Mở lối cho doanh nghiệp xã hội phát triển

Với mục tiêu phát triển vì lợi ích cộng đồng, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên, doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam còn gặp không ít khó khăn trong quá trình hoạt động.

Khó vay vốn

Bà Nguyễn Thị Thu Ngân, Trưởng phòng Giáo vụ, Trung tâm Sao Mai chia sẻ, trung tâm được thành lập năm 1995, nhằm hỗ trợ chăm sóc trẻ em khuyết tật trí tuệ và trẻ tự kỷ. Giai đoạn đầu, trung tâm hoạt động theo cơ chế của tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận. Từ năm 2010, trung tâm chuyển đổi hoạt động như một doanh nghiệp xã hội (DNXH), bắt đầu thu học phí. Đến năm 2014, doanh thu từ học phí của Trung tâm Sao Mai chiếm 80% nguồn thu, nguồn tài trợ chiếm 5%, còn 15% là các dịch vụ khác. Tuy nhiên, theo bà Ngân, DNXH là khái niệm khá mới mẻ nên chưa tiếp cận được nguồn vốn vay, Trung tâm Sao Mai chỉ dựa vào nguồn thu từ dịch vụ đào tạo là chính.

Chị Tăng Thị Duyên Hồng, Giám đốc Công ty TNHH Quà của biển (Hà Nội) tại lớp dạy nghề cho chị em phụ nữ đơn thân và có HIV. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN


Bà Phạm Kiều Oanh, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng CSIP cho biết, kết quả điều tra cấu trúc tài sản của DNXH cho thấy, phần lớn nguồn vốn của DNXH là vốn tự có (20,3%) và vốn tích lũy từ các hoạt động sản xuất kinh doanh (45,4%), một phần nhỏ từ tài trợ (5,3%), vốn vay khác như ngân hàng, gia đình, bạn bè chỉ chiếm 28,8%, trong khi đây là nguồn vốn lưu động quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

“Các DNXH rất khó huy động nguồn vốn vay ngân hàng vì không có tài sản, nhà xưởng thế chấp do phần lớn DNXH hoạt động ở quy mô nhỏ hoặc nếu có vay được thì lãi suất vay của ngân hàng cao hơn nhiều khả năng sinh lời của DNXH và do đặc thù nên thời gian hoàn vốn kéo dài hơn các dự án thông thường”, bà Oanh cho biết.

Bên cạnh những khó khăn về vốn và tiếp cận nguồn vốn, DNXH hiện nay cũng phải đối mặt với vấn đề về nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực của DNXH chủ yếu là nhóm những người thiệt thòi, kém may mắn như người khuyết tật… là nguồn lao động có chất lượng thấp, tính ổn định kém nên năng suất lao động không cao. Cùng đó, chi phí đào tạo nguồn nhân lực này cũng cao hơn so với bình thường.

Xây dựng khung pháp lý

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cả nước có gần 300 doanh nghiệp đang hoạt động theo đúng mô hình DNXH, chưa kể, còn có hàng ngàn tổ chức, trung tâm có những đặc điểm có thể phát triển thành DNXH. Tuy nhiên, nhận thức của xã hội về loại hình doanh nghiệp này còn hạn chế, dẫn đến sự hoài nghi của các bên về bản chất và mục đích của các doanh nghiệp này.

Theo đánh giá của các chuyên gia, các DNXH ở Việt Nam còn khá non trẻ, vốn đầu tư nhỏ. Hơn nữa, DNXH có đặc thù là không vì mục tiêu lợi nhuận, lại kinh doanh trên các thị trường có rủi ro cao, lợi suất tài chính thấp nên không hấp dẫn các nhà đầu tư thương mại. Do đó, khả năng tiếp cận, huy động các nguồn vốn đầu tư thương mại rất hạn chế.

Cùng đó, khung pháp lý cho loại hình DNXH ở Việt Nam chưa hoàn thiện, chưa có khung pháp lý rõ ràng và nhất quán cho các loại hình tổ chức xã hội khác nhau. Nhà nước chỉ có quy định quản lý tài chính riêng biệt cho hai loại hình là Quỹ xã hội, Quỹ từ thiện và các cơ sở bảo trợ xã hội, còn lại các loại hình tổ chức khác đều không có quy định riêng. Các tổ chức phi Chính phủ hiện nay vẫn được phép hoạt động có thu và chịu thuế theo quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, các hướng dẫn về thuế đối với các tổ chức này chưa rõ ràng và cơ quan thuế cũng không có hướng dẫn cụ thể.

Đại diện Trung tâm Sao Mai chia sẻ, ngoài chi phí kinh doanh như các doanh nghiệp thông thường, DNXH còn có phần chi phí xã hội. Đó là nguyên nhân mà những DNXH cần thời gian lâu hơn để sản sinh lợi nhuận và cũng gây khó khăn khi cạnh tranh của các doanh nghiệp này. “Vì thế, Nhà nước cần đưa ra các chính sách hợp lý để hỗ trợ phần chi phí thực tế mà các DNXH phải chi trả (như thuế, các loại chi phí bảo hiểm, đánh giá và xếp mức lương cơ bản cho người lao động) và hỗ trợ DNXH tiếp cận các khoản đầu tư, thậm chí cả vốn không hoàn lại từ Nhà nước, các tổ chức phi Chính phủ, các doanh nghiệp khác để bù đắp các chi phí hoạt động kinh doanh”, bà Nguyễn Thị Thu Ngân kiến nghị.

Từ ngày 1/7, Luật Doanh nghiệp sửa đổi có hiệu lực, trong đó lần đầu tiên đưa ra quy định về DNXH. TS Phan Đức Hiếu, trưởng ban Môi trường Kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, Luật Doanh nghiệp 2014 đã quy định chi tiết, cụ thể hóa hoạt động của DNXH. “Việc đưa quy định về DNXH vào Luật Doanh nghiệp đã khẳng định được vai trò của khối doanh nghiệp này trong nền kinh tế. Đây là tiền đề quan trọng cho việc hình thành môi trường pháp lý và những chính sách phù hợp khuyến khích cho sự phát triển của DNXH”, ông Hiếu cho biết.

Theo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi): Doanh nghiệp xã hội là doanh nghiệp được đăng ký thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng. DNXH phải sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký. Đối với việc đăng ký thành lập DNXH thì trình tự thủ tục cũng như đối với doanh nghiệp thông thường, chỉ khác biệt về hồ sơ đăng ký, có thêm 2 văn bản là bản cam kết thực hiện mục tiêu về môi trường, xã hội; cam kết có thời hạn tối thiểu là 5 năm và một số quy định liên quan được quy định trong luật.


Thu Trang
Doanh nghiệp tham gia nuôi trồng thủy sản
Doanh nghiệp tham gia nuôi trồng thủy sản

Do phải cạnh tranh gay gắt về giá với các đối thủ trong khu vực, xuất khẩu thủy sản đang gặp khó. Để hạ được giá nguyên liệu đầu vào nhưng nhà nông vẫn có lãi đòi hỏi nhà nông và DN phải có sự liên kết chặt chẽ với nhau.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN