Kiềm chế tăng giá hàng hóa trong siêu thị

Sau một thời gian giá xăng, giá điện tăng, hiện nay, thêm một số hàng hóa đầu vào đã tăng giá nên các siêu thị “rục rịch” điều chỉnh giá bán.

Các siêu thị thận trọng

Theo khảo sát của phóng viên, các mặt hàng tại các hệ thống siêu thị tại TP Hồ Chí Minh chưa có dấu hiệu tăng giá đột biến. Đại diện hệ thống siêu thị Sài Gòn Co.op cho biết, đến nay doanh nghiệp (DN) này chưa nhận được đề nghị tăng giá từ các nhà cung cấp. Thời gian tới, nếu có đề nghị tăng giá, Sài Gòn Co.op cũng sẽ kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo những đề nghị này phải hợp tình hợp lý. Với sức mua hiện nay, người tiêu dùng chịu áp lực tăng giá của nhiều chi phí sinh hoạt nên rất dè dặt mua hàng hóa nên bản thân DN cũng rất thận trọng khi xem xét tăng giá.

Các siêu thị có thể giữ ổn định giá hàng hóa thông qua việc giảm mức chiết khấu cho các nhà cung ứng. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN


Tương tự, tại hệ thống siêu thị Big C TP Hồ Chí Minh, mặt bằng giá chung vẫn ổn định. Các nhà cung cấp đang hợp tác với Big C nhằm đảm bảo giá thành sản phẩm hợp lý, ổn định lâu dài. Không những thế, hệ thống siêu thị Big C còn liên tục tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi nối đuôi, với gam hàng rộng (hơn 1.000 sản phẩm/lần), giảm giá sâu đến 49% và nhiều chương trình rút thăm trúng thưởng cho khách hàng thân thiết…

Tại Hà Nội, giá hàng hóa tại các siêu thị cũng chưa có nhiều đột biến. Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết, có lác đác một số mặt hàng tăng giá, đa phần là các mặt hàng bán nhanh như kẹo bánh, nước giải khát… Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng, các siêu thị và các DN sản xuất có nhiều cách tăng giá rất tinh vi, thông qua việc giảm trọng lượng, thay đổi mẫu mã chứ không đơn thuần là tăng trực tiếp vào giá.

Cần chia khó với doanh nghiệp cung ứng

Nhận định về việc một số siêu thị hiện nay làm ăn không lành mạnh, đặt ra quá nhiều yêu cầu với các nhà cung ứng về tỷ lệ chiết khấu, phí tạo mã… gây khó cho DN, ông Vũ Vinh Phú nhấn mạnh: “Các siêu thị phải tỉnh táo lại, đừng ‘ăn’ một mình vì sẽ không bền”.

“Tháng 6 này, độ trễ tăng giá đã hết nên giá sẽ tăng một cách vừa bí mật, vừa công khai với mức chỉ 1-2%. Các nhà quản lý phải theo dõi kĩ mới phát hiện được chứ nếu chỉ nhìn bề mặt thì sẽ thấy hầu như chưa tăng giá”.

Ông Vũ Vinh Phú nhận định.

Dù đã có nhiều năm sản xuất các mặt hàng thực phẩm đóng hộp song các mặt hàng của công ty M.H (quận Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn chưa “chen” được vào các hệ thống siêu thị. Trong thời gian dài, chị H.N., chủ DN này phải chạy khắp nơi làm đầy đủ các thủ tục mà siêu thị yêu cầu để chứng minh tiêu chuẩn, xuất xứ hàng hóa. Đặc biệt, hầu hết các siêu thị đều yêu cầu DN phải tính chiết khấu với tỷ lệ khá cao, vượt quá khả năng của một DN nhỏ mới thành lập như M.H. Lý giải về mức chiết khấu cao, các siêu thị cho rằng, đây là chi phí cho nhiều khâu như hỗ trợ doanh số bán hàng, hỗ trợ khuyến mãi, hỗ trợ bày bán, tờ rơi...

Ông Nguyễn Thành Lưu, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ tiếp cận hệ thống phân phối bán lẻ Việt Nam khẳng định: “Hầu như hàng của các DN nhỏ muốn vào siêu thị lớn là rất khó. Tôi được biết, riêng chi phí ‘dưới ngăn bàn’ để có thể vào được hệ thống các siêu thị của Hà Nội vào khoảng hơn 50 triệu đồng”. Tiết lộ của một số DN tại TP Hồ Chí Minh cũng cho thấy, để đưa được hàng vào một số siêu thị, các DN phải “lót tay” thì hồ sơ mới được giải quyết sớm.

Nhiều loại phí còn được tăng định kỳ. Chẳng hạn, hằng năm các hệ thống siêu thị tăng mức chiết khấu thương mại từ 1 - 3%. Đại diện một nhãn hàng cà phê có tiếng xác nhận, để đưa hàng vào siêu thị, DN phải chấp nhận mức chiết khấu thấp nhất 20-30%, thậm chí có siêu thị đòi mức chiết khấu 42%. Do đó, nhiều doanh nghiệp cho biết đưa hàng vào siêu thị hầu như không có lãi, thậm chí lỗ. Chính vì thế, nhiều DN khi đưa được hàng hóa vào siêu thị thì giá hàng hóa phải “đội” lên khá cao so với giá tại các kênh phân phối khác.

Về phía các siêu thị có nhiều lý do để lý giải điều này như số lượng quầy, kệ có hạn, không thể ngay lập tức thay thế những nhãn hàng có doanh số ổn định bằng các nhãn hàng hoàn toàn mới; sản phẩm của các DN vừa và nhỏ trong nước không bảo đảm cung cấp một cách ổn định nên siêu thị rất khó hỗ trợ.
Hoàng Dương - Lê Nghĩa
Giá cước vận tải “nhấp nhổm” tăng
Giá cước vận tải “nhấp nhổm” tăng

Sau lần thứ 3 giá xăng tăng kể từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp vận tải đang “nhấp nhổm” tăng giá cước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN