Liên kết phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên

Ngày 24/7, tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức Hội thảo “Liên kết phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên”.

Tham dự và chủ trì Hội thảo có lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Ban Kinh tế Trung ương, các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên và vùng phụ cận, chuyên gia kinh tế, tổ chức, hiệp hội các ngành hàng.

Toàn cảnh hội thảo Phiên chuyên đề “Liên kết phát triển du lịch vùng Tây Nguyên”. Ảnh: Dương Giang - TTXVN


Tại Hội thảo, các báo cáo, tham luận, ý kiến phát biểu đều khẳng định sự cần thiết phải liên kết vùng, đồng thuận và thống nhất cao về chủ trương liên kết phát triển vùng Tây Nguyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là nhu cầu liên kết phát triển hạ tầng, du lịch, chuỗi giá trị một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Tây Nguyên. Các đại biểu tập trung thảo luận, đưa ra giải pháp để thực hiện liên kết vùng có hiệu quả.

Hội thảo đã thống nhất hỗ trợ, thúc đẩy việc tăng cường liên kết trong phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên bằng bước đi phù hợp với nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội và điều kiện cụ thể từng thời kỳ. Trước mắt, tập trung hỗ trợ, hình thành và phát triển liên kết trong 3 lĩnh vực: Phát triển hạ tầng, du lịch và chuỗi giá trị một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Tây Nguyên.

Các đại biểu cũng đề xuất cơ chế huy động nguồn lực phát triển hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên, trước hết là hạ tầng giao thông, thủy lợi.

Đẩy nhanh tiến độ kết nối các tuyến giao thông nối Tây Nguyên với các tỉnh Nam Trung bộ, Đông Nam bộ, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, huy động nguồn lực phát triển giao thông nông thôn; nghiên cứu đề xuất hình thành Quỹ phát triển hạ tầng giao thông Tây Nguyên.

Đối với liên kết phát triển du lịch, các đại biểu đề xuất hình thành ban Điều phối phát triển du lịch vùng Tây Nguyên nhằm liên kết các địa phương trong vùng và địa phương liên quan, tranh thủ sự hỗ trợ của các ban, bộ, ngành Trung ương để đẩy mạnh phát triển du lịch vùng Tây Nguyên.

Các đại biểu thống nhất đề xuất thành lập và tổ chức triển khai các hoạt động của Quỹ hỗ trợ cà phê cho vùng Tây Nguyên để hỗ trợ hình thành và phát triển hình thức liên kết trong sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ cà phê.

Thực hiện liên doanh, liên kết trong hình thành chuỗi giá trị sản phẩm cà phê, từ sản xuất đến thu mua, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm (theo tiêu chuẩn 4C, GAP…) vừa bảo đảm nâng chất lượng sản phẩm, tạo vùng nguyên liệu ổn định, góp phần nâng cao thu nhập người trồng cà phê.

Ban điều phối được thành lập để thúc đẩy liên kết phát triển chuỗi giá trị sản phẩm đối với một số loại nông sản chủ lực khác, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường tiêu thụ các nông sản chủ lực cà phê, hồ tiêu, cao su vùng Tây Nguyên.

Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, các ý kiến trao đổi, thảo luận có ý nghĩa rất thiết thực không những góp phần quan trọng trong thực hiện liên kết phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên mà còn hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nâng thu nhập cho người dân, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên.

Quang Huy (TTXVN)
Thực hiện tốt vai trò tham mưu, tạo điều kiện để Tây Nguyên phát triển
Thực hiện tốt vai trò tham mưu, tạo điều kiện để Tây Nguyên phát triển

Đảng bộ Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng ủy và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, từng bước nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng góp phần tạo điều kiện để Tây Nguyên phát triển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN