Lo ngại tăng mạnh thuế xăng dầu làm tăng tình trạng buôn lậu

Mới đây, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến đóng góp, trong đó có mặt hàng xăng (trừ ethanol), thuế môi trường dự kiến được điều chỉnh tăng lên mức 3.000- 8.000 đồng/lít. Báo Tin Tức có cuộc trao đổi với TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương về vấn đề này.

TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện Quản lý Kinh tế Trung ương

Dự kiến giá xăng sẽ phải gánh thêm 3.000 – 8.000 đồng/lít xăng. Ông đánh giá như  thế nào về mức tăng này?

Mức tăng này về thuế Bảo vệ môi trường (BVMT) từ 3.000 – 8.000 đồng là quá cao, mức tăng này là quá đột ngột, trên 100% và theo tôi là không nên.

Trước hết, chúng ta cần thấy rằng nếu tăng phí BVMT như vậy thì hiện nay trên 1 lít xăng đã có 8.800 đồng thuế và phí rồi. Bây giờ cộng thêm 5.000 đồng các loại thuế, phí khác nữa thì thành ra 12.800 đồng/lít là gánh nặng quá lớn. Như vậy giá xăng sẽ cao hơn hẳn giá xăng khu vực, như vậy buôn lậu xăng sẽ tăng lên.

Thứ 2, việc tăng giá xăng sẽ làm cho chi phí đầu vào của tất cả các doanh nghiệp (DN), nhất là DN xây dựng, vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, máy bay... sẽ tăng lên. Điều này sẽ đóng góp cho lạm phát và tăng thêm chi phí cho người dân và DN. Quốc hội nên xem xét cẩn trọng và tôi kiến nghị không thể chấp nhận mức tăng từ 3.000 – 8.000 đồng/lít xăng được.

Tăng thuế để tăng nguồn thu nhưng như ông vừa nói, có thể xảy ra tình trạng buôn lậu xăng dầu gây thất thu ngân sách, điều này sẽ dẫn đến những hệ lụy gì, thưa ông?

Có chênh lệch giá sẽ có buôn lậu. Điều đó không có gì cản được, chúng ta có bờ biển dài trên 3.000 km, biên giới đất liền rộng và tiếp giáp nhiều nơi nên chênh lệch giá xăng hay bất kỳ mặt hàng nào trong nước mà cao hơn sẽ có buôn lậu, ví dụ như thuốc lá... Việc này sẽ dẫn đến hệ lụy nhiều mặt, kể cả thất thu thuế cộng với các nguồn thu bất chính, buôn lậu gây bất ổn cả về kinh tế - xã hội.

Nhiều người đặt ra câu hỏi về hiệu quả thu thuế BVMT vì theo báo cáo bộ Tài chính, thu thuế cao nhưng chi cho môi trường vẫn ít và vẫn có những hệ lụy về môi trường, ông đánh giá ra sao?

Tôi đề nghị Bộ Tài Chính thực hiện nghiêm chỉ thị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là công khai minh bạch về các nguồn thu chi. Thu thuế môi trường đến nay là 3.000 đồng/lít thì đã thu được bao nhiêu? Đã chi cho môi trường bao nhiêu?


Việc chi này là do ai chi, Trung ương hay địa phương chi và đã chi được bao nhiêu cho môi trường? Chi như thế nào? Bộ Tài chính cần công khai để làm tan nghi ngờ của người dân rằng đánh thuế BVMT để chi cho ngân sách, trang trải nguồn chi khác chứ không phải chi cho môi trường.

Trân trọng cảm ơn ông!

Tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ về công tác bảo vệ môi trường tháng 8/2016, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, đầu tư cho bảo vệ môi trường (BVMT) còn rất hạn chế, chỉ đáp ứng một phần nhu cầu.

Hiện còn thiếu các cơ chế huy động nguồn lực trong xã hội đầu tư cho BVMT; nguồn thu từ môi trường chưa được sử dụng đầu tư trở lại cho BVMT. Do thiếu nguồn lực đầu tư nên hạ tầng kỹ thuật về môi trường còn yếu kém, lạc hậu. Năng lực quan trắc, cảnh báo, phát hiện sớm các sự cố về môi trường còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu; thiếu biện pháp kỹ thuật - công nghệ, các thiết bị, phương tiện kỹ thuật để kiểm soát hiệu quả các nguồn thải...

Ở Trung Quốc và các nước ASEAN, đầu tư cho môi trường trung bình hàng năm đều chiếm trên 1% GDP, ở các nước phát triển thường chiếm từ 3-4% GDP.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề xuất, cần tăng tỷ lệ chi ngân sách cho hoạt động môi trường bảo đảm yêu cầu trong giai đoạn mới, đặc biệt là có cơ chế phù hợp và tăng chi ngân sách cho các hoạt động quản lý nhà nước về BVMT; bảo đảm bố trí đủ nguồn vốn thực hiện Chương trình quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2016 - 2020.


Thu Trang
Mỗi lít xăng có thể phải “gánh” tới 8.000 đồng thuế bảo vệ môi trường
Mỗi lít xăng có thể phải “gánh” tới 8.000 đồng thuế bảo vệ môi trường

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến đóng góp, trong đó có mặt hàng xăng (trừ ethanol), thuế môi trường dự kiến được điều chỉnh tăng lên mức 3.000- 8.000 đồng/lít, cao hơn rất nhiều so với khung thuế hiện hành.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN