Mùng 7 Tết: Thịt, rau đầy sạp giá ổn định, tôm tươi khan hàng ‘đội giá’ gấp đôi

Ngay sau Tết Nguyên đán 2021, tại các siêu thị cũng như chợ dân sinh, hàng hóa dồi dào. Giá hàng hóa nhìn chung ổn định, thậm chí, có những mặt hàng giá giảm mạnh, sức mua kém.

Giá cả tương đối ổn định

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Tin tức  ngày 18/2, tại một số chợ ở Hà Nội đã có người bán, người mua. Tuy nhiên, số lượng không nhiều, các mặt hàng chủ yếu là thịt, cá, rau, quả và hoa.

Nhìn chung, giá cả tương đối ổn định. Thịt lợn có giá 160.000 – 180.000/kg tùy loại, không biến động nhiều so với trước Tết. Nguồn cung mặt hàng thịt lợn đã được bổ sung từ việc tái đàn an toàn và nhập khẩu, một bộ phận người chăn nuôi đã tập trung xuất chuồng vào đúng dịp Tết, nên cơ bản bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. So với cùng kỳ năm trước, giá thịt lợn hơi tương đương hoặc thấp hơn từ 3-5%, còn giá thịt lợn thành phẩm thấp hơn từ 5-7%.

Chú thích ảnh
Tại nhiều chợ dân sinh, hàng hóa dồi dào nhưng sức mua yếu.

Như thường lệ, thịt bò, gia cầm là các mặt hàng có sức tiêu thụ tăng mạnh trong cả trước và sau Tết; nhưng năm nay, giá thịt bò tăng sớm và ở mức cao hơn so với mọi năm, trong khi giá các sản phẩm gia cầm chỉ tăng nhẹ và thấp hơn cùng kỳ năm trước 10-15%. Thịt bò thăn có giá 250.000 - 280.000 đồng/kg.

Các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm cũng tương đương hoặc cao hơn so với trước Tết khoảng 10%. Gà ta ngon từ 120.000kg/gà mái và 130.000 đồng/kg gà trống, các loại cá từ 80.000-90.000 đồng/kg.

Riêng mặt hàng tôm thì khá đắt đỏ, chị Lê Hương, tiểu thương tại chợ Yên Duyên (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, tôm lột tầm trung có giá 400.000 đồng/kg, tôm sú loại vừa có giá 350.000 đồng/kg. “Ngày hôm qua (ngày 17/2- tức mùng 6 Tết), giá tôm  còn cao hơn, gấp đôi so với ngày thường, hôm nay đã giảm bớt 50.000 đồng/kg. Do giá quá cao nên nhiều người bán tôm không dám nhập hàng về. Tôi cũng chỉ nhập vài cân để bán chứ không dám lấy nhiều”, chị Hương cho hay.

Chú thích ảnh
Giá rau, củ tại các siêu thị không có biến động nhiều.

Ngược lại với giá tôm, sau Tết, giá bán các loại rau như su hào, bắp cải, súp lơ còn rẻ hơn cả thời điểm trước Tết. Giá bán các loại rau xanh cụ thể: Su hào 5.000 đồng/củ, cải cúc 6.000 đồng/mớ, mồng tơi 5.000-7.000 đồng/mớ, rau muống 7.000 đồng/mớ, rau cải giá 7.000 đồng/mớ to.

Theo chia sẻ của các tiểu thương, năm nay, thị trường thực phẩm tươi sống sau Tết nguyên đán giá bán ổn định, người dân đi mua ít hơn so với mọi năm. Thậm chí, các loại rau, củ, quả giá cả chỉ bằng một nửa so với dịp sau Tết những năm trước đây. 

Siêu thị hàng hóa dồi dào, lượng khách không nhiều

Để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, từ trước Tết, các siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tăng nhân lực tại các bộ phận, đồng thời tăng thời gian mở cửa bán hàng mỗi ngày. Một số siêu thị mở xuyên Tết như Aeon, các cửa hàng tiện lợi Circle K, Family Mart.... Nhiều siêu thị đến ngày mùng 2 Tết đã mở cửa trở lại, tới ngày mùng 4 Tết, toàn bộ hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích đã hoạt động bình thường trở lại.

Chú thích ảnh
Lượng khách đến siêu thị mua hàng  không nhiều, không có tình trạng chen lấn, xếp hàng thanh toán.

Theo khảo sát của phóng viên tại các hệ thống siêu thị lớn như Aeon Long Biên, Mega Market (Hoàng Mai), BRG Mart (Hoàn Kiếm), các mặt hàng dồi dào, đầy ắp trên kệ, rau tươi, củ quả, thịt tươi vẫn đảm bảo cung ứng ra thị trường, giá cả vẫn giữ bình ổn như trước Tết, không có nhiều biến động. 

Bà Đỗ Tuệ Tâm, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thương mại (Hapro) cho biết, ước tính, tổng doanh thu Tết Nguyên đán 2021 đến ngày 11/2/2021 (30 tháng Chạp) của hệ thống siêu thị Hapro tương đương với cùng kỳ năm 2020, các mặt hàng tiêu thụ chủ yếu gồm: Gạo, thịt gia súc, gia cầm, giò, thực phẩm chế biến, Bánh kẹo các loại, dầu ăn, thủy hải sản đông lạnh, bánh chưng, rượu bia nước ngọt, hoa quả, quần áo thời trang, hàng kim khí điện máy,…

Theo Bộ Công Thương, ước lượng hàng hoá tham gia bình ổn thị trường tại các địa phương triển khai chương trình được tăng cường, chiếm khoảng 20-35% nhu cầu thị trường. Tại một số tỉnh, thành phố như Hồ Chí Minh và Hà Nội, UBND thành phố đã chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn tăng lượng hàng hoá trong trường hợp có yêu cầu đột xuất hoặc các phương án cung ứng hàng trong trường hợp dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trở lại.

Chú thích ảnh
Thủy, hải sản dồi dào.
Chú thích ảnh
Trái cây đầy ắp kệ.

Theo báo cáo của các địa phương, tổng giá trị lượng hàng dự trữ phục vụ Tết của các doanh nghiệp ước tăng khoảng 10-15% so với các tháng thông thường trong năm; lượng hàng dự trữ của các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn tăng khoảng 5-10% so với năm trước. 

“Nhìn chung, sức mua tổng thể của cả nước dịp Tết Nguyên Đán Tân Sửu 2021 chỉ tăng từ 3-5% so với tháng thường và tăng 7-10% so với cùng kỳ năm 2020. Do nguồn cung khá dồi dào, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, sức mua không lớn nên giá phần lớn các mặt hàng giữ ổn định so với những ngày cận Tết. Các mặt hàng rau củ quả vụ Đông nguồn cung tốt (thời tiết thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, sản lượng cao), giá tương đối thấp. Thị trường nhìn chung không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá, nguồn cung luôn được bảo đảm, kể cả tại những khu vực cách ly do dịch bệnh COVID-19”, Bộ Công Thương nhận định.

 

Bài, ảnh: Thu Trang/ Báo Tin tức
Hàng hóa dồi dào dịp Tết Tân Sửu 2021
Hàng hóa dồi dào dịp Tết Tân Sửu 2021

Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, Tết Tân Sửu 2021 lượng hàng hóa dồi dào, chủng loại đa dạng, hình thức mẫu mã đẹp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN