Kỹ thuật ủ cây ngô sinh khối để làm thức ăn chăn nuôi

Các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp hướng dẫn bà con kỹ thuật ủ cây ngô sinh khối để làm thức ăn chăn nuôi.

Chú thích ảnh
Ngô sinh khối được thu hoạch và sơ chế ngay tại khu vực trồng. Ảnh: Hữu Quyết

Những năm gần đây, việc trồng ngô sinh khối để làm thức ăn cho chăn nuôi được Bộ Nông nghiệp & PTNT và các địa phương quan tâm là hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhằm rút ngắn thời gian sản xuất, hạn chế sâu bệnh, rủi ro trên đồng ruộng, giảm công chăm sóc, chủ động thời vụ cho cây trồng vụ sau, tăng hệ số sử dụng đất và tăng hiệu quả kinh tế cho người dân.

Cây ngô sinh khối được xem là loại thức ăn giàu dinh dưỡng chỉ đứng sau nhóm cỏ Slyto, Centro, Alfalfa, đậu tương, các thành phần dinh dưỡng có trong cây ngô gồm chất xơ không tan trong môi trường trung tính, môi trường axit, hàm lượng chất xơ thấp (ít tiêu hao năng lượng dễ tiêu hóa), hàm lượng protein cao,… và được ví như là “Một mũi tên bắn trúng nhiều đích”.

Thời điểm lý tưởng để thu hoạch cây ngô sinh khối đem ủ chua thức ăn là khi 50% số bắp trên cây ở giai đoạn chín sáp (Chín sáp là khi ta dùng móng tay ép các hạt ngô thấy bột sền sẹt, nữa đặc nữa lỏng không có dịch chảy ra). Nếu thu hoạch mà để bắp ngô quá già thì cây ngô tích lũy nhiều vật chất khô, lá ở phần gốc bị úa vàng, khô và không thuận lợi trong việc ủ chua thức ăn. Khi thu hoạch ngô sinh khối làm thức ăn gia súc là thu hoạch toàn bộ cây và bắp, không bỏ bắp riêng vì hạt ngô có chứa đường tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình lên men. Nếu ủ chua những cây ngô không có bắp thì không cho loại thức ăn ủ chua có chất lượng tốt.

Người chăn nuôi có thể dùng hố ủ hoặc túi ủ,… ủ nhiều hay ít tùy thuộc vào số lượng gia súc của hộ gia đình và chuẩn bị các nguyên liệu gồm thân, lá, bắp cây ngô đã được phơi héo (100%), rỉ mật (5 - 10%), muối ăn (0,5 %), men vi sinh (nếu có). Sau khi đã chuẩn bị các nguyên liệu, dụng cụ, người chăn nuôi tiến hành ủ theo các bước sau:

Bước 1: Cây ngô sinh khối sau khi thu hoạch được cắt ngắn 3 - 5 cm được phơi dưới nắng nhẹ khoảng 4 - 6 tiếng, giảm bớt hàm lượng nước, cứ 2 tiếng đảo 1 lần, đảm bảo nguyên liệu héo đều, tránh tình trạng nguyên liệu phía trên qúa khô, dưới còn tươi xanh và khi ta nắm chặt một nắm lá trong lòng bàn tay sau đó mở bàn tay ra và quan sát các nếp trên lá để lại các đường không rõ ràng và ấm (độ ẩm đạt 65 - 70 %) không rỉ nước hoặc lá không bị gãy nát chính là trạng thái lý tưởng đạt tiêu chí kỹ thuật.

Bước 2: Cho nguyên liệu đã chuẩn bị sẵn vào hố ủ (hoặc túi ủ) và nén chặt. Nếu sử dụng hố ủ, cần rãi 1 lớp rơm khô hoặc cỏ khô dày 20 cm xuống đáy hố, sau đó mới cho lớp nguyên liệu độ dày 40 - 60 cm. Sau mỗi lớp thức ăn cần nén chặt và rãi đều. Hố ủ làm ở những chỗ cao ráo, sạch sẽ, thoát nước, nếu sử dụng quy mô lớn và lâu dài nên làm hố bằng gạch, xi măng.

Bước 3: Hỗn hợp gồm rỉ mật, muối ăn, men vi sinh (nếu có): Dùng ozoa có dung tích 8 - 10 lít, lấy hỗn hợp đã trộn trên vào 5 lít nước sạch tưới đều cho mỗi lớp ngô đã chất vào trong hố ủ trước khi nén. Cứ 1 lớp nguyên liệu là 1 lớp hỗn hợp trên, làm như vậy cho đến hết nguyên liệu cần ủ.

Bước 4:  Rải 1 lớp rơm khô hoặc cỏ khô có độ dày 20 cm, dùng tấm bạt hoặc tấm lợp che kín trên bề mặt hố để che mưa, che nắng.

Lưu ý để thức ăn ủ chua đạt chất lượng đòi hỏi người ủ phải nén thật chặt, tưới thật đều. Sau khi ủ 6 -7 tuần tiến hành cho gia súc ăn. Thức ăn đảm bảo chất lượng sau khi ủ có màu vàng sáng, có mùi thơm. Lấy cho gia súc ăn lớp trên cùng thường hay có màu tối đen thì loại bỏ không cho gia súc ăn.

Cây ngô sau khi đã ủ lên men đúng kỹ thuật có thể dự trữ trong vòng một năm mà chất lượng không bị ảnh hưởng. Đặc biệt, khi cho bò sữa ăn bằng cây ngô ủ chua, chất lượng sữa tăng lên. Hàm lượng chất béo trong sữa trước chỉ đạt khoảng 3%, nay có thể đạt từ 3,8 - 4%. Ngoài ra, trước đây, khi bò cho ăn không đạt tiêu chuẩn, lượng sữa chỉ đạt khoảng 8 – 9 tấn trong chu kỳ 305 ngày. Hiện nay, trung bình một con bò có thể đạt được gần 12 tấn sữa trong một chu kỳ, không những thế có những con bò đã đạt 15 tấn sữa trong một chu kỳ.

Trồng ngô sinh khối có ưu điểm hơn rất nhiều so với trồng ngô lấy hạt, đó là lợi thế về thời gian canh tác, chi phí, lao động... Nếu ngô lấy hạt mất gần 5 tháng mới cho thu hoạch, ngô sinh khối chỉ cần 3 tháng. Người chăn nuôi có thể trồng được 2 vụ/năm. Ngoài ra, các chi phí về vật tư, lao động cũng giảm đáng kể.

Báo Tin tức/TTXVN
Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn để tăng giá trị đất đai
Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn để tăng giá trị đất đai

Những năm qua, du lịch nông nghiệp, nông thôn đã trở thành lựa chọn hấp dẫn cho du khách khi muốn tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa, con người và cuộc sống tại các vùng đất nông thôn trong cả nước; đồng thời, tạo cơ hội để các vùng đất nông thôn tận dụng tiềm năng, thế mạnh để tăng giá trị cho đất đai và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN