Lắp hầm khí biogas bằng vật liệu composite để phát triển chăn nuôi lợn

Cách đây hơn 10 năm, chàng thanh niên trẻ Ngô Văn Hoạt, sinh năm 1985, ấp Tân Hội, xã Tân Thành, huyện Bù Đốp (Bình Phước) đã táo bạo đầu tư xây dựng hầm khí biogas bằng vật liệu composite để phát triển chăn nuôi lợn, giảm ô nhiễm môi trường và mang lại hiệu quả hàng trăm triệu đồng.

Ngô Văn Hoạt xuất thân trong hoàn cảnh gia đình nhiều khó khăn nên đã lấy chăn nuôi lợn để khởi nghiệp. Với số vốn ít ỏi ban đầu anh chỉ duy trì 5 con lợn mỗi lứa. Thời gian về sau do nhu cầu phát triển kinh tế gia đình, anh Hoạt tăng đàn lợn lên 30 con mỗi lứa, có lúc cao điểm lên từ 60 - 70 con. Phân chuồng từ đàn lợn thải ra ngày càng nhiều khiến không khí xung quanh bốc mùi hôi.

Năm 2007, gia đình anh Hoạt quyết định “mạo hiểm” đầu tư xây lắp hầm khí biogas bằng chất liệu composite với thể tích 13 mét khối.

Anh Hoạt xây dựng hầm biogas với chi phí gần 20 triệu đồng. Dù khoản đầu tư này khá lớn so với thu nhập trung bình của gia đình anh Hoạt khi đó, nhưng hiệu quả mang lại cao, đảm bảo môi trường trong sạch.

Khi chưa xây hầm biogas, mỗi tháng bình quân gia đình anh Hoạt tốn từ 250.000 đến 300.000 đồng để mua chất đốt với chi phí gần 3 triệu đồng/năm. Sau khi có hầm biogas, gia đình anh đun nấu thoải mái, chuồng trại luôn sạch sẽ, nên gia súc chóng lớn, ít bệnh tật, môi trường sống trong lành.

Ngoài ra, gia đình tận dụng số lượng phân được ủ từ hầm mỗi năm bán ra trên 10 triệu đồng. Anh Hoạt chia sẻ, việc lắp đặt biogas có thể sử dụng lâu dài, đem lại nhiều lợi ích.

Trước hết, đó là vấn đề môi trường, tạo môi trường thông thoáng, chăn nuôi sạch sẽ, vật nuôi phát triển tốt và hạn chế được dịch bệnh. Thứ hai, từ việc xử lý chất thải chăn nuôi bằng hệ thống hầm biogas bằng nhựa composite này tạo năng lượng sạch để phục vụ sinh hoạt sản xuất như đun nấu hàng ngày, sưởi ấm cho vật nuôi hoặc chạy máy phát điện.

Từ việc sử dụng nguồn năng lượng này, gia đình anh Hoạt đã tiết kiệm ngân quỹ gia đình 4 - 5 triệu đồng/năm. Chỉ hơn 1 năm sau, hiệu quả thiết thực từ hầm biogas của gia đình anh Hoạt, nhiều người dân trong vùng biết đến, trong khi địa phương chưa có cơ sở sản xuất trang thiết bị để xây dựng hầm biogas.

Qua tìm hiểu cũng như giới thiệu bạn bè, trong năm 2008, anh liên kết với Công ty Biogas Môi Trường Xanh có trụ sở chính tại tỉnh Thái Bình để mở Công ty Biogas Việt chuyên sản xuất trang thiết bị làm hầm biogas bằng chất liệu composite.

Anh Hoạt trở thành người đầu tiên sản xuất, lắp đặt bể biogas composite trên địa bàn huyện với quy mô cơ sở trên 2.000 m2, hàng tháng cơ sở sản xuất từ 100 đến 200 sản phẩm tùy vào kích cỡ do khách chăn nuôi đặt hàng. Với giá dao động từ 5 triệu đến 20 triệu đồng/2 sản phẩm, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận của gia đình anh đạt trên 100 triệu đồng mỗi tháng.

Anh Ngô Văn Hoạt chia sẻ: “Xuất thân từ gia đình có thâm niên chăn nuôi lâu đời, từ nhỏ tôi đã xây dựng mô hình làm biogas bằng túi nilong hay bằng xây gạch nhưng đều thất bại. Bây giờ khi xây dựng thành công mô hình biogas hiệu quả, đồng thời nhận làm một cơ sở gia công những sản phẩm bằng nhựa composite cho chi nhánh công ty Môi Trường Xanh, tôi nhận thấy nhu cầu của bà con rất nên từ đó quyết định mở Công ty Biogas Việt phục vụ người dân”.

Hiện nay cơ sở sản xuất lắp đặt bể biogas của anh Hoạt còn tạo công ăn việc làm ổn định thường xuyên cho 10 lao động địa phương. Có thời điểm khối lượng công việc nhiều, lượng đặt hàng lớn anh giải quyết được việc làm cho 15 lao động.

Anh Trần Minh Hùng (22 tuổi) một công nhân chia sẻ: “Trước đây em làm rất nhiều việc như phụ hồ, điện nước,.. từ khi làm tại Công ty Biogas Việt thu nhập ổn định hơn, có chỗ ở cho công nhân nên anh em yên tâm làm việc”.

Thành công từ mô hình biogas khi chăn nuôi lợn đến việc mở cơ sở phân phối thiết bị xây lắp hầm biogas, nhiều hộ dân trên địa bàn đã học tập anh Hoạt xây lắp hầm khí biogas để xử lý chất thải chăn nuôi. Qua đó trở thành giải pháp tiết kiệm cho hộ gia đình, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi lợn.

K GỬIH (TTXVN)
Xốc lại ngành chăn nuôi lợn
Xốc lại ngành chăn nuôi lợn

Việc phát triển đàn lợn quá “nóng” được xem là nguyên nhân chính dẫn tới giá thịt lợn hơi giảm xuống mức thấp kỷ lục trong 10 năm trở lại đây. Đã đến lúc ngành chăn nuôi, chế biến phải chuyển hướng để không đi vào vết xe đổ “được mùa, mất giá”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN