Kinh tế TP Hồ Chí Minh có tín hiệu lạc quan

Đánh giá tổng quan về kinh tế - xã hội quý I/2014, UBND TP Hồ Chí Minh khẳng định kinh tế thành phố đã có những bước phục hồi và ổn định hơn so với 2 năm trước. Cụ thể, tổng sản phẩm nội địa (GDP), đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng trưởng tín dụng, sức tiêu thụ bất động sản... đều tăng. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, đây là những tín hiệu cho thấy, năm nay bức tranh kinh tế thành phố sẽ “sáng sủa” hơn năm 2013.


Điểm sáng FDI


Theo UBND TP Hồ Chí Mính, quý I/2014 mặc dù tổng kim ngạch xuất khẩu ba tháng đầu năm giảm 7%, CPI chỉ tăng 1,15%, nhưng GDP, FDI, giao dịch chứng khoán, tăng trưởng tín dụng, sức tiêu thụ bất động sản đều tăng... Trong đó, điểm sáng nhất là FDI với mức tăng ấn tượng 95,62%.

Các mặt hàng xuất khẩu của TP Hồ Chí Minh có mức tăng trưởng khá.


Theo Ban quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX - KCN) TP Hồ Chí Minh (Hepza), tính đến ngày 25/3, tổng vốn đầu tư, kể cả cấp mới và điều chỉnh đạt 277,45 triệu USD, tương đương 50,45% kế hoạch, tăng 95,62%. Trong đó, đầu tư nước ngoài là 243,54 triệu USD, tăng 97,26%; đầu tư trong nước đạt gần 34 triệu USD, tăng 64,97%. Tổng kim ngạch xuất khẩu trong quý I của các KCX - KCN khoảng 955 triệu USD, tăng gần 1%. Ông Hồ Xuân Lâm, Chánh văn phòng Hepza, cho biết: Để có kết quả này, một phần là nhờ sự kêu gọi đầu tư của thành phố từ nhiều năm trước. Bên cạnh đó, các công ty phát triển cơ sở hạ tầng cũng đã tích cực kêu gọi đầu tư và Ban quản lý KCX - KCN đã hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) trong việc kêu gọi thu hút đầu tư... Đặc biệt, việc thu hút đầu tư những tháng đầu năm đã tập trung vào các ngành nghề mũi nhọn, có hàm lượng công nghệ cao.

Bên cạnh vốn FDI tăng mạnh, thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong quý I/2014 của thành phố cũng diễn biến thuận lợi để DN duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh. Theo đó, quý I/2014 tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh ước đạt 0,12%. Nhiều chuyên gia cho rằng, mức tăng trưởng tín dụng tuy đạt thấp, nhưng đây là diễn biến bình thường vì quý I các hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thường chưa sôi động. Tuy nhiên, tín hiệu tích cực là tín dụng trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt lĩnh vực xuất khẩu, tăng trưởng khả quan. Theo đó, dư nợ cho vay ngoại tệ 3 tháng đầu năm ước tăng 3,8%. Tín dụng đối với 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên đạt 133.081 tỷ đồng, tăng 3,84% so với cuối năm 2013. Điều này chứng tỏ dòng vốn tiếp tục điều chỉnh theo cơ cấu tích cực và phù hợp với diễn biến của kinh tế vĩ mô.
Niềm tin tạo dòng tiền


Theo TS Đinh Thế Hiển, Giám đốc Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng, với những điểm sáng trên, cộng với thông tin hỗ trợ tích cực, thị trường chứng khoán (TTCK) có những phiên “thăng hoa” và tăng ấn tượng, bởi TTCK được xem là nơi đầu tiên mà nhà đầu tư gửi gắm niềm tin. Đỉnh điểm là ngày 27/2/2014, giá trị giao dịch trên sàn HOSE lên tới gần 3.500 tỷ đồng, cao nhất trong lịch sử giao dịch của TTCK Việt Nam. Đáng chú ý, TTCK quý I/2014 tăng trưởng mạnh chủ yếu là do đóng góp của các nhà đầu tư nội địa (chiếm khoảng 88%). Đây thực sự là một tín hiệu khá bất ngờ trên thị trường vốn xem nhà đầu tư nước ngoài là một tác nhân quan trọng định hướng cho TTCK Việt Nam.


Bên cạnh đó, các ngân hàng chủ trương giảm lãi suất cho vay và đẩy mạnh tín dụng khiến nguồn tiền gián tiếp chảy vào TTCK tăng mạnh. Đồng thời, động thái này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho DN duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh. Có thể thấy, nguồn vốn của hệ thống ngân hàng đã ổn định hơn và quy mô nguồn vốn giá rẻ ngày càng có xu hướng mở rộng.


Tuy nhiên, TS Đinh Thế Hiển cho rằng, kinh tế năm nay sẽ khả quan hơn năm 2013 nếu các giải pháp của Chính phủ được thực thi một cách quyết liệt. Đáng lưu ý, trong đó có việc nâng cao chất lượng - hiệu quả đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và cải tổ lại hệ thống ngân hàng thương mại, gồm cả việc xử lý nợ xấu và tái cấu trúc lại hệ thống ngân hàng thương mại theo hướng chuyên biệt hơn và kiểm soát rủi ro cao hơn. Khả năng phục hồi của nền kinh tế sẽ diễn ra chậm do các DN cần thời gian để hồi phục và thị trường cũng cần có thời gian để cải thiện dần sức cầu.

 
Bài và ảnh: Hải Yên - Hoàng Tuyết

Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường
Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường

Ngày 10/4, đoàn công tác Ban chỉ đạo Trung ương thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X) về "Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa"...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN