Mạnh tay thu hồi dự án 'treo' - Bài cuối: Sớm dừng dự án dở dang, kém hiệu quả

Nhờ nguồn vốn đầu tư công được dành nhiều cho phát triển cơ sở hạ tầng đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội các địa phương trong cả nước. Tuy nhiên, cùng với sự tích cực thì nhiều dự án đầu tư công được triển khai nhiều năm vẫn chưa hoàn thành, đội vốn hàng chục nghìn tỷ đồng gây bức xúc dư luận, lãng phí nguồn lực quốc gia. Xung quanh vấn đề này, phóng viên TTXVN đã ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, lãnh đạo địa phương.

Chú thích ảnh
3 toa tàu đầu tiên thuộc dự án metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đã được cập cảng Khánh Hội, Thành phố Hồ Chí Minh ngày 8/10/2020 và đưa lên bờ an toàn. Ảnh tư liệu: TTXVN phát

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội Nguyễn Phú Cường:

Tổng hợp báo cáo không đầy đủ của các bộ, ngành, địa phương trong giai đoạn 2016 - 2021 mỗi năm có hàng nghìn dự án đầu tư công chậm tiến độ và có xu hướng tăng dần qua các năm. Trong số đó, đáng chú ý hầu hết dự án quan trọng quốc gia, các dự án lớn, trọng điểm đều chậm tiến độ, điển hình như dự án đường sắt đô thị của Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh. Đây là vấn đề tồn tại kéo dài nhiều năm, chưa được khắc phục, gây lãng phí lớn trong sử dụng vốn đầu tư công.

Cùng với đó là hàng nghìn dự án điều chỉnh quyết định đầu tư; trong đó có nhiều dự án phải điều chỉnh dự án nhiều lần. Đơn cử như dự án tuyến đường sắt đô thị số 1, tuyến Bến Thành - Suối Tiên phê duyệt năm 2008, qua 14 năm thực hiện vẫn tiếp tục xin lùi thời hạn hoàn thành và dự kiến tới năm 2028 mới kết thúc dự án với số vốn đội lên quá lớn, từ 7.387 tỷ đồng đã tăng gấp hơn 5,9 lần là 43.757 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhiều dự án vi phạm thủ tục đầu tư, có thất thoát, lãng phí; nhiều trường hợp phải xử lý hình sự.

Có tình trạng một số dự án hoàn thành nhưng không đưa vào sử dụng, không phát huy hiệu quả đầu tư, để hoang hóa, hay các dự án dở dang, dừng thực hiện nhưng chậm hoặc chưa kịp thời rà soát, cắt giảm đã gây thất thoát, lãng phí, ảnh hưởng đến việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất. Điều này đồng thời gây khó khăn bức xúc cho doanh nghiệp và người dân.

Thậm chí, giai đoạn 2016 - 2021, thông qua giám sát đã phát hiện được 94 dự án không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp, bỏ hoang, gây lãng phí song chưa được các cơ quan chức năng xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện dự án.

Do đó, việc xử lý dứt điểm dự án bỏ hoang, dở dang rất cấp bách. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có kế hoạch xử lý dứt điểm các dự án đầu tư công chậm tiến độ, nhất là các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, dự án sử dụng vốn ODA.

Ngoài ra, cần đẩy nhanh tiến độ bàn giao, quản lý, khai thác, sử dụng các dự án hoàn thành để sớm phát huy hiệu quả đầu tư. Đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư công dở dang, không thể tiếp tục thực hiện hoặc thấy rõ không hiệu quả cần sớm đánh giá, dừng thực hiện.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang:

Để giải quyết những dự án chậm triển khai, quá hạn, UBND tỉnh Thanh Hóa đã thành lập Tổ công tác phối hợp với các địa phương rà soát lại tiến độ thực hiện các dự án đã được giao đất, cho thuê đất trên địa bàn. Cũng để tránh tái diễn tình trạng nhà đầu tư chậm triển khai dự án, UBND tỉnh sẽ lựa chọn nhà đầu tư bảo đảm năng lực tài chính, có khả năng triển khai dự án và quyết tâm thực hiện dự án; không chấp nhận nhà đầu tư không bảo đảm nguồn vốn, có dấu hiệu đầu cơ, găm giữ đất để chuyển nhượng kiếm lời bất hợp pháp, không có ý định đầu tư. Nếu các chủ đầu tư vi phạm, UBND tỉnh kiên quyết thu hồi đất.

Trong thời gian vừa qua, UBND tỉnh đã quyết định thu hồi đất 21 dự án với tổng diện tích 89,88 ha tránh lãng phí nguồn lực đất đai như: dự án Khu công nghiệp Hoàng Long của Tập đoàn FLC rộng hơn 286 ha, có vốn đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng nhưng đã chậm hơn 7 năm; dự án của Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Nguyễn Kim Thanh Hóa tại khu đô thị phía Nam thành phố Thanh Hóa với diện tích hơn 2,2 ha; dự án nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Vinaxuki (ở xã Đại Lộc, huyện Hậu Lộc) của Công ty TNHH MTV ô tô Vinaxuki Thanh Hóa; dự án của Công ty CP AE Toàn Tích Thiện (tại phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn)…

UBND tỉnh Thanh Hóa cũng chỉ đạo các ngành tiếp tục xem xét, tham mưu xử lý theo quy định đối với 46 dự án chậm tiến độ. UBND các huyện, thị xã, thành phố, Ban quản lý khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp rà soát quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị địa bàn để kịp thời điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch đã quá thời hạn và không có tính khả thi. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp phải rà soát các dự án đầu tư được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư, có phương án kiểm tra, đôn đốc tiến độ và kiên quyết thu hồi dự án chậm tiến độ, khắc phục tình trạng dự án treo.

PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (Varsi):

Các dự án giao thông bị chậm tiến độ, đội vốn thời gian gần đây đã gây ra những hệ lụy xấu. Nguyên nhân làm chậm tiến độ hoặc đội vốn đầu tư của một số dự án trọng điểm là do nguồn vốn đầu tư không đáp ứng yêu cầu, cơ chế giải ngân phức tạp. Đặc biệt, vấn đề giải phóng mặt bằng vẫn là thách thức lớn nhất về tiến độ, chất lượng và hiệu quả đầu tư dự án.

Ngoài ra, không ít dự án trọng điểm có quy mô lớn, đòi hỏi quy trình quản lý và công nghệ thi công phức tạp, trong khi  chủ đầu tư còn hạn chế về kinh nghiệm quản lý, thực hiện; năng lực các ban quản lý dự án, tổng thầu, nhà thầu, tư vấn cũng chưa thực sự chuyên nghiệp… dẫn đến tình trạng những vướng mắc không được giải quyết một cách triệt để. Nhiều nội dung điều chỉnh bị kéo dài thời gian thực hiện làm tăng tổng mức đầu tư, chưa kể đến những khó khăn do biến động lớn về giá đầu vào cho các công trình xây dựng, tỷ giá hối đoái thay đổi... cộng với công tác quy hoạch ở một số địa phương chưa thực hiện tốt, còn mất nhiều thời gian tham vấn, xin ý kiến cơ quan chuyên môn.

Về giải pháp để khắc phục, trước mắt, có ý kiến đề xuất, việc quản lý các dự án đầu tư công, dự án ODA cần phải xây dựng chi tiết, cụ thể để khi xảy ra vấn đề đội vốn, chất lượng kém, thời hạn hoàn thành không đúng tiến độ phải quy được trách nhiệm cá nhân, tập thể. Đối với những nhà thầu trong và ngoài nước có dự án chậm tiến độ, đội vốn thì cương quyết xếp vào danh sách những nhà thầu không cho tham gia các dự án tiếp theo của ngành giao thông.

Đề xuất giải pháp thúc đẩy tiến độ các dự án và giảm việc tăng mức đầu tư dự án cần phải thay đổi cơ cấu quản lý dự án đảm bảo việc quy trách nhiệm cụ thể cho cá nhân, tổ chức thực hiện dự án chậm, đội vốn. Những cá nhân, tổ chức không hoàn thành nhiệm vụ phải xử lý theo pháp luật.

Ngoài ra, cần có sự thống nhất về chính sách giải phóng mặt bằng, bồi thường tái định cư. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, xây dựng, đấu thầu, quản lý đất đai, môi trường... đảm bảo thống nhất, chặt chẽ, phù hợp với cơ chế thị trường và phù hợp với thông lệ quốc tế… Bên cạnh đó, cần tập trung nâng cao chất lượng khảo sát, thiết kế, chuẩn bị dự án đầu tư; thực hiện chặt chẽ khâu tuyển chọn các đơn vị tư vấn có năng lực, kinh nghiệm phù hợp với yêu cầu để chuẩn bị dự án...

Nhóm PV TTXVN
Mạnh tay thu hồi dự án 'treo' - Bài 2: Vấn đề cấp thiết
Mạnh tay thu hồi dự án 'treo' - Bài 2: Vấn đề cấp thiết

Việc mạnh tay xử lý đối với các dự án, quy hoạch “treo” đang là vấn đề ưu tiên của Chính phủ, các cấp bộ, ngành và địa phương. Tại Công văn số 4358/VPCP-CN ngày 13/7/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện rà soát quy hoạch, kịp thời điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch đã quá thời hạn và không có tính khả thi; rà soát các dự án để có phương án kiểm tra, đôn đốc tiến độ và kiên quyết thu hồi dự án “treo”…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN