Mỹ thoát vỡ nợ, chứng khoán châu Á vọt cao nhất 5 tháng

Các chỉ số chứng khoán trên nhiều thị trường, từ Ôxtrâylia tới Nhật Bản, đồng loạt "vọt" lên các mức cao trong nhiều tuần sau khi Quốc hội Mỹ đạt thỏa thuận vào giờ chót cho phép nâng trần nợ và tránh cho nước Mỹ rơi vào tình cảnh vỡ nợ với những hệ lụy nguy hiểm đối với kinh tế nước này và cả toàn cầu.

Kết thúc phiên giao dịch 17/10, chỉ số MSCI của chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) tăng lên mức cao nhất trong vòng 5 tháng. Chỉ số Nikkei-225 của Nhật Bản tăng 119,37 điểm, tương đương 0,83%, lên 14.586,51 điểm. Chỉ số Weighted của Đài Loan tăng 42,5 điểm (0,51%), lên 8.374,68 điểm. Chỉ số S&P/ASX 200 của Australia tăng 20,2 điểm (0,38%), lên 5.283,1 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 6 điểm (0,29%), lên 2.040,61 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 133,45 điểm (0,57%), xuống 23.094,88 điểm, khi sự chú ý của thị trường đã chuyển sang các số liệu về tăng trưởng kinh tế quý III sắp được công bố. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 4,53 điểm, (0,21%), xuống 2.188,54 điểm.

Giới đầu tư cuối cùng cũng đã thở phào khi nước Mỹ tránh được nguy cơ vỡ nợ trong gang tấc nhờ lưỡng đảng trong Quốc hội đã chấp nhận nhượng bộ lẫn nhau sau nhiều tuần bất đồng sâu sắc. Chỉ vài giờ trước thời hạn chót nâng trần nợ vào ngày 17/10, Thượng viện Mỹ đã đạt thỏa thuận mở cửa chính phủ và gia hạn trần nợ đến đầu năm tới, và Hạ viện sau đó cũng thông qua dự luật. Ngay sau khi việc đạt thỏa thuận được thông báo, Tổng thống Barack Obama nói ông sẽ ký ban hành luật ngay lập tức để mở cửa chính phủ trở lại.

Tuy nhiên, thỏa thuận vừa đạt được chỉ là một giải pháp tạm thời và sẽ không giải quyết được các vấn đề căn bản là chi tiêu và thâm hụt ngân sách đang gây chia rẽ giữa đảng Cộng hòa và Dân chủ trong Quốc hội Mỹ. Do ngân sách cho chính phủ sẽ được cấp đến ngày 15/1/2014 và nâng trần nợ đến ngày 7/2 năm tới, các thị trường toàn cầu có thể sẽ chứng kiến một cuộc tranh cãi khác tại Washington.
Khi những bế tắc chính trị đã được khơi thông, nhiều nhà giao dịch đang chờ đợi số liệu kinh tế Mỹ sẽ được công bố, trong đó có số liệu việc làm tháng Chín. Các nhà đầu tư sẽ tập trung chú ý trở lại vào các số liệu kinh tế và thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) rút chương trình mua trái phiếu, động lực chính cho sự tăng giá tài sản trên toàn cầu những tháng gần đây. FED sẽ có hai cuộc họp chính sách từ nay đến cuối năm, một vào 29-30/10 và một vào 17-18/12.

Trước đó, thỏa thuận tại Quốc hội Mỹ đã tạo đà đi lên mạnh mẽ trên các thị trường Mỹ và châu Âu. Chốt phiên 16/10, chỉ số Dow Jones tăng 205,82 điểm (1,36%) lên 15.373,83 điểm; S&P 500 tăng 23,48 điểm (1,38%) lên 1.721,54 điểm và Nasdaq Composite tăng 45,42 điểm (1,20%) lên 3.839,43 điểm. Cùng ngày, ở bên kia bờ Đại Tây Dương, chứng khoán châu Âu cũng đồng loạt đi lên, trong đó DAX 30 của Đức tăng 0,47% lên đỉnh cao kỷ lục mới là 8.846 điểm; FTSE 100 của Anh tăng 0,34% lên 6.571,59 điểm trong khi CAC 40 của Pháp tăng 0,29% lên 4.243,72 điểm.


Lê Minh (Tổng hợp)
Mỹ sắp vỡ nợ, các thị trường vẫn bình tĩnh
Mỹ sắp vỡ nợ, các thị trường vẫn bình tĩnh

Hạn chót (17/10) để Mỹ phải nâng trần nợ công đã gần kề, nhưng Hành pháp và Quốc hội lưỡng viện nước này vẫn chưa tìm ra đồng thuận. Tuy nhiên, các thị trường tài chính thế giới, kể cả hai chủ nợ lớn nhất của Mỹ là Trung Quốc và Nhật Bản, vẫn bình tĩnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN