Kiều hối chững lại do tác động từ thị trường Mỹ

Lượng kiều hối về TP Hồ Chí Minh có dấu hiệu chững lại và nhiều khả năng sẽ chỉ đạt khoảng 5 tỷ USD, thay vì 5,5 tỷ USD như ước tính từ đầu năm 2016.

Theo các chuyên gia, điều này do ảnh hưởng từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ trong tháng 11/2016 và tâm lý giữ USD của người dân. Tuy nhiên, lượng kiều hối sẽ có khả năng tăng vào dịp Tết nguyên đán sắp tới.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, lượng kiều hối từ Mỹ chiếm khoảng 60% trong tổng lượng kiều hối của Việt Nam. Vì thế, khi thị trường này biến động sẽ tác động lớn đến tổng lượng kiều hối về Việt Nam.

Mặt khác, hiện nay thông tin về khả năng tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong tháng cuối năm 2016 khiến nhiều người có tâm lý giữ USD. Bởi lẽ, tại Việt Nam, việc gửi tiền tiết kiệm không hấp dẫn do lãi suất đồng USD chỉ ở mức 0%/năm.

Ngoài ra, theo ông Minh, còn một nguyên nhân nữa khiến lượng kiều hối về Việt Nam giảm là do Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) chưa có bước tiến mới nên tâm lý đón đầu cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam giảm sút.

Lượng kiều hối về Việt Nam giảm sẽ ảnh hưởng đến nguồn vốn đổ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, quan trọng nhất là Ngân hàng Nhà nước có những chính sách điều hành, kiểm soát tỷ giá. Thêm nữa, nguồn cung ngoại tệ trên thị trường Việt Nam hiện nay khá đa dạng từ hoạt động xuất khẩu, du lịch...

Phân tích về tình hình biến động tỷ giá trong thời gian gần đây, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Đầu tư - Kinh tế của Dragon Capital cho rằng, đồng USD mạnh lên chỉ ở mức từ 1 - 2% là không đáng kể. Tuy nhiên, người dân Việt Nam chưa có thói quen với cơ chế thị trường, đặc biệt là những ảnh hưởng từ biến động nền kinh tế thế giới. Vì vậy, có thể thấy, tỷ giá biến động từ tháng 11 đến nay, chủ yếu do yếu tố tâm lý hơn là do cung - cầu thị trường.

Ghi nhận tại thị trường TP Hồ Chí Minh, mặc dù trong những ngày qua tỷ giá biến động nhưng tiền gửi ngoại tệ của cá nhân, doanh nghiệp vào các hệ thống ngân hàng thương mại trên địa bàn không biến động đáng kể. Song song đó, dư nợ cho vay trong 11 tháng năm 2016 của TP Hồ Chí Minh ước đạt hơn 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 16,2% và cao hơn bình quân của cả nước là 2%; trong đó, dư nợ cho vay ngoại tệ chiếm gần 10% trong dư nợ cho vay.

Dự báo về tình hình lượng kiều hối về Việt Nam trong thời gian tới, ông Nguyễn Hồng Huệ (Peter Hong), Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, cho rằng, cùng với sự kêu gọi của Chính phủ và những tín hiệu tích cực của nền kinh tế trong nước, là yếu tố thu hút kiều bào về nước làm ăn hoặc chuyển tiền về đầu tư; trong đó, những lĩnh vực mà kiều bào nhận thấy có cơ hội và tích cực "chen chân" vào là công nghệ cao, ngân hàng, dịch vụ...

Với kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ ngân hàng nhiều năm, ông Nguyễn Hồng Huệ, cho biết, nhiều doanh nhân kiều bào có nguyện vọng và nhu cầu chuyển kiều hối về Việt Nam với mục đích đầu tư, kinh doanh. Trên thực tế cũng có thể thấy, lượng kiều hối về Việt Nam đang dần dần đi vào con đường chính thức, tức chuyển tiền thông qua hệ thống ngân hàng.

Tính đến hết tháng 11/2016, lượng kiều hối về TP Hồ Chí Minh đạt khoảng 4,36 tỷ USD. Tuy nhiên, số lượng đăng ký tại các chi hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài trên khắp thế giới thì dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 sẽ có khoảng 120.000 đến 130.000 kiều bào về nước ăn Tết. Theo đó, lượng kiều hối về Việt Nam dự đoán sẽ tăng mạnh trong dịp này.

Mỹ Phương - Xuân Anh (TTXVN)
Bất động sản “nóng” nhờ kiều hối tăng mạnh
Bất động sản “nóng” nhờ kiều hối tăng mạnh

Lượng kiều hối về Việt Nam những năm gần đây luôn là dòng vốn góp phần phát triển kinh tế. Đặc biệt, một lượng lớn đổ vào thị trường bất động sản (BĐS) đã góp phần tăng thanh khoản cho thị trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN