Lúa gạo, cà phê và thủy sản được kỳ vọng tiếp tục là những mặt hàng chủ lực mang lại kim ngạch xuất khẩu lớn trong năm 2013. Những mặt hàng trên đang và sẽ không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cho người sản xuất, kinh doanh mà còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới.
Gạo trước cơ hội cung tăng, cầu giảm
Trong niên vụ 2012/2013, dự báo tiêu dùng gạo thế giới tăng 2,5% trong khi đó sản lượng gạo thế giới chỉ tăng 0,07% so với niên vụ 2011/2012. Điều này có thể sẽ làm thay đổi dự báo về thương mại gạo thế giới theo xu hướng cân bằng hoặc tăng lên.
Cần mở rộng mô hình “Cánh đồng mẫu lớn”. Ảnh: AgriVN.VN |
Niên vụ 2012/2013, tổng cung gạo Việt Nam có thể ở mức 29,6 triệu tấn, tăng 1,92%, trong khi tổng cầu dự kiến ở mức 27,1 triệu tấn, giảm 0,91% so với niên vụ 2011/2012. Tổng cung tăng trong khi tổng cầu giảm sẽ đẩy lượng gạo dự trữ cuối kỳ của Việt Nam tăng lên. Ước tính, dự trữ cuối kỳ của Việt Nam niên vụ 2012/2013 sẽ vào khoảng 2,57 triệu tấn, tăng 2,84% so với niên vụ 2011/2012. Lượng gạo dữ trữ lớn của Việt Nam sẽ đảm bảo không chỉ an ninh lương thực nội địa mà còn là lợi thế xuất khẩu khi có bất kỳ yếu tố bất lợi về thời tiết hoặc sự thay đổi trong chính sách nhập khẩu và dự trữ của những nước tiêu thụ và nhập khẩu lớn trên thế giới tác động đến thị trường gạo thế giới.
Một cơ hội nữa đối với việc xuất khẩu gạo Việt Nam đến từ tiềm năng tăng trưởng nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc và các quốc gia châu Phi. Đây là những thị trường triển vọng rất lớn cho gạo Việt Nam đặc biệt là những loại gạo có phẩm cấp trung bình và khá, vốn là lợi thế của Việt Nam.
Mặc dù vậy, mặt hàng nông sản chủ lực hàng đầu này của nước ta cũng đang đứng trước những thách thức không nhỏ. Niên vụ 2012/2013, dự báo tổng cung gạo thế giới vào khoảng 605,237 triệu tấn, tăng 1,02%, tổng cầu gạo thế giới sẽ ở mức 502,702 triệu tấn, tăng 1,88% so với niên vụ 2011/2012. Như vậy, xét trên quan hệ cung - cầu, thị trường lúa gạo thế giới có nhiều dấu hiệu chững lại trong niên vụ 2012/2013. Mặc dù, tổng cầu tăng với mức tăng cao hơn tổng cung, nhưng do dự trữ đầu kỳ tăng và sản lượng trong niên vụ tăng nên thương mại có thể sẽ giảm.
Đồng thời, nhiều quốc gia nhập khẩu trong khu vực châu Á như Philíppin, Inđônêxia... đã có kế hoạch tăng sản lượng nhằm đến mục tiêu tự bảo đảm nhu cầu nội địa sẽ ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu gạo của Việt Nam, không chỉ trong năm 2013 mà cả trong tương lai.
Một điểm đáng lưu ý nữa là Ấn Độ tiếp tục được áp dụng chính sách tự do xuất khẩu gạo trong năm 2013 với một khối lượng gạo dự trữ rất lớn và giá cả cạnh tranh. Trong khi Mianma đã có dấu hiệu cải cách và trong tương lai gần có thể sẽ trở lại với vị thế là một quốc gia xuất khẩu gạo. Những điều này cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Trước những dự báo này, chính sách đối với phát triển thị trường lúa gạo trong năm 2013, có nhiều điểm cần lưu ý. Trước hết, Nhà nước cần tập trung hỗ trợ để các doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn “Cánh đồng mẫu lớn” hoàn tất việc xây dựng các vùng chuyên canh phục vụ cho mục tiêu chế biến và kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, tập trung hỗ trợ về khuyến nông; cho nông dân vay vốn mua vật tư, máy móc thiết bị sản xuất lúa gạo; hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư xây dựng kho tàng, máy sấy và các cơ sở hạ tầng cần thiết phục vụ cho vùng chuyên canh.
Tiếp theo, Nhà nước ưu tiên hỗ trợ chi phí phơi sấy và gửi lúa tạm trữ của nông dân tại kho của doanh nghiệp thực hiện mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) công nhận. Ngân hàng NN&PTNT sẽ phối hợp với các doanh nghiệp này xác nhận và kiểm soát lượng lúa tạm trữ của nông dân để cho vay vốn. Nông dân có quyền bán lúa cho doanh nghiệp hoặc bán ra ngoài khi hết thời gian hỗ trợ tạm trữ (3 tháng). Giá mua lúa là do doanh nghiệp thỏa thuận với nông dân ngay từ đầu vụ và doanh nghiệp chịu quyết định về hoạt động kinh doanh của mình. Nhà nước ưu tiên tạo điều kiện để các doanh nghiêp này tham gia các hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo.
Đồng thời, Nhà nước phải tập trung quy hoạch và tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất lúa gạo, hỗ trợ hoạt động dồn điền đổi thửa, hỗ trợ tập trung ruộng đất, hỗ trợ xây dựng các hình thức kinh tế hợp tác của nông dân, hỗ trợ xây dựng liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân tại các vùng chuyên canh lúa xuất khẩu để mở rộng mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” tại các vùng này.
Cà phê: kỷ lục và những lo ngại
Năm 2012 là một năm kỷ lục với ngành cà phê Việt Nam. Sản lượng xuất khẩu, giá trị xuất khẩu tăng cao so với cùng kỳ. Theo số liệu Bộ NN&PTNT, cả năm xuất khẩu ước đạt 1,76 triệu tấn với trị giá 3,74 tỷ USD, tăng 40% về lượng và 36% về giá trị so với năm trước. Hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam là Mỹ (chiếm 12% thị phần) và Đức (chiếm gần 12% thị phần) vẫn tăng trưởng khá cả về lượng và giá trị. Đáng chú ý, thị trường Inđônêxia có mức tăng trưởng đột biến, gấp 5,6 lần về lượng và giá trị so với năm trước.
Ngành cà phê Việt Nam có nguy cơ suy giảm sản lượng do cây già cỗi. Ảnh: toiyeucaphe.com |
Việc tập trung xuất khẩu vào thời điểm hái rộ như những năm trước đây đã khiến cung vượt cầu, làm giá giảm. Trong năm qua, các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê đã điều tiết được lượng xuất khẩu ổn định và dàn đều trong các tháng trong năm. Nhờ đó, cà phê Việt đã tránh được các cú sốc về giá trên thị trường thế giới. Đồng thời, giá cà phê xuất khẩu của nước ta cũng đã cải thiện, bình quân đạt 2.137 USD/tấn. Mức chênh với giá thế giới đã ngày càng thu hẹp, cho thấy chất lượng cà phê Việt đang được cải thiện và uy tín của các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam đang khởi sắc.
Tuy nhiên, sự phát triển của ngành cà phê vẫn còn tiềm ẩn bất ổn ở những khâu sản xuất và chế biến. Hiện nay, diện tích canh tác cà phê của ta đã lên tới gần 615 nghìn ha, vượt 23% quy hoạch tổng thể ngành này đến năm 2020. Do đó, khó có khả năng tiếp tục mở rộng. Mặt khác, năng suất trung bình của cà phê hiện nay là 2 tấn/ha, cao gấp rưỡi so với mức năng suất trung bình của Inđônêxia. Mức năng suất này cũng là mức cao nhất trong số các quốc gia sản xuất cà phê Robusta. Do đó, khả năng tăng sản lượng trong tương lai thông qua tăng diện tích và năng suất là không nhiều.
Điều đáng lo ngại nhất với ngành cà phê Việt Nam trong những năm tới là nguy cơ suy giảm sản lượng do vườn cây già cỗi. Theo tính toán, hiện nay có gần 60 nghìn ha cà phê (tương đương chừng 10% diện tích) đã trên 20 năm tuổi. Nếu không thực hiện tái canh có hiệu quả thì trong 5 năm tới, sản lượng cà phê Việt Nam có thể giảm khoảng 40%.
Chế biến cà phê cũng là một lĩnh vực hạn chế của nước ta trong thời điểm này. Mặc dù đã hơn 30 năm cà phê Việt bước ra thị trường thế giới nhưng cho đến nay vẫn có trên 95% lượng cà phê xuất khẩu của nước ta ở dạng cà phê nhân. Số lượng nhà máy chế biến hiện có chỉ giải quyết chưa đến 6% lượng cà phê nhân hàng năm và chế biến xong chủ yếu tiêu dùng thị trường trong nước.
Với những cảnh báo này, cần sớm phải có những can thiệp đủ mạnh, tìm lối ra để giải quyết những hạn chế ở các khâu sản xuất và chế biến hiện nay thì việc duy trì kim ngạch xuất khẩu cà phê sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong những năm tới.
Xuất khẩu thủy sản nhiều thuận lợi
Năm 2013, Việt Nam vẫn còn có những cơ hội đối với xuất khẩu thủy sản. Theo Tổ chức Nông - Lương Liên hợp quốc (FAO), thủy sản hiện đang là mặt hàng thực phẩm được tiêu thụ mạnh nhất, giai đoạn từ năm 2012 - 2015, sức tiêu thụ mặt hàng này trên toàn cầu sẽ tăng trưởng khoảng 0,8%/năm, tổng nhu cầu thủy sản và các sản phẩm thủy sản tăng khoảng 2,1%/năm.
Năm 2012, ngoại trừ xuất khẩu sang thị trường EU bị suy giảm, còn lại, Việt Nam vẫn giữ được tăng trưởng xuất khẩu thủy sản sang các thị trường lớn khác như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và các thị trường tiềm năng như Trung Quốc, ASEAN, Ôxtrâylia. Dự báo, xuất khẩu sang các thị trường này nhiều khả năng vẫn sẽ thuận lợi trong năm 2013.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tham gia đề xuất giảm mức thuế xuất nhập khẩu cho các mặt hàng thủy sản trong các Hiệp định đàm phán song phương và đa phương sẽ ký trong thời gian tới. Điều này tạo cơ sở giảm giá tiêu thụ hàng hóa thủy sản Việt Nam, tăng sức cạnh tranh tại các thị trường mục tiêu.
Tuy nhiên, vấn đề nổi cộm hiện nay chính là chuyện thiếu nguyên liệu đầu vào cho chế biến và xuất khẩu. Việt Nam đang ngày càng phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu từ bên ngoài, dẫn đến xuất khẩu tăng nhưng xuất siêu giảm. Bên cạnh đó, giá thức ăn thủy sản không ngừng leo thang, lãi suất ngân hàng cao và nguồn vốn tín dụng khó tiếp cận, doanh nghiệp vật lộn với cạnh tranh và suy thoái... là những bài toán khó, chưa được tháo gỡ.
Trên thị trường thế giới, những thách thức chủ yếu vẫn từ khu vực thị trường EU, do suy thoái kinh tế và khủng hoảng nợ công. Nhật Bản và Mỹ cũng gặp khó khăn kinh tế nhất định. Ngoài ra, cạnh tranh từ các nước sản xuất, rào cản thương mại từ các thị trường nhập khẩu cũng là trở ngại lớn đối với xuất khẩu thủy sản của nước ta.
Trong bối cảnh trên, có nhiều lưu ý về mặt chính sách đối với việc phát triển những mặt hàng này trong năm 2013. Cụ thể, cần rà soát và tổ chức quy hoạch, điều tiết lại diện tích, quy mô, sản lượng nuôi cá, tôm phù hợp với đánh giá nhu cầu thị trường. Đồng thời, tổ chức tốt xuất khẩu, khắc phục tình trạng doanh nghiệp cạnh tranh lẫn nhau và bị nhà nhập khẩu ép giá.
Bên cạnh đó, cần có sự hỗ trợ quy hoạch và đầu tư cơ sở hạ tầng nuôi và chế biến phù hợp với từng vùng để hướng tới sản xuất bền vững, khẩn trương tìm ra căn nguyên của dịch bệnh năm 2012 để tạo nguồn nguyên liệu cùng các giải pháp phòng ngừa cho sản xuất, xuất khẩu năm 2013.
Công Thắng
(Chuyên gia của Viện Chính sách và Phát triển nông nghiệp nông thôn)