Làng hoa Lý Trạch rộn ràng vào Xuân

Làng hoa truyền thống xã Lý Trạch (huyện Bố Trạch) - vựa hoa lớn nhất của tỉnh Quảng Bình, đang rực rỡ khoe sắc trong không khí rộn ràng của những ngày cận kề Tết Nguyên đán.

Khắp nơi, người dân tất bật chăm sóc những luống hoa để kịp phục vụ thị trường Tết, tạo nên bức tranh làng quê đa sắc màu và sinh động.

Ông Lê Văn Duẩn - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Lý Trạch chia sẻ về những thăng trầm trong nghề trồng hoa của người dân địa phương. Đây là nghề chính và có truyền thống từ lâu đời với các giống hoa chủ đạo như cúc, lay ơn, ly, cung cấp chủ yếu cho khu vực thành phố Đồng Hới và các vùng lân cận.

Toàn xã hiện có 145 hộ trồng hoa, với diện tích khoảng 35 ha, tập trung chủ yếu ở thôn 2, 3, 4 và thôn 10. Hoa được trồng quanh năm và đa dạng về chủng loại, mang lại hiệu quả kinh tế cao giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo.

Các hộ trồng hoa thu nhập trung bình từ 20 triệu đồng/sào/hộ cho hiệu quả gấp nhiều lần so với trồng lúa và rau màu. Tỷ lệ hộ gia đình khá, giàu từ nghề trồng hoa tươi chiếm tới 40% tổng số hộ trồng hoa trong xã. Nhiều gia đình mạnh dạn đầu tư kỹ thuật, chọn giống có chất lượng để tăng năng suất, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Khoảng 10 năm trước, người dân làng hoa đã chủ động học hỏi tại các tỉnh phía Nam, đặc biệt là thành phố Đà Lạt kinh nghiệm trồng hoa và mua giống cây. Ban đầu, quy mô trồng nhỏ lẻ và manh mún nhưng khi đã có kinh nghiệm, người trồng hoa đã nhạy bén áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; cải tiến trồng và nhân giống các loại hoa mới lạ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Các mô hình trồng hoa hiệu quả ngày càng mở rộng, cho thu nhập ổn định và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây được xem là một hướng phát triển mới, trở thành nghề giúp xóa đói giảm nghèo cho nhiều gia đình, góp phần cải thiện bộ mặt nông thôn xã Lý Trạch.

Tại Thôn 3, khắp làng trên xóm dưới, các hộ dân đang cần mẫn, chăm chút để những luống hoa nở đúng ngày thu hoạch. Người trồng hoa cho biết, vụ hoa phục vụ thị trường Tết Nguyên đán thường được xuống giống từ đầu tháng 10 âm lịch và đến cuối tháng thì kết thúc công đoạn trồng để tập trung thời gian, nguồn lực, kỹ thuật chăm sóc cho hoa nở đúng dịp Tết.

Vài năm trở lại đây, bên cạnh những loài hoa truyền thống như cúc, đồng tiền, ly, lay ơn… người trồng hoa ở đây đã nhạy bén đưa những cây có giá trị kinh tế cao vào trồng như: cúc nhỏ trồng chậu, hoa loa kèn, tuy lip, thược dược…

Trước đây, khi chưa chuyên canh trồng hoa tươi, cuộc sống gia đình anh Nguyễn Văn Hòa ở Thôn 3 khá chật vật và gặp nhiều khó khăn. Nhận thấy trồng hoa mang lại giá trị kinh tế cao, anh Hòa mạnh dạn chuyển diện tích trồng rau màu kém hiệu quả sang trồng hoa tươi. Lúc đầu, vì thiếu kinh nghiệm và nguồn vốn nên gia đình trồng diện tích nhỏ nên gặp nhiều khó khăn. Sau này, nhờ học hỏi kinh nghiệm những hộ trồng đi trước và trên Internet nên những vấp váp ban đầu dần được khắc phục. Cùng đó, nhu cầu hoa tươi của người dân ngày một lớn nên việc trồng hoa thuận lợi và cho thu nhập ổn định hơn.

Hiện vườn hoa của anh Hòa đã phát trên lên 2 ha, chủ yếu trồng hoa cúc trong chậu - loại hoa không kén khách chơi, giá cả lại phù hợp với túi tiền của đa số người dân. Đặc biệt, với quan niệm cúc vàng sẽ mang đến nhiều phúc lộc, niềm vui và bình an cho chủ nhân nên cứ vào dịp Tết đến Xuân về, khách hàng tìm mua và đặt hàng từ rất sớm. Từ vườn hoa tươi, mỗi năm nhà anh Hòa thu về từ 200 - 400 triệu đồng và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Tuy nhiên, vụ hoa Xuân năm nay thời tiết khắc nghiệt. Ảnh hưởng của hai trận lũ kép lịch sử vừa qua và những tháng cuối năm trời mưa lạnh kéo dài nên việc trồng hoa của các hộ dân không thuận lợi như mọi năm. Chi phí vật tư, phân bón và thuê nhân công… đều tăng nên vốn đầu tư ban đầu khá cao.

Các năm, giá mỗi cặp chậu hoa cúc vàng thường dao động khoảng 400.000 đồng - 4 triệu đồng. Tuy nhiên, giá hoa tươi và cúc vàng phục vụ thị trường Tết này sẽ "nhích cao” hơn so với năm ngoái. Hiện vườn hoa cúc vàng trồng chậu của nhà anh Hòa đã có nhiều người đặt mua.

Trong 2 đợt mưa lũ vào giữa tháng 10 và đầu tháng 11 năm 2016, toàn xã Lý Trạch có trên 100 ha rau màu và hoa bị ngập trong nước gây hư hỏng nặng. Trong đó, gần 10 ha hoa phục vụ Tết Nguyên đán mới trồng chưa đầy một tháng đã bị ngập úng. Chính quyền xã Lý Trạch đã kịp thời chỉ đạo người dân làm dàn chống lũ, vận chuyển hoa đến nơi cao ráo.

Ngay khi lũ rút, nhiều diện tích hoa tươi đã được khôi phục, trồng mới và triển khai nhiều biện pháp để hoa nở đúng dịp Tết. Theo nhiều hộ trồng hoa, do thời tiết năm nay mưa lạnh kéo dài nên việc trồng hoa và căn cho hoa nở đúng dịp Tết gặp nhiều khó khăn. Vì thế, việc quan trọng lúc này là chú trọng khâu chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, bón phân, tưới nước và đặc biệt là lắp đặt hệ thống đèn điện để điều tiết sự sinh trưởng và phát triển của hoa.

Theo ông Lê Văn Duẩn, bên cạnh những ảnh hưởng của thiên tai, thời tiết, nguồn giống thì khó khăn nhất hiện nay của người dân là nguồn vốn để người dân đầu tư phát triển sản xuất. Xã Lý Trạch đã khuyến khích và tạo mọi điều kiện để người dân chuyển đổi diện tích đất trồng kém hiệu quả sang phát triển cây con cho hiệu quả kinh tế; trong đó, chủ yếu là trồng hoa tươi theo hướng hàng hóa, hình thành những vùng tập trung với quy mô lớn. Xã đã phối hợp với các ngân hàng, đơn vị tín dụng tạo điều kiện thuận lợi trong thủ tục vay vốn, nhằm hỗ trợ, giúp đỡ người dân yên tâm sản xuất và phát triển nghề trồng hoa.

Những luống hoa cúc, thược dược, lay ơn, ly… đang dần đơm bông, người trông hoa nơi đây đang ngập tràn những hy vọng mới cho dù để hoa Lý Trạch khẳng định chỗ đứng và vươn ra các thị trường lớn vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách.

Võ Dung (TTXVN)
Làng hoa Tết nơm nớp ngóng "ông trời"
Làng hoa Tết nơm nớp ngóng "ông trời"

Để đảm bảo nguồn hoa cảnh phục vụ người dân chơi Tết trước nguy cơ mưa lũ có thể xảy ra, hiện nay, hơn 70 hộ dân làng hoa ở phường Đông Giang, thành phố Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) đang tích cực áp dụng các giải pháp bảo vệ cho hơn 5 ha hoa và cây cảnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN