Lâm Đồng thiếu kinh phí chống hạn

Do thiếu vốn nên công tác chống hạn cũng như cung ứng nước tưới của tỉnh Lâm Đồng đang gặp nhiều khó khăn.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, hiện nay diện tích cây trồng toàn tỉnh chủ động được nguồn nước tưới khoảng 141.000 ha, đạt 58,5% so với tổng diện tích gieo trồng cần tưới. Huyện Đơn Dương là huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh, cũng là vùng sản xuất rau chủ lực đang nằm trong tình trạng thiếu nước tưới trên diện rộng.

Huyện Đơn Dương hiện có 42 công trình thủy lợi vừa và nhỏ; trong đó, có 15 hồ chứa, 3 hệ thống liên hồ, 21 đập dâng, 2 trạm bơm, 1 đập tạm, cùng với 17 giếng khoan cấp nước và các công trình cấp nước sinh hoạt tự chảy kiêm cung cấp nước tưới cho một số diện tích nhỏ hoa màu. Trên thực tế, để có nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp phần lớn nông dân phải sử dụng nguồn nước giếng khoan, nước tự nhiên, nhưng nguồn nước này không bền vững, lâu dài.

Vườn dâu tây của gia đình bà Trịnh Thị Truyền thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đã đầu tư làm vườn theo phương pháp thủy canh. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Ông Trần Văn Phong, xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương cho biết, từ trước đến nay bà con trong huyện sử dụng mạch nước ngầm để tưới rau, nhưng về lâu dài khi mạch nước ngầm cạn kiệt thì sản xuất nông nghiệp rất khó khăn. Nếu được sự hỗ trợ của Nhà nước, địa phương có được những dự án, công trình thủy lợi lớn bà con nông dân rất hoan nghênh.

Theo bà Lê Thị Bé, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đơn Dương, trên địa bàn huyện có hơn 40 công trình thủy lợi. Hiện nay, các công trình này chỉ phục vụ cho khoảng 12% diện tích đất sản xuất nông nghiệp, số diện tích còn lại chủ yếu dùng nguồn nước ngầm và khe suối khác. Tuy nhiên, về lâu dài, để có nguồn nước tưới chủ động cần phải phát triển các diện tích ao hồ nhỏ, cũng như nâng cấp các hồ chứa hiện có để đảm bảo việc sử dụng nước bền vững. Còn việc sử dụng nước ngầm mặc dù đảm bảo nguồn nước tưới nhưng tính bền vững không cao.

Phong trào đào ao, hồ phòng chống hạn được lan rộng và thực hiện mạnh mẽ nhờ Quyết định số 1758 ngày 18/8/2015 của UBND tỉnh Lâm Đồng. Tại quyết định này, tỉnh hỗ trợ 30% kinh phí đào ao, hồ cho người dân, khuyến khích từng nhóm hộ phối hợp cùng nhau đào và sử dụng chung một ao, hồ. Với chi phí khoảng 20 triệu đồng, nếu một hộ gia đình đào rồi sử dụng chỉ 2 lần trong cả mùa khô thì chi phí này rất cao; nhưng với 5 hộ cùng thực hiện là khoản đầu tư thấp nhưng vẫn cho hiệu quả cao.

Ngoài việc tích đủ lượng nước theo quy trình thiết kế phục vụ nước tưới sản xuất nông nghiệp, các công trình thủy lợi và hồ chứa lớn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nói chung và huyện Đơn Dương nói riêng đang được kiểm tra chặt chẽ để đảm bảo vượt lũ an toàn, tránh tình huống xấu xảy ra trong mùa mưa. Mặt khác, trong những năm qua, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, huyện Đơn Dương đã xây dựng nhiều công trình thủy lợi và hồ chứa phục vụ nước tưới cho bà con, tuy nhiên chức năng của các công trình hiện nay còn thấp và thiếu vốn đầu tư.

Trao đổi về vấn đề này, ông Huỳnh Như Tuấn, Giám đốc Trung tâm xây dựng và khai thác công trình thủy lợi, huyện Đơn Dương cho rằng, hiện nay huyện có 2 công trình thủy lợi tương đối lớn, phục vụ tưới tiêu cho diện tích rau màu; trong đó, có hồ Sao Mai phục vụ tưới 120 ha đã hoàn thiện phần đập và đang thi công phần trên. Công trình này dự kiến hoàn thành trong quý I/2017.

Công trình thứ 2 là hồ chứa nước Ka Dam đang trong quá trình báo cáo khả thi, thực hiện dự án, đây là công trình lớn, trọng điểm của huyện đã được trình lên Chính phủ. Sau khi công trình này được đưa vào sử dụng sẽ cung cấp nước tưới cho khoảng 820 ha đất màu và lúa. Đồng thời, cung cấp nước cho cụm công nghiệp Ka-Đô (huyện Đơn Dương) và nước sinh hoạt cho toàn huyện; trong đó, đặc biệt cung cấp nước cho thị trấn Thạch Mỹ và các vùng lân cận, cũng đang cùng các ngành hoàn thiện hồ sơ bố trí xin vốn đầu tư. Đây là công trình có mức đầu tư lớn nên huyện đề nghị tỉnh sớm bố trí kinh phí để thực hiện.
Đặng Tuấn
Chống hạn bằng “mưa thể cứng"
Chống hạn bằng “mưa thể cứng"

“Mưa thể cứng” (Solid Rain) có thể còn lạ lẫm với đa số chúng ta, nhưng thực tế nó đã được người nông dân Mexico sử dụng suốt một thập kỷ qua để chống lại nạn khô hạn trầm trọng, cũng như tăng năng suất cho cây trồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN