Lúng túng lắp đặt thiết bị giám sát hành trình xe vận tải

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 33 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Theo đó, từ ngày 1/7/2013 xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định có cự ly từ 500 km trở lên, xe kinh doanh vận chuyển khách du lịch, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng côngtennơ không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (còn gọi là “hộp đen”) sẽ bị xử phạt. Tuy nhiên, mốc giới hạn để các doanh nghiệp thực hiện lắp “hộp đen” đưa ra trước đó là 1/7/2011 (theo Nghị định 91) vẫn không được lùi.

Chờ thiết bị hợp quy

Theo tinh thần của Nghị định số 33 sửa đổi, chỉ còn một tháng nữa, các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định có cự ly trên 500 km sẽ phải lắp “hộp đen”.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, đến nay đã có khoảng 1.000 xe lắp đặt thử “hộp đen” và đều có những phản hồi tốt. Song do các văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Giao thông Vận tải ban hành vẫn chưa đầy đủ; ngoài Thông tư 08 về quy chuẩn thiết bị hộp đen thì vẫn còn thiếu văn bản hướng dẫn công nhận thiết bị hợp quy chuẩn. Do đó đến thời điểm này chưa đơn vị nào được kiểm định và cấp giấy chứng nhận hợp chuẩn.

Xe khách lắp thử nghiệm thiết bị giám sát hành trình vận tải.

Ông Hùng cũng cho biết thêm, Hiệp hội đã làm việc với các doanh nghiệp thành viên, và kiến nghị họ chờ những đơn vị được chứng nhận hợp quy thì tiến hành lắp đặt. Vì vậy, việc lắp “hộp đen” tạm thời dừng lại và các doanh nghiệp vận tải phải đợi các đơn vị sản xuất thiết bị được kiểm định hợp quy. Đối với những thiết bị đã lắp ráp rồi, Hiệp hội cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho phép các doanh nghiệp vận tải tiếp tục sử dụng trong thời gian nhất định theo quy định của Bộ để tránh lãng phí cho doanh nghiệp.

Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 2,5 vạn chiếc côngtennơ, với giá 1 "hộp đen" từ 5 - 6 triệu đồng thì chi phí lắp đặt lên tới trên 200 tỷ đồng, đó là chưa kể xe khách và các hệ thống quản lý khác. Đây là khoản tiền rất lớn trong lúc kinh tế của các doanh nghiệp đang khó khăn.

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội, cho biết: Hiện tại các doanh nghiệp thành viên chưa lắp đặt, mới chỉ ký hợp đồng với nhà cung cấp và lắp thí điểm cho một số ít xe chạy cự ly trên 500km. Bởi tới thời điểm này, thiết bị nào hợp chuẩn, đơn vị nào kiểm định, giấy chứng nhận do ai cấp thì chưa rõ ràng? Nếu doanh nghiệp "hăng hái" lắp đặt mà cơ quan nhà nước không chấp nhận thì sẽ rất tốn kém cho doanh nghiệp.

Đại diện đơn vị sản xuất thiết bị giám sát hành trình, bà Nguyễn Thị Thủy, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Duy Minh, cho biết: Các doanh nghiệp sản xuất cũng như nhập khẩu thiết bị đã sẵn sàng, chỉ chờ Bộ GTVT ban hành quy chuẩn kiểm định. Sau khi quy chuẩn được ban hành, chỉ khoảng 20 đến 30 ngày là những sản phẩm được kiểm định đạt tiêu chuẩn sẽ có mặt trên thị trường. Bà Thủy cho rằng, việc triển khai sẽ mất nhiều thời gian hơn quy định ban đầu vì quá trình lắp đặt phải đảm bảo các doanh nghiệp vận tải hoạt động bình thường, nên chỉ lắp khi xe về bãi. Hơn nữa lại phải triển khai trên phạm vi cả nước nên việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tất cả các xe vào 1/7 là khó thực hiện.

Hoãn phạt nhưng không hoãn lắp đặt!

Theo Nghị định 33/2011/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành, thời hạn xử phạt xe không lắp "hộp đen" sẽ được lùi tới ngày 1/7/2013, Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, đây mới chỉ là lùi thời gian xử phạt, chứ không đề cập đến lùi lộ trình lắp đặt theo Nghị định 91 là ngày 1/7/2011. Việc này đang gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Lý do được ông Hùng viện dẫn là do hiện nay các doanh nghiệp muốn đăng ký khai thác tuyến thì phải có giấy phép kinh doanh, trong đó điều kiện cần thiết là phải có hợp đồng lắp và nghiệm thu thiết bị giám sát hành trình. Nếu không, khi xin cấp phép tại các Sở GTVT, Sở sẽ không cấp, hoặc sẽ cấp tạm thời với hạn 1 năm. Cả 2 cách giải quyết này đều gây khó khăn, lúng túng cho doanh nghiệp.

Hiệp hội đã kiến nghị Bộ GTVT không chỉ lùi xử phạt, mà cần lùi cả lộ trình lắp ráp để các nhà cung cấp thiết bị đảm bảo theo quy chuẩn và các doanh nghiệp có thể lựa chọn thiết bị tốt nhất để lắp đặt, cũng như có sự cạnh tranh về giá cả. Ngoài ra, việc khai thác thông tin và hệ thống vận hành của thiết bị này là rất quan trọng; cần phải có thời gian chuẩn bị, thử nghiệm nếu không sẽ gây lãng phí lớn cho các doanh nghiệp. Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp vận tải trong nước là rất nhỏ, đặc biệt là các hợp tác xã chỉ khoảng 3 xe thì việc bỏ ra một khoản kinh phí lớn cho thiết bị quản lý là rất khó khăn.

Đức Dũng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN