Kiểm soát chặt sản phẩm động vật nhập khẩu

Trước nhiều ý kiến người dân cho rằng Việt Nam nhập khẩu nhiều sản phẩm động vật khiến chăn nuôi trong nước gặp khó khăn, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, không chỉ xuất khẩu, hiện việc nhập khẩu sản phẩm động vật đang được thực hiện theo đúng quy định Luật Thú y, Luật An toàn thực phẩm và các cam kết thương mại quốc tế khi Việt Nam đã tham gia WTO và Tổ chức Thú y Thế giới.

Theo ông Nguyễn Văn Long, bất kỳ sản phẩm động vật nào trước khi vào Việt Nam phải qua nhiều bước.

Đầu tiên là nước xuất khẩu nộp hồ sơ để Cục Thú y đánh giá các thông tin liên quan theo yêu cầu như: tình hình dịch bệnh, quy định về giám sát dịch bệnh, quản lý giám sát điều kiện vệ sinh thú y chuỗi sản xuất… để tiến hành phân tích rủi ro nhập khẩu.

Sau khi nước xuất khẩu gửi hồ sơ đánh giá, ngành thú y sẽ có đánh giá và báo cáo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nếu hồ sơ hợp lệ thì Việt Nam sẽ có đoàn công tác sang kiểm tra thực tế để đánh giá xem có đúng như hồ sơ.

Căn cứ vào kết quả phân tích rủi ro nhập khẩu và kết quả kiểm tra thực tế đạt yêu cầu, căn cứ vào các quy định, hướng dẫn của Tổ chức Thú y Thế giới và các hiệp định có liên quan đến kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật mà Việt Nam đã ký kết, hai bên sẽ thống nhất điều kiện nhập khẩu, mẫu Giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu vào Việt Nam.

Cơ quan thẩm quyền của nước xuất khẩu phải tiến hành gửi hồ sơ đăng ký cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm thịt gia cầm làm thực phẩm vào Việt Nam theo quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều của Luật An toàn thực phẩm.

Cục Thú y tiến hành thẩm định, kiểm tra, đánh giá hồ sơ đăng ký xuất khẩu của từng cơ sở (kết hợp với kiểm tra thực tế khi cần thiết), cơ sở nào đạt yêu cầu mới được đưa vào danh sách cơ sở được phép xuất khẩu vào Việt Nam.

“Trải qua các bước trên, chưa sản phẩm nào có quá trình đánh giá dưới 5 năm”, ông Nguyễn Văn Long cho biết.

Sau khi sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam, ông Nguyễn Văn Long cho biết, các lô hàng sản phẩm thịt vẫn phải được kiểm dịch nhập khẩu theo quy định và cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch nhập khẩu.

Bên cạnh đó, ngành thú y thực hiện lấy mẫu kiểm tra theo chương trình giám sát để kiểm tra các chỉ tiêu an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thịt nhập khẩu.

“Như vậy, việc kiểm dịch, kiểm soát sản phẩm động vật từ các nước vào Việt Nam được tổ chức thực hiện chặt chẽ, phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm sản phẩm thịt được kiểm tra, giám sát của cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu và kiểm soát chặt chẽ khi nhập khẩu”, ông Nguyễn Văn Long khẳng định.

Bên cạnh đó, để kiểm soát, ngăn chặn tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới, ngăn chặn các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm xâm nhiễm vào Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành, tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, cảng biển, đường sông,… để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép vào Việt Nam.

Lực lượng quản lý thị trường tại địa phương tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật trái phép vào Việt Nam, gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc trên thị trường.

Trong bối cảnh chăn nuôi còn gặp nhiều khó khăn do chi phí vật tư đầu vào tăng cao, thị trường tiêu thụ bất ổn và nhiều thời điểm giá sản phẩm đầu ra xuống sâu, người chăn nuôi, các hiệp hội kiến nghị cơ quan chức năng tăng cường các biện pháp phi thuế quan với sản phẩm nhập khẩu, đặc biệt là ngăn chặn sản phẩm buôn bán trái phép để bảo vệ sản xuất trong nước cũng như sức khỏe người tiêu dùng.

Hiện có 29 quốc gia được phép xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật vào Việt Nam.

Bích Hồng (TTXVN)
Lúa 'sốt' giá, nông dân Đồng Tháp vừa mừng, vừa lo
Lúa 'sốt' giá, nông dân Đồng Tháp vừa mừng, vừa lo

Thời gian gần đây, với sự biến động mạnh của thị trường thế giới, giá lúa tại tỉnh Đồng Tháp, cũng như trên địa bàn cả nước tăng liên tục. Người trồng lúa ở Đồng Tháp vui mừng vì bán được giá cao hơn, nhưng cũng đang thấp thỏm lo lắng vì chi phí sản xuất, phân bón tăng theo và hợp đồng mua bán với thương lái không ổn định.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN