Lúng túng trong phương án sửa chữa tàu vỏ thép không đạt chất lượng

Ngày 22/8, đoàn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Thứ trưởng Vũ Văn Tám dẫn đầu, đã làm việc tại tỉnh Bình Định về việc thực hiện Công điện 732/CĐ-TTg ngày 28/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ và khắc phục sự cố tàu vỏ thép đóng mới (theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản) bị hư hỏng tại địa phương.

Theo đó, 5 tàu vỏ thép do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) đóng cho ngư dân Bình Định bị hư hỏng chưa được sửa chữa. UBND tỉnh Bình Định không quyết được phương án sửa chữa.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám đã đề nghị UBND tỉnh Bình Định mời thêm chuyên gia thẩm định và tự quyết định phương án sửa chữa.

Như thông tin đã đưa, tại tỉnh Bình Định có 20 tàu vỏ thép được đóng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản; bị hư hỏng, buộc phải khắc phục, sửa chữa. Trong đó, Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Hải Phòng) nỗ lực sửa chữa 15 tàu do đơn vị đóng bị hư hỏng, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Bình Định và ngư dân chủ tàu đánh giá cao. Riêng Công ty TNHH Đại Nguyên Dương, đến nay vẫn chưa sửa chữa 5 tàu vỏ thép bị hư hỏng cho ngư dân.

Theo kết quả kiểm định chất lượng vỏ thép mới đây nhất do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thuê Tập đoàn Vinacontrol thực hiện, có 7/10 mẫu vỏ thép thiếu thành phần Mangan (Mn). Trong số 5 tàu chỉ có một tàu có 2 mẫu vỏ thép đạt tiêu chuẩn mac A; còn lại 4 tàu đều có mẫu vỏ thép không đạt chuẩn mac A (tức không đủ tiêu chuẩn dùng để đóng tàu). Ngày 9/8/2017, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định có văn bản số 2848/SNN-TS yêu cầu Công ty TNHH Đại Nguyên Dương thay thế phần thép Trung Quốc không đạt tiêu chuẩn mac A theo đúng ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Định và Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và đề xuất phương án, kế hoạch và tiến độ thay thế, sửa chữa vỏ thép của từng tàu bị hư hỏng.

Ngày 14/8/2017, Công ty TNHH Đại Nguyên Dương có văn bản số 82/CV-ĐND trả lời Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định là các vỏ thép được lấy mẫu kiểm định là thép đạt tiêu chuẩn loại A. Nhưng vì quá trình thi công đóng tàu và quá trình tàu vận hành nên vỏ thép bị giảm phẩm cấp. Theo đó, phương án sửa chữa được Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đề nghị là chỉ thay những tấm vỏ thép được lấy mẫu không đạt tiêu chuẩn; còn lại tất cả những tấm thép không được lấy mẫu vẫn giữ nguyên, công ty sẽ tiến hành sơn sửa lại cho ngư dân.

Theo đề nghị này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định đệ trình 2 phương án sửa chữa. Cụ thể, phương án 1 là thay thế tấm thép không đạt thép thường cấp A hoặc thay thế toàn bộ thép vỏ tàu bằng thép Hàn Quốc cấp A theo hợp đồng. Phương án 2 là cho sửa chữa và sơn lại toàn bộ vỏ tàu theo đúng quy trình, đồng thời tính toán lại giá trị thực tế của tàu để làm cơ sở cho việc giải quyết phần chênh lệch Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đã thanh toán. Đề nghị Ngân hàng BIDV chi nhánh Phú Tài phối hợp với Trung tâm Đăng kiểm tàu cá tính toán phần chênh lệch giá trị thép đóng tàu của Công ty TNHH Đại Nguyên Dương.

Tuy vậy, UBND tỉnh Bình Định không đồng tình với cả 2 phương án này.

Phạm Kha (TTXVN)
Chấn chỉnh hoạt động đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67
Chấn chỉnh hoạt động đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67

Đến cuối tháng 7/2017, cả nước đã có 761 tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 đi vào hoạt động. Tuy nhiên, trong số này đã có 40 tàu vỏ thép của ngư dân miền Trung bị rỉ sét nặng phần vỏ, máy tàu bị hư hỏng, gây thiệt hại cho ngư dân và ảnh hưởng lớn đến chính sách của Đảng và Nhà nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN