Kịch bản kinh tế Việt Nam 2015: cạnh tranh khốc liệt

Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, mặc dù giữa năm 2013 và cả năm 2014, nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn đang còn ở trong giai đoạn trì trệ, tốc độ tăng trưởng chậm và đang còn phải đối diện với những khó khăn ngắn hạn, vẫn chứa đựng những nguy cơ tiềm ẩn. Đây thực sự là áp lực đè nặng cho doanh nghiệp (DN) Việt.


Để các DN, các nhà quản lý có cái nhìn sâu rộng và đầy đủ, từ đó có thể xây dựng kế hoạch chiến lược hoạt động phù hợp và hiệu quả, sáng ngày 22/1 Thời báo Kinh tế Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Kịch bản kinh tế Việt Nam 2015: Hội nhập sâu rộng, cạnh tranh khốc liệt” tại TP Hồ Chí Minh.


Kinh tế Việt Nam tuy đã phục hồi nhưng vẫn chậm và yếu


Tại hội thảo, các chuyên gia đều đánh giá cao sự điều hành của Chính phủ, giúp nền kinh tế Việt Nam có sự chuyển biến tích cực, thị trường tài chính – tiền tệ ổn định. Điều này biểu hiện qua việc thanh khoản ngân hàng được đảm bảo, lãi suất huy động và cho vay đều giảm, cung cầu ngoại tệ được duy trì ổn định, tỷ giá Việt Nam đồng so với đô la Mỹ ít biến động và được điều chỉnh tăng để khuyến khích xuất khẩu, hỗ trợ tăng trưởng và củng cố tâm lý thị trường, dự trữ ngoại hối tăng khá mạnh… Tăng trưởng tín dụng cải thiện tăng nhẹ so với năm trước và đạt kế hoạch đề ra từ 12 -14%...


Ngoài ra, theo ông Lê Vĩnh Tân, UV BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế TW, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đã đạt được kết quả bước đầu, qua đó tác động tích cực đối với ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng. Thực hiện tái cơ cấu, các DN nhà nước đã thực hiện đẩy mạnh cổ phấn hóa và thoái vốn; các ngân hàng đã đẩy lùi được nguy cơ đổ vỡ hệ thống, ổn định được thanh khoản, tích cực hỗ trợ vốn cho sản xuất kinh doanh của DN, xử lý nợ xấu đạt được kết quả bước đầu….


Tuy nhiên, TS Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy Ban kinh tế Quốc hội, cho rằng nền kinh tế vẫn tồn tại 3 nhóm DN: nhóm 1 là DN mạnh tiếp tục tồn tại phát triển, nhóm 3 là DN đang chống đỡ để tồn tại, nhóm 3 là DN đã “chết” và “không còn thuốc chữa.” Hiện nay, chính sách kinh tế đang tập trung vào nhóm 2 để nhóm này khởi sắc, trở thành nhóm 1 chứ không trở thành nhóm 3. Theo đó, Chính phủ nên để thị trường trở về đúng quy luật của nó và tự sát nhập để kinh tế ổn định và phát triển hơn.


Thực tế, các giải pháp điều hành của Chính phủ trong đầu năm 2015, thông qua Nghị quyết 01/NQ-CP đều hướng vào mục tiêu phục hồi khu vực kinh tế trong nước, giải quyết đồng bộ 4 vấn đề: sức mua của thị trường, xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng thương mại gắn với chính sách tiền tệ linh hoạt; làm ấm thị trường bất động sản và hỗ trợ sự phục hồi tăng trưởng của 5 lĩnh vực kinh tế ưu tiên trong nước. Với giải pháp này, nhiều chuyên gia kì vọng, tăng trường kinh tế năm 2015 sẽ đạt 6,2%, lạm phát khoảng 5%.


Hải Yên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN