Long Sơn tìm hướng bền vững nuôi cá lồng bè

Nghề nuôi thủy sản lồng bè và nhuyễn thể 2 mảnh vỏ (chủ yếu là hào, sò huyết) trên sông Chà Và, xã đảo Long Sơn, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có từ lâu và mang lại giá trị kinh tế cao cho địa phương, đóng góp đáng kể vào công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân nơi đây.


Khoảng 3 năm trở lại đây do ô nhiễm nguồn nước sông Chà Và, thủy sản của các hộ nuôi lồng bè đã bị chết hàng loạt. Nhiều hộ thua lỗ liên tục, cạn kiệt nguồn vốn, nợ nần chồng chất, mất khả năng tái đầu tư nuôi trồng ảnh hưởng đến sinh kế của người nuôi. Trước tình hình này, đòi hỏi bức thiết phải sắp xếp, cải tạo lại môi trường nuôi, góp phần phát triển bền vững nghề nuôi thủy sản ở Long Sơn nói riêng, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói chung.

 

Để phát triển tốt nghề nuôi cá lồng bè, cần bảo vệ môi trường nước.Ảnh: Duy Khương - TTXVN

Theo thống kê của xã Long Sơn, trên sông Chà Và những năm 1998 chỉ có 5 hộ nuôi lồng bè, đến năm 2000 tăng lên 12 hộ và hiện nay là 118 hộ, với 3.059 lồng, được chia làm 8 vùng nuôi. Các hộ dân ở đây chủ yếu nuôi các loại như: cá chẽm, cá chim, cá bớp, cá mú, cá hường, tôm hùm đá (tôm kẹt), hào và sò huyết.


Nghề nuôi cá lồng bè và nhuyễn thể hai mảnh vỏ trên sông Chà Và đã đem lại lợi ích kinh tế và dịch vụ, giải quyết công ăn việc làm cho lượng lớn lao động địa phương, với khoảng hơn 1.000 người.


Tuy nhiên, hiện nay do ô nhiễm môi trường nuôi, nhiều hộ nuôi thủy sản trên sông Chà Và đã phải "treo" bè hoặc nuôi cầm chừng vì không có vốn để làm ăn do trước đó cá bị chết hàng loạt. Dù chưa có con số thống kê đầy đủ về số hộ nuôi cá lồng bè tại khu vực sông Chà Và bị thua lỗ, phải treo bè nhưng qua thực tế tìm hiểu, hiện nay đã có rất nhiều hộ không còn vốn phải nuôi cầm chừng, có những hộ đã phải bỏ bè lên bờ, nhất là khu vực nuôi giáp với các khu chế biến hải sản Tân Hải xả thải ra.


Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, ngụ xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu đã nuôi cá lồng bè ở sông Chà Và được 8 năm. Những năm đầu làm ăn thuận lợi do môi trường nước còn trong lành, chưa có nhiều người nuôi, nên vợ chồng chị dồn mọi nguồn vốn có được và vay thêm ngân hàng để đầu tư cho 110 bè cá. Thế nhưng, năm 2012 nguồn nước ô nhiễm ngày càng nặng, một năm 2 lần cá chết nổi trắng lồng bè khiến vợ chồng chị không kịp trở tay, bao nhiêu công sức, tiền của vốn liếng gia đình chị có được cũng như vay mượn ngân hàng, bạn bè, người thân đều cuốn theo dòng nước.

 

Nuôi cá lồng bè phụ thuộc nhiều vào môi trường, con giống, kỹ thuật...
Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN

Theo tính toán của chị, nếu thuận lợi chị có thể thu về khoảng 5 tỷ đồng từ bán cá nhưng do cá chết nên chỉ vớt vát được khoảng gần 300 triệu đồng. Từ năm 2012 đến nay chị Thúy không còn vốn để tái sản xuất nữa, 110 bè giờ chỉ dám nuôi cầm chừng chưa đến 5.000 con cá chẽm và cá hường (110 lồng này có thể nuôi tới hơn 100.000 con cá các loại), vì sợ nếu bè bỏ không thì sẽ rất mau hư hỏng. Chị Thúy cho biết thêm, gần 3 năm cật lực làm để trả nợ mà hiện chị vẫn còn nợ ngân hàng hơn 2 tỷ đồng, giờ chị cũng không biết lấy gì mà để trả ngân hàng nữa.


Ngay phía sau cụm chế biến hải sản xã Tân Hải, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đến nay đã có 22 cơ sở đầu tư hoạt động sản xuất, nước thải từ khu vực này chảy thẳng ra con sông Chà Và, làm cho nước của dòng sông ngay sát khu vực cống thải số 6 (cống số 6 chảy trực tiếp từ hồ chứa nước thải của các cơ sở chế biến này ra sông Chà Và) chuyển sang màu hồng đậm, bốc mùi hôi thối nồng nặc.


Theo Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đến cuối năm 2012, tất cả 22 cơ sở chế biến thủy sản ở cụm công nghiệp Tân Hải đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Tuy nhiên, hiệu quả xử lý nước thải nhìn chung chưa đạt yêu cầu và việc vận hành các hệ thống này trên thực tế rất khó kiểm soát. Hiện nay, chỉ có 3 cở sở sản xuất được cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước theo Luật Tài nguyên nước, còn lại các cơ sở khác đều chưa có giấy phép xả thải.


Ngoài ra, tại cụm công nghiệp này có đến 14 cơ sở xả nước thải trực tiếp vào đầm chứa phía trước cổng số 6 sau đó ra rạch Ván đổ thẳng vào sông Chà Và. Do lưu vực sông Chà Và chịu ảnh hưởng chủ yếu từ hoạt động xả thải của cụm công nghiệp Tân Hải 2 (do vị trí cụm công nghiệp này nằm ở thượng lưu sông) nên việc xả thải đều gây ảnh hưởng đến chất lượng nước sông và hoạt động nuôi thủy sản lồng bè, nhuyễn thể hai mảnh vỏ trên sông.
Bên cạnh việc xả thải của các cơ sở chế biến hải sản, cùng với đó là sự phát triển ồ ạt, tự phát và không tuân thủ yêu cầu nuôi lồng bè, các bè nuôi thiết kế không theo quy hoạch, số lượng lồng kết thành bè quá cao, khoảng cách giữa các bè nuôi chưa theo quy định. Mặt khác, ô nhiễm cục bộ môi trường nước tại các vùng nuôi do mật độ nuôi quá dày; lượng thức ăn tươi sống cho cá ăn dư thừa; các chất thải sinh hoạt của các hộ sống trực tiếp trên bè, vật nuôi trên bè... là những nguyên nhân góp phần gây ô nhiễm trực tiếp cho dòng sông này, khiến thủy sản chết hàng loạt trong thời gian qua.


Phân viện Quy hoạch thủy sản phía Nam cho biết: Lợi thế tự nhiên mà sông Chà Và mang lại, việc nuôi trồng thủy sản đã đóng góp đáng kể vào công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân nơi đây. Nhưng để giải bài toán ô nhiễm môi trường để phát triển bền vững cần thiết phải có sự quan tâm của các cấp chính quyền, các ban ngành hữu quan. Trong đó, việc trước tiên là phải bố trí, sắp xếp các hộ, doanh nghiệp nuôi lồng bè và nhuyễn thể hai mảnh vỏ hợp lý, khoa học phù hợp với các chủ trương của ngành và của tỉnh; giải quyết triệt để các vấn đề về ô nhiễm môi trường nước.

Để thực hiện được những việc làm trên, xuất phát từ những yêu cầu thực tế khách quan, những giải quyết bức bách cần thiết cần tiến hành triển khai Dự án: “Quy hoạch chi tiết 1/2000 Khu nuôi lồng bè và nhuyễn thể hai mảnh vỏ trên sông Chà Và, xã Long Sơn, TP Vũng Tàu đến năm 2020”. Trong đó đánh giá được điểm mạnh, điểm yếu, thời cơ và thách thức từ đó xây dựng hệ thống quan điểm, định hướng và các phương án phát triển; đề xuất các giải pháp khả thi nhằm hướng nghề nuôi thủy sản lồng bè và nhuyễn thể hai mảnh vỏ trên sông Chà Và phát triển hiệu quả trong tương lai.


Để giúp người nuôi trồng thủy sản giảm bớt một phần khó khăn, phía UBND xã Long Sơn cũng đã có những việc làm cụ thể hỗ trợ người nuôi thủy sản trên địa bàn xã như: bảo lãnh cho bà con nuôi thủy sản được tiếp tục khoanh nợ cũ, vay nguồn vốn mới để tái đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản. Cùng đó, hướng dẫn nhân dân các thủ tục hành chính vay vốn ngân hàng; khuyến cáo và hướng dẫn người dân chọn con giống có xuất xứ rõ ràng, chất lượng tốt. Đồng thời mời các kỹ sư nông nghiệp tập huấn cho bà con về kỹ thuật chăm sóc thủy sản...

Hoàng Nhị

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN