“Lồng ghép” theo phương thức mới

Do tình hình phát triển kinh tế không được như mức dự kiến ban đầu (dự kiến 7 - 7,5% năm nhưng thực tế ba năm 2011 - 2013 chỉ được hơn 5%) nên thu ngân sách các cấp gặp khó khăn, thu không đủ chi, nguồn vốn cân đối cho đầu tư phát triển không đáp ứng yêu cầu, trong đó có các chương trình mục tiêu quốc gia.


Theo Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Phạm Thị Hải Chuyền, tuy đạt được một số kết quả quan trọng trong chương trình MTQG nhưng các bộ, ngành vẫn chưa khai thác, huy động được nhiều nguồn lực tại chỗ, trong dân và chính người nghèo. Hiện có quá nhiều chính sách (trên 70 chính sách) giảm nghèo dẫn đến sự lồng ghép, chia cắt, manh mún làm hạn chế khả năng tác động, làm chuyển biến rõ nét về đời sống của người nghèo...

 

Huy động nguồn lực tại chỗ là một yêu cầu của chương trình MTQG.


Trên thực tế rất ít địa phương thực hiện tốt công tác lồng ghép giữa các chương trình MTQG, giữa chương trình MTQG với chương trình, dự án khác trên địa bàn. Việc lồng ghép mà các địa phương báo cáo thực chất chỉ là phép tính cộng dồn nguồn vốn từ các chương trình, dự án thực hiện trên địa bàn. Bên cạnh đó, lồng ghép các chương trình MTQG trên địa bàn chưa thực hiện được do cơ chế quản lý của mỗi chương trình, dự án khác nhau đồng thời sự phối hợp, cung cấp thông tin về nhu cầu, nguồn lực giữa các cơ quan quản lý chương trình MTQG chưa được thực hiện một cách triệt để nên việc lồng ghép nguồn lực để thực hiện các mục tiêu của chương trình còn hạn chế. Khâu quản lý, thanh toán, quyết toán kinh phí cho đơn vị thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.


Thảo luận về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIII, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng nguồn kinh phí huy động của chương trình chưa đáp ứng được nhu cầu dẫn đến một số mục tiêu của chương trình được triển khai thực hiện với lượng vốn nhỏ hơn, không cân xứng với mục tiêu, nhiệm vụ đề ra của chương trình. Đây là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu của chương trình MTQG. Một số địa phương chưa chủ động cân đối ngân sách địa phương làm đối ứng để thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu của chương trình, đồng thời chưa có biện pháp tích cực để huy động các nguồn lực hợp pháp khác.

Ngân sách địa phương bố trí cho chương trình MTQG về Y tế chỉ chiếm 3,96%; vốn huy động khác chiếm 2,27% tổng kinh phí thực hiện chương trình; chương trình MTQG khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường chỉ chiếm 8,16% tổng kinh phí thực hiện chương trình. Điều này đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của các chương trình.

 

Chương trình MTQG cần ưu tiên cho các dự án trọng điểm, thiết thực với dân nghèo.


Đại biểu Âu Thị Mai (Tuyên Quang) cho biết, qua giám sát tại địa phương, đoàn Quốc hội Tuyên Quang nhận thấy, sau ba năm triển khai, nhiều chương trình đạt hiệu quả thấp; chất lượng, tính bền vững chưa cao do đầu tư dàn trải. Nhiều chương trình xây dựng mục tiêu, định hướng quá lớn trong khi nguồn vốn thấp; các địa phương không cân đối được ngân sách, huy động vốn hạn chế, nhất là miền núi do đó khó đạt chỉ tiêu, cụ thể như chương trình nước sạch, nông thôn mới, dạy nghề cho lao động nông thôn… Cùng quan điểm này, đại biểu Danh Út (Kiên Giang) thừa nhận, hầu như 16 chương trình mục tiêu quốc gia đến năm 2015 có thể không đạt chỉ tiêu như Nghị quyết Quốc hội đề ra. Do đó, đại biểu đề nghị giữ nguyên danh mục các chương trình song thu gọn lại dự án; các mục tiêu không cần thiết thì cắt giảm, để dành kinh phí cho xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.


Do cơ chế tài chính hiện nay đã tạo ra sự ỷ lại, trông chờ vào các nguồn vốn từ ngân sách trung ương, chưa có các hình thức để huy động các nguồn vốn khác tham gia thực hiện chương trình nên việc huy động nguồn lực thực hiện chương trình MTQG còn hạn chế. Việc huy động nguồn vốn từ ngân sách địa phương, huy động từ cộng đồng chỉ mang tính chất cam kết, không có tính chất pháp lý đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc đảm bảo huy động nguồn vốn thực hiện chương trình.

Phần lớn các chương trình MTQG được triển khai trên địa bàn các tỉnh, huyện có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, nên việc huy động nguồn lực của các địa phương và từ các nguồn vốn hợp pháp khác là rất hạn chế. Ông Danh Út kiến nghị, đối với một số chương trình sử dụng vốn sự nghiệp, đề nghị chuyển sang chi thường xuyên của các Bộ, ngành và địa phương. Chính phủ giao ngân sách cho địa phương chủ động phân bổ và quy hoạch nguồn lực. Chính phủ cũng cần ban hành quy chế quản lý điều hành các chương trình mục tiêu quốc gia thay thế cơ chế cũ, với tinh thần giao kế hoạch hàng năm sang giao trung hạn; quy định rõ cơ chế xử lý nguồn vốn để địa phương lồng ghép với nguồn vốn địa phương, tập trung dứt điểm theo từng năm.


Để những chương trình MTQG mang lại hiệu quả như Nghị quyết Quốc hội đề ra, đại biểu Âu Thị Mai đề nghị Chính phủ cần cân nhắc, trong điều kiện kinh tế đất nước hiện nay, nên ưu tiên cho những dự án trọng điểm, thiết thực tới đời sống người nghèo, vùng núi cũng như có đánh giá cụ thể hiệu quả của các chương trình. Theo đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội), điều quan trọng là làm sao phải tránh thất thoát, lãng phí trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia. “Người dân, các tổ chức chính trị xã hội phải được quyền giám sát.

Tôi đề cao tính minh bạch, bởi không minh bạch thì sẽ không làm được gì cả” – bà Bùi Thị An khẳng định. Về lâu dài, ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sau năm 2015, sẽ có tổng kết, đánh giá về các chương trình này. Theo đó, chương trình cho giai đoạn tiếp theo (2016 – 2020) sẽ thay đổi theo hướng lồng ghép 14 chương trình vào hai chương trình xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, bởi đây là hai chương trình xuyên suốt, trọng điểm và hầu như gắn với các chương trình khác.

 

Bài và ảnh: Chí Bình

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN