Kiểm toán nhà nước: Gói kích thích kinh tế đạt hiệu quả kép

Đây là khẳng định của GS TS Vương Đình Huệ, Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tại buổi họp báo về kế hoạch kiểm toán năm 2011 của KTNN, tổ chức sáng 3/3.

Tại buổi họp báo này, KTNN cũng công bố kết quả kiểm toán năm 2010 niên độ 2009 và kết quả kiểm toán 5 chuyên đề: Sử dụng trái phiếu chính phủ, chương trình miễn giảm thuế, gói hỗ trợ lãi suất, tín dụng cho sinh viên và sử dụng kinh phí kiểm tra nhà nước đối với ngành thủy sản.

Kích cầu trọng tâm, hiệu quả kịp thời

Theo KTNN, trong chương trình kiểm toán gói kích thích kinh tế của Chính phủ (triển khai trong năm 2009) nhằm chống suy giảm kinh tế, KTNN đã kiểm toán 21 tổ chức tín dụng (ngân hàng nhà nước và TMCP), công ty tài chính trong diện triển khai gói hỗ trợ lãi suất (HTLS).

Theo đó, dư nợ cho vay tính đến 31/12/2009 là 347.590 tỉ đồng. Số tiền Nhà nước đã chi cho hỗ trợ lãi suất là 11.178 tỉ đồng (tương đương 621 triệu USD), bằng 61,1% tổng số tiền mà Chính phủ quyết định chi để HTLS (cả gói là 1 tỉ USD, tương đương 18.000 tỉ đồng, tỷ giá thời điểm đó).

Việc kiểm toán HTLS được KTNN tiến hành tại 209 chi nhánh trên cả nước và kiểm toán được hơn 91% tổng số tiền Nhà nước đã chi cho HTLS. Ngân hàng Nhà nước, được Chính phủ giao triển khai chủ trì chương trình đã phối hợp hiệu quả với các bộ, ngành triển khai kịp thời, quyết liệt các quyết định về cho vay HTLS.

Tập đoàn dệt may Việt Nam được Kiểm toán Nhà nước đánh giá là DN Nhà nước có năng lực cạnh tranh cao. Ảnh: Hà Thái - TTXVN


Kết quả cho thấy, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu tác động lớn đến nước ta, gói kích thích kinh tế của Chính phủ thực thi kịp thời đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) giảm bớt khó khăn trong hoạt động SXKD (thực tế chi phí lãi vay năm 2009 của các DN chỉ bằng 40 – 50% so với năm 2008 và 2010).

Gói HTLS của Chính phủ đã giúp hàng triệu hộ gia đình, DN duy trì, ổn định sản xuất, giải quyết việc làm và đảm bảo thu nhập cho người lao động (giúp DN giảm giá bán, tiêu thụ hàng hóa tồn kho, có vốn để duy trì sản xuất...).

Qua kiểm toán, đối với các khoản vay trung, dài hạn, đã giúp DN, hộ sản xuất gia tăng hoạt động đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần mở rộng sản xuất, tạo thêm động lực kích thích đầu tư, tiêu dùng của nền kinh tế, góp phần tích cực trong việc ngăn chặn suy giảm kinh tế ở nước ta.

“Gói kích thích kinh tế của Chính phủ đã đạt được hiệu quả kép bởi số tiền HTLS giải ngân thực tế chỉ bằng 61% so với tổng số tiền trong gói HTLS. Các DN đã được tiếp cận vốn với tổng giá trị hơn 800.000 tỉ đồng. Gói kích cầu đã đạt được mục đích, hiệu quả và tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội, kể cả các tổ chức tài chính quốc tế”, ông Vương Đình Huệ nói.

Tuy nhiên, KTNN cũng cho biết, qua kiểm toán gói kích thích kinh tế cũng đã phát hiện một số tổ chức tín dụng, tài chính chi HTLS không đúng đối tượng, KTNN đã đề nghị thu hồi với giá trị gần 52 tỉ đồng. Ngoài ra, thanh tra nội bộ ngân hàng cũng đã phát hiện các tổ chức tín dụng chi HTLS sai đối tượng và đã thu hồi khoảng 200 tỉ đồng.

Hiệu quả của DNNN được cải thiện

Qua kiểm toán năm 2010 niên độ 2009, KTNN kiến nghị xử lý tài chính 17.059 tỷ đồng gồm các khoản nợ đọng phát hiện tăng thêm 698 tỷ đồng. Các khoản phải nộp, hoàn trả và quản lý qua ngân sách nhà nước 7.849 tỷ đồng; các khoản xử lý khác 1.068 tỷ đồng.

So với năm 2009, tổng số kiến nghị xử lý tài chính qua kiểm toán năm 2010 tăng 16%. Tuy nhiên, tỷ lệ kiến nghị tăng thu, giảm chi trong tổng kiến nghị tài chính của năm 2010 giảm so với năm 2009.

Nguồn: Báo cáo KTNN 2010 niên độ 2009

Lãnh đạo KTNN tỏ ra lạc quan khi cho biết, sau khi kiểm toán 28 doanh nghiệp nhà nước – DNNN (tập đoàn, tổng công ty), kết quả cho thấy nhiều DN đã sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.

Cụ thể như Tập đoàn Dầu khí Quốc gia, tính đến 31/12/2009, tổng giá trị tài sản của tập đoàn vào khoảng 18 tỉ USD, trong đó, vốn chủ sở hữu chiếm tới 60%. Kết quả kinh doanh qua kiểm toán năm 2009 của tập đoàn này đạt doanh thu tăng 24% và lợi nhuận/vốn là 25%. Năm 2009, tập đoàn tự bổ sung vốn chủ sở hữu được 30.000 tỉ đồng.

Với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông, chỉ kiểm toán mảng viễn thông, tài sản của tập đoàn trị giá khoảng 6 tỉ USD (gồm máy chủ, đường dây, trạm phát sóng...), vốn chủ sở hữu của tập đoàn chiếm xấp xỉ 33%.

Đặc biệt là Tập đoàn Dệt may Việt Nam, KTNN đánh giá là một tập đoàn có hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả cả về mặt kinh tế và xã hội. Với tổng tài sản của tập đoàn chỉ trị giá khoảng 1 tỉ USD nhưng đang tạo việc làm cho khoảng 140.000 lao động với thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng. KTNN đánh giá cao hoạt động của Tập đoàn Dệt may Việt Nam và khẳng định, đây là một trong số ít các DNNN có năng lực cạnh tranh trên toàn cầu.

Ông Huệ cho biết, trong kế hoạch năm 2011, KTNN sẽ kiểm toán 151 đầu mối kiểm toán trong đó có 27 tập đoàn kinh tế, tổng công ty (tăng 11% so với năm 2010). Các kết quả kiểm toán về tính hiệu quả của các tập đoàn, tổng công ty sẽ được KTNN đánh giá trên quan điểm khoa học, khách quan và đầy đủ nhất.

Xuân Hương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN