Làm rõ nguyên nhân chậm, hủy chuyến

Theo ông Trần Tấn Thủy, Phó Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Trung, qua giám sát các hãng hàng không và đơn vị cung cấp dịch vụ mặt đất tại Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng cho thấy, mặc dù các đơn vị đã thực hiện đúng quy định về thời gian làm thủ tục cho hành khách và các quy trình kiểm tra hành lý, hàng hóa, nhưng nhiều thời điểm vẫn xảy ra ùn ứ do có nhiều hành khách đi theo đoàn thường đến làm thủ tục cùng một lúc.


 

Quy định mới sẽ tăng thêm trách nhiệm của các hãng hàng không đối với hành khách. Ảnh: TTXVN phát

 

Bên cạnh đó, có nhiều trường hợp chậm, hủy chuyến bay nhưng các hãng hàng không chưa kịp thời giải thích, xin lỗi hành khách và linh hoạt xử lý tình huống, nên đã gây bức xúc cho hành khách. Thậm chí có trường hợp hành khách không chịu hợp tác với các hãng hàng không, không chấp nhận bất cứ hình thức giải quyết nào dù máy bay bị hủy chuyến vì lý do kỹ thuật.


Ông Thủy cho biết thêm, cơ sở hạ tầng cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng chậm, hủy chuyến. Ví dụ, tại Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng hiện chỉ có hai thang hành khách, nên thường xuyên gây ra cảnh ùn tắc hành khách cục bộ. Nếu có 2 chuyến bay cùng hạ cánh, sẽ xảy ra tình trạng thiếu vị trí đỗ, gây khó khăn cho việc bố trí tàu bay...


Ông Tô Ngọc Hải, Phó Giám đốc Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng cho biết thêm: Bình quân mỗi ngày, cảng Đà Nẵng có 30 - 40 chuyến bay. Nhờ hạ tầng cơ sở nhà ga phục vụ cho các chuyến bay nội địa tốt, nên chất lượng phục vụ đã đáp ứng được yêu cầu của hành khách. Tuy nhiên, khu vực nhà ga phục vụ các chuyến bay quốc tế rất hẹp, khi có chuyến bay quốc tế trùng giờ sẽ xảy ra tình trạng quá tải.


Theo tìm hiểu của phóng viên, việc chậm, hủy chuyến bay của các hãng hàng không có nhiều nguyên nhân, trong đó khách quan là do điều kiện thời tiết xấu, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn bay. Nhưng nguyên nhân chủ quan là do các đơn vị dịch vụ hàng không và các doanh nghiệp đã không thực hiện tốt các quy định về dịch vụ hàng không. 7 tháng qua, Cục Hàng không Việt Nam thông báo, tình trạng chậm, hủy chuyến bay đã tăng cao đột biến so với cùng kỳ năm 2013.


Trước tình trạng này, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã yêu cầu, Cục Hàng không Việt Nam phải có trách nhiệm giảm tình trạng chậm, hủy chuyến bay xuống thấp hơn mức năm 2013 ngay trong quý III và đến năm 2015 phải bảo đảm 90% số chuyến bay đúng giờ. Bên cạnh đó, các hãng hàng phải quan tâm nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải tại các cảng hàng không, để bảo đảm tất cả các dịch vụ hàng không được nâng chất, đáp ứng nhu cầu hành khách.


Tăng mức bồi thường


Để bảo đảm chất lượng dịch vụ hàng không, bên cạnh yếu tố an toàn bay thì vấn đề bảo đảm quyền lợi của hành khách trong trường hợp bị chậm, hủy chuyến cũng là tiêu chí quan trọng.


Không ít hành khách bị chậm, hủy chuyến bay đều yêu cầu làm rõ về mức bồi thường trong các trường hợp như: Thời gian chậm bao nhiêu được phục vụ nước uống, bao nhiêu thì được phục vụ đồ ăn, chờ qua đêm tại sân bay thì được bồi hoàn giá trị vé như thế nào…


Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) Trần Bảo Ngọc cho biết: Luật Hàng không dân dụng Việt Nam đã quy định nghĩa vụ của người vận chuyển khi vận chuyển hành khách, quyền của hành khách. Theo đó, người vận chuyển phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vận chuyển chậm.


Do vậy, Thông tư quy định về vận chuyển hàng không sắp ban hành tới đây sẽ bổ sung quy định trách nhiệm của các hãng hàng không trong trường hợp chậm, hủy chuyến. Theo đó, sẽ tăng mức bồi thường cho hành khách để bảo đảm quyền lợi, lợi ích của hành khách và của hãng hàng không.


Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo: “Cục Hàng không Việt Nam định kỳ hàng tuần, tháng phải làm việc với các hãng hàng không, tháo gỡ nguyên nhân chậm, hủy chuyến các chuyến bay và công bố công khai toàn bộ các chuyến bay bị chậm, hủy chuyến; thời gian cụ thể bị chậm, hủy chuyến của các hãng hàng không. Không thể chấp nhận việc chậm chuyến liên tục như thời gian qua”.

 

Quyết định số 10/2007 của Bộ GTVT quy định: Khi chuyến bay bị hủy 24 giờ so với giờ hành khách đã mua vé thì hãng hàng không phải trả tiền bồi thường ứng trước không hoàn lại cho hành khách với mức: 100.000 đồng với các đường bay dưới 500 km; 200.000 đồng với các đường bay trên 500 km; 300.000 đồng với các đường bay trên 1.000 km. Khi chậm chuyến trên 20 phút. thì cứ 15 phút hãng hàng không phải thông báo, xin lỗi hành khách. Nếu chậm trên 2 giờ phải phục vụ nước uống, trên 3 giờ phục vụ đồ ăn, trên 6 giờ phục vụ chỗ nghỉ, trên 12 giờ phải đổi chuyến cho hành khách…

 

Tiến Hiếu -TTN

Tăng mức bồi thường cho hành khách bị hủy chuyến bay
Tăng mức bồi thường cho hành khách bị hủy chuyến bay

... Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng ngày 4/8 đã có văn bản yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Công ty Bay dịch vụ hàng không và các hãng hàng không VietJet, Jetstar Pacific thực hiện nghiêm, giám sát chặt chẽ việc bồi thường đối với hành khách bị chậm, hủy chuyến bay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN