Lạng Sơn vẫn chưa kiểm soát được dịch tả lợn châu Phi

Tỉnh Lạng Sơn đã có 10/11 huyện, thành phố ghi nhận xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi trong năm 2023. Chính quyền, cơ quan chuyên môn địa phương đã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống, ngăn ngừa dịch lan rộng trên địa bàn song đến nay vẫn chưa thể kiểm soát dịch bệnh này.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Nam Hùng cho biết: Dịch tả lợn châu Phi bùng phát trở lại trên địa bàn tỉnh từ tháng 3/2023. Tính đến ngày 17/12, tỉnh vẫn còn 4 ổ dịch chưa qua 21 ngày; trong đó, huyện Chi Lăng còn 2 ổ dịch, các huyện Lộc Bình và Văn Lãng mỗi nơi còn một ổ dịch.

Tỉnh đã ghi nhận 86 ổ dịch tại 628 hộ, 174 thôn, xóm của 10 huyện với tổng số lợn mắc bệnh phải tiêu hủy lên tới trên 2.000 con. Hiện chỉ còn thành phố Lạng Sơn chưa ghi nhận dịch tả lợn châu Phi.

Lý giải nguyên nhân chưa thể khống chế dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lạng Sơn cho hay, chủ yếu do chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo quy trình vệ sinh chuồng trại nuôi. Hơn nữa, việc kiểm soát nguồn giống lợn ở cơ sở còn hạn chế, chưa chặt chẽ. Người chăn nuôi nhiều nơi trong tỉnh nhập, mua lợn giống từ các tỉnh khác về nuôi, chất lượng nguồn giống không đảm bảo, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh cao.

Đặc biệt, các hộ chăn nuôi ở một số địa phương tự ý tái đàn khi chưa đảm bảo các điều kiện vệ sinh an toàn, không theo khuyến cáo của chính quyền và cơ quan chuyên môn đã khiến dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, khó kiểm soát.

Để khống chế dịch bệnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp với các địa phương đã thành lập đoàn công tác tiến hành tiêu hủy toàn bộ số lợn bị mắc bệnh; thực hiện tổng vệ sinh, phun thuốc khử trùng khu vực phát sinh ổ dịch.

Cấp ủy, chính quyền địa phương phối hợp với lực lượng thú y tăng cường giám sát dịch bệnh, phát hiện nhanh, chính xác các ổ dịch, áp dụng các biện pháp kỹ thuật bao vây ổ dịch, không để lây lan ra diện rộng; khoanh vùng dịch, xác định vùng dịch, vùng đệm, vùng bị uy hiếp, thống kê, giám sát tổng đàn lợn trên địa bàn để có biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả.

Chính quyền địa phương, cơ quan chức năng chú trọng kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm tra lợn giống bán tại các chợ trên địa bàn; siết chặt kiểm dịch vận chuyển... để ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch bệnh từ bên ngoài vào địa bàn tỉnh.

Đối với địa bàn chưa có dịch như thành phố Lạng Sơn, tăng cường thông tin, tuyên truyền giúp người chăn nuôi chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; áp dụng kỹ thuật chăn nuôi hiện đại, chăn nuôi an toàn sinh học, đảm bảo tiêu chuẩn thực hành chăn nuôi tốt… để phòng ngừa dịch bệnh.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lạng Sơn khuyến cáo, người chăn nuôi phải báo cáo trung thực tình hình dịch bệnh cho chính quyền và cán bộ thú y cơ sở để có biện pháp xử lý ổ dịch; tuyệt đối không cố tình giết mổ lợn mắc bệnh, vứt xác lợn chết ra môi trường.

Các hộ chăn nuôi cần tiêm đầy đủ các loại vaccine phòng bệnh cho đàn lợn; thường xuyên vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi, dụng cụ, phương tiện vận chuyển, hạn chế người ra vào chuồng trại, khu vực nuôi...

Tỉnh Lạng Sơn có trên 180.000 con lợn. Trên địa bàn tỉnh có tới 70-80% hộ nuôi lợn theo hình thức nông hộ, nhỏ lẻ.

Vũ Văn Đạt (TTXVN)
Vận động hộ nuôi tiêm vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi
Vận động hộ nuôi tiêm vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi

Ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đang tích cực vận động các hộ chăn nuôi tiêm phòng dịch tả lợn châu Phi cho đàn lợn nuôi để hạn chế rủi ro do dịch này tái phát.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN