Môi trường - ghi nhận từ khu công nghiệp Long Thành

Nằm kề bên quốc lộ 51 từ Biên Hòa đi Vũng Tàu, khu công nghiệp (KCN) Long Thành chiếm một vị trí khá đắc địa, bởi “sau lưng” nó là vùng sông rạch thuộc lưu vực sông Đồng Nai, tạo cho KCN này không chỉ có cảnh quan đẹp mà còn thuận lợi cho việc xả nước thải sau khi đã xử lý vào sông Đồng Nai, khiến cho môi trường xanh, sạch, đẹp. Dự án KCN Long Thành do Công ty Cổ phần Sonadezi Long Thành làm chủ đầu tư, được triển khai xây dựng với quy mô 488 ha từ năm 2003. Đến nay, KCN này đã thu hút được 72 dự án đầu tư với diện tích thuê đất khoảng 232ha (tương ứng khoảng 76% diện tích đất cho thuê) và thu hút trên 700 triệu USD vốn đầu tư trong và ngoài nước, tạo công ăn việc làm cho khoảng 10.000 người.

Tuy nhiên, để phát triển bền vững thì bảo vệ môi trường luôn là vấn đề được lãnh đạo tỉnh Đồng Nai quan tâm. Theo đó, chủ đầu tư đã ý thức được tầm quan trọng của vấn đề bảo vệ môi trường nên chú trọng xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật của KCN một cách đồng bộ. Đến nay đã đạt trên 90% khối lượng bao gồm hệ thống giao thông, hệ thống thoát nước mưa, hệ thống thu gom nước thải, hệ thống chiếu sáng, hệ thống cấp nước, cấp điện, thông tin liên lạc và các công trình bảo vệ môi trường với tổng mức đầu tư trên 400 tỷ đồng.

Khu công nghiệp Long Thành.


Hệ thống xử lý nước thải của Nhà máy Xử lý nước thải Công ty Sonadez Long Thành.


Ngay từ khi triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng và cho thuê đất, Công ty Sonadezi Long Thành đã triển khai xây dựng ngay Nhà máy Xử lý nước thải (NMXLNT) – Giai đoạn 1 có công suất 5.000m3/ngày đêm và đưa vào vận hành từ năm 2006. Đến năm 2009 Công ty đã đầu tư xây dựng hoàn thành NMXLNT – Giai đoạn 2, nâng công suất của Nhà máy Xử lý nước thải tập trung (NMXLNTTT) lên 10.000m3/ngày đêm (công suất tối đa 20.000 m3/ngày đêm). Toàn bộ nước thải của KCN Long Thành sau khi xử lý được chảy vào rạch Bà Chèo, sau đó chảy ra sông Đồng Nai theo phương thức xả mặt và xả ven bờ. Trong suốt quá trình đầu tư xây dựng và vận hành, công ty luôn tuân thủ các quy định của nhà nước về công tác bảo vệ môi trường. Cụ thể là thực hiện công tác lập báo cáo đánh giá tác động môi trường của KCN và đã được phê duyệt, vận hành và xả thải theo đúng quy định của giấy phép xả thải do các cơ quan chức năng cấp. Tuy nhiên, vừa qua, dư luận khá ồn ào về việc Sonadezi Long Thành xả nước thải; ngỡ như lại có “vụ Vedan” thứ 2! Song, theo kết luận của Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về Môi trường (C49B) thì Sonadezi Long Thành không xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường mà chỉ vi phạm khi xả nước thải vượt tiêu chuẩn, thực hiện không đúng, không đầy đủ các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Để khắc phục sự cố này, ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Sonadezi Long Thành cho biết: “Trong thời gian tới, công ty sẽ chú trọng đến công tác thu hút đầu tư, đặc biệt chỉ xem xét thu hút các ngành nghề có tổng mức đầu tư lớn với công nghệ cao, ít sử dụng nước và ít gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, để đảm bảo việc phát triển KCN gắn liền với môi trường bền vững theo 3 nội dung chính là: Tăng cường kiểm soát chất lượng nước thải đầu vào NMXLNT và chất lượng nước thải sau xử lý trước khi thải ra môi trường; xây dựng Module 3 của Nhà máy Xử lý nước thải tập trung; đẩy mạnh công tác vệ sinh môi trường và trồng cây xanh trong KCN”.

Hồ sinh thái chứa nước thải sau khi đã xử lý để đổ ra môi trường.


Ý thức được việc kiểm soát chất lượng nước thải đầu vào của NMXLNT nằm trong giới hạn cho phép là khâu quan trọng trong quá trình vận hành của NMXLNT, đảm bảo được hiệu quả xử lý nước thải theo công năng thiết kế ban đầu. Vì vậy, Sonadezi Long Thành thường xuyên phối hợp với đơn vị vận hành nhà máy xử lý nước thải tập trung của KCN Long Thành tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng nước thải đầu vào của nhà máy đặc biệt là các công ty dệt nhuộm và các công ty có lưu lượng nước thải lớn đạt giới hạn tiếp nhận nhằm đảm bảo nước thải đầu vào của NMXLNT được ổn định. Trong KCN đã có 13 doanh nghiệp có lượng xả thải lớn đã triển khai xây dựng cụm xử lý cục bộ để đảm bảo ổn định và đảm bảo chất lượng nước thải đạt giới hạn tiếp nhận trước khi xả vào NMXLNTTT của KCN. Đồng thời, để giám sát một cách liên tục và thường xuyên chất lượng nước thải sau xử lý của NMXLNT của KCN Long Thành, công ty đang triển khai lắp đặt thiết bị quan trắc tự động và đồng hồ đo lưu lượng dự kiến hoàn tất trong tháng 12/2011. Đồng thời, công ty cũng xây dựng phương thức giám sát và quản lý thiết bị quan trắc tự động và đo lưu lượng một cách khoa học nhằm đáp ứng được công tác giám sát cũng như khắc phục sự cố một cách kịp thời, hạn chế tối đa các thiệt hại về môi trường do hoạt động xả thải của nhà máy xử lý nước thải tập trung của KCN Long Thành gây ra đối với môi trường KCN nói riêng và môi trường lưu vực sông Đồng Nai nói chung. Hiện nay, công ty đang nghiên cứu để triển khai lắp đặt thiết bị quan trắc tự động và đo lưu lượng nước thải đầu vào từ hai doanh nghiệp dệt nhuộm có lưu lượng xả thải lớn là Công ty TNHH Samil Vina và Công ty TNHH Global Dyeing ( chiếm 80% lượng nước thải phát sinh của KCN) nhằm kiểm soát liên tục chất lượng nước thải đầu vào NMXLNTTT của KCN.

Theo ông Tuấn, do lượng nước thải phát sinh của KCN có hơn 80% là nước thải dệt nhuộm. Với đặc tính của nước thải dệt nhuộm không có thành phần của các chất nguy hại chủ yếu chỉ có chỉ tiêu độ màu và COD cao. Từ quá trình vận hành thực tế của NMXLNT Giai đoạn 1 và Giai đoạn 2, Công ty đã xem xét cải tiến và lựa chọn công nghệ của Giai đoạn 3 NMXLNTTT dự kiến quy mô 5.000m3/ngày đêm nâng công suất của Nhà máy Xử lý nước thải tập trung lên 15.000m3/ngày đêm. Công nghệ xử lý của Giai đoạn 3 áp dụng công nghệ xử lý hóa lý kết hợp xử lý vi sinh tương tự như công nghệ của NMXLNTTT – Giai đoạn 2 trước đây. Tuy nhiên có nâng cấp một số công đoạn và thiết bị nhằm tăng hiệu quả xử lý nước thải cũng như đảm bảo chất lượng nước thải sau xử lý ngày càng tốt hơn. Dự kiến thực hiện xây dựng trong năm 2012 với chi phí đầu tư xây dựng ước tính khoảng 40 tỷ đồng. “Cùng với việc đầu tư phát triển hạ tầng KCN, công ty luôn chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững. Đồng thời góp phần thực hiện định hướng phát triển kinh tế, xã hội chung của địa phương nói riêng và cả nước nói chung” – ông Tuấn nói.

Đến KCN Long Thành những ngày giữa tháng 11/2011, chúng tôi được tận mắt chứng kiến một môi trường xanh đang hình thành với 44,94 ha cây xanh đã tỏa bóng mát cho KCN. Và ấn tượng hơn, khi chúng tôi đến thăm hồ sinh thái là nơi chứa nước thải đã xử lý để đổ vào rạch Bà Chèo rồi chảy vào sông Đồng Nai, bỗng nhiên thấy cá đớp ngọn cỏ trên mặt hồ…

PV

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN