Hãng tin Pháp AFP dẫn bản dự thảo tuyên bố của lãnh đạo các nước tham gia RCEP tại cuộc họp bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN nêu rõ các cuộc đàm phán về hiệp định này sẽ được hoàn tất vào năm 2019, đồng thời nhấn mạnh sự cấp bách phải đạt được một thỏa thuận trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang hứng chịu những "cơn gió ngược".
Phát biểu với báo giới, tân Quốc vụ khanh phụ trách thương mại và phát triển xuất khẩu của New Zealand Damien O'Connor cho biết các cuộc đàm phán "đã đạt được tiến bộ đáng kể, song chưa đưa ra kết luận cuối cùng". Ông khẳng định đàm phán đang đi đúng hướng và hy vọng các bên sẵn sàng ký kết hiệp định này trong năm 2019.
Trước đó, các bộ trưởng đã thảo luận những định hướng quan trọng để đi đến thống nhất những nội dung quan trọng trong đàm phán, như mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ đầu tư, sở hữu trí tuệ, hướng tới mục tiêu cơ bản hoàn tất đàm phán Hiệp định RCEP vào cuối năm 2018 như chỉ đạo của các nhà lãnh đạo các nước tham gia hiệp định.
Hiện vấn đề mở cửa thị trường cho Trung Quốc là mối quan ngại chính đối với Ấn Độ trong việc tham gia RCEP. Một số nước thành viên ASEAN tham gia RCEP đã đưa ra nhượng bộ đáng kể với Ấn Độ nhằm khuyến khích quốc gia Nam Á này tham gia hiệp định, theo đó, giảm mức mở cửa thị trường của Ấn Độ xuống khoảng 83% thay vì 92% như mức quy định ban đầu trong RCEP.
Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ, Suresh Prabhu kêu gọi các nước có cách tiếp cận cẩn trọng và kiên nhẫn trong đàm phán để đảm bảo rằng các nước đều được hưởng lợi từ hiệp định này.
Trong khi đó, các nhà phân tích cho rằng các cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào đầu năm tới tại một số nước tham gia RCEP như Ấn Độ, Thái Lan và Indonesia có thể ảnh hưởng đến thời gian hoàn tất đàm phán RCEP. Tiến trình đàm phán tiến tới ký kết RCEP bắt đầu vào năm 2013 và đã nhiều lần lỡ thời hạn chót hoàn tất đàm phán.
Với số lượng thành viên gồm 10 nước ASEAN và 6 nước đối tác khu vực là Australia, New Zealand, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc và Trung Quốc, RCEP dự kiến sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với khoảng 3,5 tỷ dân và chiếm 30% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.