Lưu ý doanh nghiệp các quy định để gia tăng xuất khẩu sang thị trường Bắc Âu

Mặc dù Bắc Âu là các nước nhỏ gồm 5 nước Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Iceland nhưng có nền kinh tế mở, hiện đại và xuất nhập khẩu thường chiếm 50 - 60% tổng ngân sách quốc nội (GDP). So với các nước khác trong ASEAN, Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang khu vực này nhưng thị phần vẫn dừng lại ở mức hạn chế chưa đến 1%.

Chú thích ảnh
Lô hàng vải thiều xuất khẩu đầu tiên sang thị trường châu Âu tại sân bay Nội Bài. Ảnh (tư liệu) minh họa: TTXVN phát

Tuy nhiên, khi xuất khẩu vào thị trường này doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh không chỉ với Trung Quốc mà còn rất nhiều nước khác có các đặc điểm tương đồng như Bangladesh, Ấn Độ, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ…

Vì thế, các chuyên gia thương mại lưu ý doanh nghiệp việc tuân thủ các quy định nhập khẩu vào và quan trọng là phải đáp ứng cả các điều kiện bổ sung của người mua hàng. Hơn nữa, thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại đúng và trúng cũng là một giải pháp tốt để thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá.

Đơn cử, người tiêu dùng Bắc Âu ngày càng có xu hướng tiêu thụ thực phẩm hữu cơ với phương pháp sản xuất bền vững, ít tác động với môi trường và lựa chọn sản phẩm đơn giản, tiện dụng, dùng được nhiều lần cũng như ưu tiên sử dụng các nguyên vật liệu tái chế...

Chính vì vậy, doanh nghiệp nên hướng tới quảng bá các sản phẩm mới lạ, có lợi cho sức khỏe, bảo vệ môi trường, các sản phẩm gắn với các câu chuyện vùng miền, có chỉ dẫn địa lý. Đặc biệt, doanh nghiệp nên tăng hiệu quả và tiết kiệm chi phí qua xúc tiến thương mại trực tuyến.

Thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, năm 2021, 3 nước Bắc Âu nhập khẩu khoảng 6,5 tỷ USD nông sản (4,8 tỷ USD rau quả, 1,2 tỷ USD trà, cà phê, gia vị, và 503 triệu USD ngũ cốc).

Trong số đó, nhập khẩu từ Việt Nam chỉ khoảng hơn 40 triệu USD, chủ yếu là hạt điều 21,7 triệu, cà phê 7,2 triệu, gạo 5,5 triệu, và hạt tiêu 4 triệu, các mặt hàng khác chỉ 2 triệu. Điều này khẳng định, các nước Bắc Âu vẫn còn khá nhiều dư địa cho hàng nông sản mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể khai thác.

Theo đại diện Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển kiêm nhiệm Đan Mạch, Na Uy, Iceland và Latvia, thị trường Bắc Âu vẫn còn nhiều tiềm năng để khai thác nhưng thực tế gặp rất nhiều khó khăn.

Đơn cử, dù các nước Bắc Âu là các nước tiêu dùng cà phê tính trên đầu người cao nhất thế giới nhưng Việt Nam chủ yếu được biết đến với sản lượng Robusta, trong khi thị trường Bắc Âu đều hướng tới cà phê chất lượng cao nên nhập khẩu chủ yếu cà phê Arabica và nhập khẩu cà phê Robusta với số lượng thấp. Đây chính là nguyên nhân lớn nhất cho cà phê Việt Nam chưa hiện diện nhiều tại thị trường khu vực này.

Ngoài ra, thị trường gạo của các nước Bắc Âu nhìn chung đã nhỏ, gạo Việt Nam nằm trong phân khúc thị trường phục vụ cho người tiêu dùng Á châu lại còn nhỏ hơn nữa, thêm cạnh tranh với Thái Lan đã có chỗ đứng vững chắc là một khó khăn cho doanh nghiệp mới tham gia thị trường của Việt Nam.

Bắt đầu từ năm 2022, gạo Campuchia tiếp tục được hưởng thuế 0%. Những năm trước đây, gạo Việt Nam gần như vắng bóng trên thị trường các nước này. Do vậy, để thay đổi thói quen tiêu dùng của người mua chuyển từ gạo Thái Lan, Campuchia sang gạo Việt Nam khá khó khăn. Đặc biệt, người Bắc Âu có thói quen tiêu dùng rất kiên định và khó thay đổi trong thời gian ngắn.

Mặt khác, dù Na Uy không phải là thành viên EU, nhưng là thành viên Cộng đồng Kinh tế châu Âu và tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm của EU, Na Uy đã tăng cường kiểm tra ở biên giới đồng thời với việc lấy mẫu hậu kiểm các sản phẩm đang được bày bán tại thị trường.

Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển kiêm nhiệm kiêm nhiệm Đan Mạch, Na Uy, Iceland và Latvia khuyến cáo, đối với nông sản, thực phẩm, người tiêu dùng Bắc Âu ngày càng có xu hướng tiêu thụ thực phẩm hữu cơ với phương pháp sản xuất bền vững, ít tác động với môi trường.

Hơn nữa, người tiêu dùng tại thị trường này đang có xu hướng giảm tiêu thụ thịt, tăng tiêu thụ thủy sản, và các thực phẩm thay thế thịt. Vì thế, các thực phẩm từ thực vật có hàm lượng protein cao sẽ được đón nhận, như mít non đóng hộp là một thực phẩm thay thế thịt chẳng hạn.

Cùng đó, doanh nghiệp nên chú trọng tới nhãn mác và nhất là các sản phẩm được dán nhãn sinh thái sẽ dễ dàng được tiêu thụ tại thị trường Bắc Âu.

Đặc biệt, người tiêu dùng Bắc Âu sẵn sàng trả giá cao hơn giá thông thường khoảng 20-50% để đảm bảo rằng các sản phẩm tiêu thụ là các sản phẩm thân thiện với môi trường và công bằng xã hội. Theo dự báo, đến năm 2030, lượng tiêu thụ thực phẩm hữu cơ ở các nước Bắc Âu sẽ tăng gấp 2 đến 3 lần hiện tại.

Đáng lưu ý, các sản phẩm đóng gói sẵn ngày càng trở lên thông dụng như rau sống được rửa và thái sẵn đóng gói, cà rốt rửa và cắt sẵn, rau tổng hợp cho các món xào, nấu...

Ngoài ra, kênh thông tin từ Thương vụ cũng là kênh thông tin chính thống cho doanh nghiệp. Hiện tại, Thương vụ đã xây dựng trang web riêng về thị trường Bắc Âu, facebook tiếng Việt để tương tác trực tiếp và cung cấp thông tin về thị trường hàng ngày cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, trang website và bản tin tiếng Anh theo chiều ngược lại, tương tác trực tiếp với các doanh nghiệp Bắc Âu dành để quảng bá doanh nghiệp và sản phẩm của Việt Nam đến các doanh nghiệp Bắc Âu miễn phí.

Mặt khác, Thương vụ thường xuyên nghiên cứu thị trường, ngành hàng khu vực Bắc Âu để cung cấp thông tin cho doanh nghiệp thông qua các ấn phẩm sách nhằm mang lại thông tin hữu ích cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu.

Uyên Hương (TTXVN)
Nông sản Việt tìm cách chinh phục thị trường Hà Lan và Bắc Âu
Nông sản Việt tìm cách chinh phục thị trường Hà Lan và Bắc Âu

Chiều 15/9, Tổ Diễn đàn Kết nối nông sản 970 phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Diễn đàn Kết nối tiêu thụ nông sản tại thị trường Hà Lan, các nước khu vực Bắc Âu và kết nối kinh doanh nông sản quốc tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN