao thông quốc gia…

Việc kiểm toán các tập đoàn, Tổng công ty nhà nước nhằm đánh giá việc sử dụng vốn, ngân sách nhà nước (NSNN), làm cơ sở phục vụ nhiệm vụ tái cơ cấu hoạt động của các tập đoàn, Tổng công ty nhà nước theo kế hoạch của Chính phủ.


Tuy khối lượng công việc rất “nặng”, nhưng KTNN sẽ làm tốt nhiệm vụ kiểm soát tài chính công, không phụ lòng tin đã được ủy thác”, Tổng Kiểm toán Nhà nước Vương Đình Huệ khẳng định như vậy tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2011 của ngành diễn ra sáng 25/1. Đồng chí Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ tịch Quốc hội đã tới dự.

Hoạt động nghiệp vụ kiểm toán của cán bộ kiểm toán chuyên ngành 7 tại Sở Giao dịch Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam. Ảnh: Phạm Hậu - TTXVN


“Năm 2011, KTNN sẽ kiểm toán việc sử dụng NSNN tại 34 tỉnh, thành phố; 20 bộ, cơ quan trung ương; quyết toán ngân sách năm 2009; thực hiện 5 cuộc kiểm toán chuyên đề: 28 tập đoàn, doanh nghiệp và các tổ chức tài chính, ngân hàng; 39 dự án đầu tư xây dựng và 8 chương trình mục tiêu, dự án quốc gia; 16 đầu mối kiểm toán trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, tài chính Đảng. Thứ tự ưu tiên của KTNN là kiểm toán NSNN, các dự án đầu tư bằng nguồn vốn NSNN và vốn ODA. Việc quản lý và sử dụng vốn tại các tập đoàn, Tổng công ty nhà nước...”. Nguồn: Báo cáo kế hoạch kiểm toán 2011 của KTNN

Năm 2010, KTNN đã triển khai kiểm toán 132 đầu mối và trong năm tiếp tục bổ sung thêm 3 cuộc kiểm toán. Khối lượng công việc tăng 10% so với năm 2009 nhưng KTNN đã hoàn thành đúng thời hạn (trước 10/12/2010).

Tính trên 121 báo cáo kiểm toán đã phát hành, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính với tổng số tiền 13.774 tỉ đồng, bao gồm tăng thu 2.206 tỉ đồng, giảm chi 2.209 tỉ đồng; phát hiện tăng thêm so với báo cáo của cơ quan quản lý thu NSNN hơn 697 tỉ đồng; kiến nghị các khoản phải nộp, hoàn trả và quản lý qua NSNN 7.581 tỉ đồng và kiến nghị xử lý khác 1.079 tỉ đồng.

Ngoài việc tập trung thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, KTNN còn cử cán bộ tham gia các đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tham gia với Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét báo cáo tình hình tài chính của 21 tập đoàn, Tổng công ty nhà nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng, qua theo dõi trên thực tế, các nội dung kiểm toán năm 2010 đã sâu sắc hơn, tập trung phục vụ yêu cầu hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009 và những giải pháp cấp bách ngăn chặn suy giảm kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.


Các báo cáo kiểm toán đã giúp cho Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan của Quốc hội thực hiện chức năng giám sát có hiệu quả, thiết thực. Lần đầu tiên, KTNN đã tổ chức thành công Hội nghị lần thứ 42 của Ban điều hành ASOSAI XII tại Hà Nội.

Bổ sung vào kế hoạch kiểm toán năm 2011 của KTNN, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh 5 yêu cầu với KTNN. Đó là các kế hoạch, chương trình phải thực chất, tránh hình thức.


Sớm cụ thể hóa Chiến lược phát triển ngành kiểm toán đến năm 2020. Việc cảnh báo, uốn nắn lệch lạc phải đi đôi với kiên quyết xử lý sai phạm của tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật, nâng cao vị thế của KTNN.


Coi trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng, bản lĩnh chính trị, đạo đức, nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ, kiểm toán viên trong thực thi nhiệm vụ. Xây dựng ngành KTNN Việt Nam chuyên nghiệp, minh bạch, hiện đại và có vị trí xứng đáng trong tổ chức kiểm toán khu vực và quốc tế.

Xuân Hương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN