Kinh tế 2011 về đích trong bộn bề thách thức

Với con số nhập siêu hàng hóa năm 2011 được kiểm soát ở mức 9,9% trên tổng kim ngạch xuất khẩu-mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua, bức tranh kinh tế Việt Nam 2011 đã có được mảng sáng quan trọng, tạo tiền đề cho năm kế hoạch mới. Tuy nhiên, thách thức đặt ra với năm 2012 cũng đang đè nặng khi hai chỉ tiêu rất quan trọng là tăng trưởng GDP và lạm phát (CPI) đều khó hoàn thành nếu không có sự nỗ lực vượt bậc của các bộ, ngành, đi kèm với giải pháp điều hành vĩ mô kiên định, quyết liệt và linh hoạt hơn.

Nghị quyết 11 đúng hướng

Tại buổi họp báo công bố số liệu kinh tế xã hội năm 2011 do Tổng cục Thống kê (TCTK) chủ trì ngày 29/12, Tổng cục trưởng TCTK Đỗ Thức khẳng định: Nghị quyết 11 của Chính phủ đã đi đúng hướng và phát huy hiệu quả khá rõ nét, nhất là trong kết quả kiểm soát lạm phát, kiểm soát nhập siêu và đảm bảo an sinh xã hội.
Theo đó, tổng phương tiện thanh toán năm 2011 chỉ tăng 10% so với tháng 12/2010, thấp hơn kế hoạch đề ra là 15-16%; tổng dư nợ tín dụng tăng 12%, thấp hơn kế hoạch đề ra là dưới 20%. Đây là mức tăng thấp nhất so với các năm trở lại đây và có tác động quan trọng trong kiềm chế tăng giá tiêu dùng bởi giá cả luôn gắn chặt với tiền tệ và vòng quay tiền tệ. Nhờ vậy, CPI năm 2011 được kiểm soát ở mức 18,13%. "Còn nếu để tổng phương tiện thanh toán tăng lên 15% thì CPI năm 2011 đã vọt lên 25-27%. Vì vậy, dù mục tiêu kiềm chế lạm phát chưa hoàn thành nhưng là minh chứng rõ nét về giải pháp đúng hướng trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ" - ông Thức nhấn mạnh.

Sản xuất bánh nhân hải sản xuất khẩu tại Công ty cổ phần Dịch vụ và Xuất nhập khẩu Hạ Long (Tổng công ty Thủy sản Hạ Long). Ảnh: An Đăng - TTXVN


Đồng tình với quan điểm này, Vụ trưởng vụ Tài khoản quốc gia Hà Quang Tuyến nhấn mạnh: Năm 2011, nhờ các giải pháp đúng hướng và hiệu quả của Nghị quyết 11, mặc dù vốn đầu tư công bị cắt giảm, điều chuyển nhưng số dự án hoàn thành và đi vào hoạt động trong năm đã tăng hơn 1.053 dự án so với năm 2010, đóng góp cho tăng trưởng GDP trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm, tỷ lệ hộ đói nghèo vẫn tăng nhưng đều ở mức thấp rõ rệt so với năm 2010. GDP cả năm ước tăng 5,89% so với năm 2010 trong bối cảnh khó khăn cũng đã là mức tăng khá và hợp lý.

Còn bộn bề thách thức

"Mặc dù tổng phương tiện thanh toán và tăng trưởng dư nợ tín dụng đều tăng thấp hơn nhiều so với kế hoạch đề ra nhưng CPI vẫn "vọt" qua chỉ tiêu đã điều chỉnh 18% để dừng chân ở mức 18,13%. Đây chính là thách thức lớn trong việc kiểm soát lạm phát của năm 2012 và các năm tiếp theo bởi lượng tiền bị tích tụ trong nhân dân nhiều năm qua vẫn còn rất lớn và lớn hơn nhiều so với tăng trưởng GDP", ông Thức cho hay.

Trong khi đó, với nhiều giải pháp thắt chặt tín dụng và kiểm soát tổng phương tiện thanh toán để kiểm soát CPI, mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6-6,5% trong năm 2012 cũng sẽ thực hiện khó khăn, nhất là khi đây là năm được dự báo nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới có nguy cơ tái khủng hoảng, gây tác động bất lợi với Việt Nam-một nền kinh tế có độ mở lớn thứ hai trong khu vực, sau Malaixia.

Chỉ ra các thách thức trong việc kéo lạm phát tiêu dùng năm 2012 xuống mức bằng khoảng 50% so với thực hiện năm 2011, Vụ trưởng Vụ Giá TCTK Nguyễn Đức Thắng cho biết: Lạm phát của Việt Nam đang bị chi phối bởi chính các đặc điểm nội tại của nền kinh tế như: Khả năng cạnh tranh kém, chất lượng tăng trưởng không bền vững, cơ cấu đầu tư kém hiệu quả và tốc độ tăng trưởng tín dụng cao trong nhiều năm. Bên cạnh đó, Việt Nam nhập khẩu hàng hóa chủ yếu là USD nên khi giá thế giới tăng lên một mặt bằng mới, chính sách điều hành tỷ giá VND/USD của năm 2012 phải thận trọng và linh hoạt để tránh tình trạng lạm phát kép như cách điều hành chính sách tỷ giá của năm 2011.

Ở một góc độ khác, Vụ trưởng Vụ Thương mại TCTK Lê Thị Minh Thủy cũng cho rằng năm 2012 cũng phải quyết liệt hơn đối với nhóm hàng hóa thuộc diện kiểm soát nhập khẩu. Bởi chỉ có 2/6 nhóm hàng hóa thuộc diện này tăng trong năm 2011 nhưng đã khiến nhóm này tăng tới 42% so với năm 2010. Đặc biệt, nhóm vàng và các sản phẩm bằng vàng chiếm 50% tỷ trọng tổng nhóm hàng cần kiểm soát đã tăng trên 101,6% gây áp lực cho kiểm soát nhập siêu.

Ngoài ra, do tỷ trọng gia công trong hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vẫn rất lớn và tỷ trọng sử dụng nguyên liệu nhập khẩu cho hàng hóa tiêu dùng trong nước cũng khá cao trong khi công nghiệp phụ trợ chưa được đầu tư phát triển thích đáng như hiện nay thì kiểm soát tận gốc nhập siêu vẫn là những thách thức đặt ra.

Cần sự điều hành kiên định và linh hoạt

Theo ông Đỗ Thức, dự báo khả năng lạm phát tiềm năng cho năm 2012 vào khoảng từ 10,3-10,5%. Trong khi đó, với thực tế lạm phát nhiều năm nay, lạm phát tiềm năng sẽ cao hơn lạm phát thực tế từ 1-2%. Do vậy, trong điều kiện không có đột biến lớn và giữ không tăng tổng phương tiện thanh toán, lạm phát 2012 sẽ có thể xuống mức một con số. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, giải pháp điều hành sẽ phải kiên định, quyết liệt và hết sức linh hoạt.

Phó Tổng cục trưởng TCTK Trần Thị Hằng đánh giá, nền kinh tế buộc phải thực hiện quyết liệt việc tái cơ cấu trong một vài năm tiếp sau mới mong kiểm soát tốt được lạm phát. Theo đó, tín dụng chỉ nên tăng trưởng ở mức từ 10-15% và quan trọng hơn, việc phân bổ tín dụng cần tập trung vào những ngành lĩnh vực như nông nghiệp, sản xuất phục vụ xuất khẩu làm tăng GDP; trong đó lĩnh vực nông nghiệp cần tập trung đầu tư không chỉ để ổn định an ninh lương thực, giá lương thực bình ổn mà còn đảm bảo an sinh xã hội, tạo thêm việc làm cho khu vực nông dân, nông nghiệp, nông thôn bởi khu vực này cho đến nay vẫn chiếm tới gần 80% dân số. Ngoài ra, lĩnh vực công nghiệp phụ trợ cũng cần được tập trung tín dụng để giảm dần lệ thuộc vào nguyên vật liệu nhập khẩu, từ đó giảm nhập siêu và tăng thêm giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu. Cùng với các chính sách tài khóa và tiền tệ thận trọng để kiểm soát được tổng cầu, công tác điều hành giá cũng rất quan trọng.

Nguyễn Kim Anh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN