Kinh tế Mỹ xuất hiện thêm các tín hiệu tích cực

Bất chấp tốc độ phát triển đáng thất vọng -2,9% trong ba tháng đầu năm, kinh tế Mỹ trong những tháng gần đây tiếp tục xuất hiện thêm những dấu hiệu tích cực, báo hiệu đà phục hồi khả quan hơn trong quý II/2014.

Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn báo cáo điều tra, công bố ngày 1/7, của Viện Quản lý nguồn cung (ISM) cho biết chỉ số hoạt động của các nhà máy, công xưởng trên toàn nước Mỹ trong tháng Sáu vừa qua đạt 55,3 điểm, cao ngang mức 55,4 điểm trong tháng trước đó. Chỉ số hoạt động trên 50 điểm báo hiệu nền kinh tế đang trên đà được mở rộng.

Công nhân GM lắp ráp ôtô tại nhà máy Lansing Grand River ngày 28/10. Ảnh: AFP/TTXVN


Đơn đặt hàng từ các nhà máy trong tháng qua tăng 2%, nâng công suất sử dụng nguồn lực và thiết bị tại các nhà máy lên 79,1%. Chi tiêu của người tiêu dùng, yếu tố đóng góp hơn 70% vào các hoạt động của nền kinh tế Mỹ, trong hai tháng qua cũng tăng khá mạnh, nhất là với các mặt hàng sử dụng lâu bền. Một trong những biểu hiện đó là doanh số bán ra của các dòng xe ô tô tại thị trường Mỹ trong tháng Sáu tăng mạnh nhất trong vòng 8 năm qua, tới 1,2%.

Chuyên gia kinh tế kỳ cựu của công ty Ameriprise Financial, ông Russel Price, cho rằng khu vực sản suất năng động hơn là một bằng chứng báo hiệu viễn cảnh phát triển khả quan hơn của toàn bộ nền kinh tế. Hầu hết các chuyên gia kinh tế có chung nhận định rằng các yếu tố nhất thời tác động tiêu cực tới nền kinh tế như thời tiết khắc nghiệt của mùa Đông vừa qua hầu như không xuất hiện trong những tháng qua. Số lượng việc làm mới được tạo ra trong 4 tháng qua ở mức trung bình hơn 200.000/tháng cũng khẳng định thêm chiều hướng cải thiện của thị trường lao động, giữ tỷ lệ thất nghiệp chung tại Mỹ ở mức 6,3%. Với các dấu hiệu tích cực hơn này, các chuyên gia dự báo tốc độ tăng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý II/2014 có thể đạt tới 3,5% so với mức 2,2% như dự báo trước đây.

Các dấu hiệu tốt dần lên từ nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc đã ngay lập tức tác động vào thị trường chứng khoán, các chỉ số chủ lực tại thị trường Mỹ như Dow Jones, Standard & Poor 500 và Nasdaq Composite trong ngày 1/7 đều tăng ở mức tương ứng 0,8%, 0,7% và 1,1%. Như vậy kể từ đầu năm tới nay, Dow Jones, Standard & Poor 500 và Nasdaq đã lần lượt tăng tổng cộng 2,3%, 6,8% và 6,8%, phản ánh rõ lòng tin của các nhà đầu tư vào nền kinh tế lớn nhất thế giới.


TTXVN/Tin Tức
Kinh tế Mỹ suy giảm mạnh nhất trong 5 năm qua
Kinh tế Mỹ suy giảm mạnh nhất trong 5 năm qua

Trong quý I/2014 vừa qua, Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, đã đối mặt với mức trưởng tệ hại nhất trong 5 năm qua. Tuy nhiên, không có dấu hiệu cho thấy đầu tàu kinh tế thế giới rơi trở lại vào suy thoái.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN