Khuyến cáo người nuôi tôm rải vụ để tránh thua lỗ

Tính đến cuối tháng 9/2023, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản ở tỉnh Trà Vinh đạt gần 58.000 ha, tăng hơn 1.500 ha so cùng kỳ năm 2022; trong đó, diện tích nuôi thủy sản tập trung vùng nước mặn, lợ của tỉnh chiếm hơn 53.600 ha.

Chú thích ảnh
Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh mật độ cao của người dân thị xã Duyên Hải. Ảnh: Thanh Hòa/TTXVN

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, tuy mùa vụ nuôi thủy sản năm nay tăng về diện tích, đạt về năng suất, nhưng hầu hết người dân nuôi thủy sản vùng nước mặn, lợ, nhất là tôm sú, tôm thẻ chân trắng đều không có lợi nhuận, thậm chí nhiều hộ thua lỗ do giá tôm thương phẩm giảm mạnh đầu năm 2023 đến nay.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, ở xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang cho biết, gia đình có 0,4 ha ao nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức thâm canh. Do giá tôm giảm thấp, ông phải “neo” ao tôm hơn 30 ngày để chờ giá, nhưng kết quả giá tôm càng giảm thêm. Ao tôm nuôi không thể “neo” lâu nên buộc lòng ông phải thu hoạch bán với giá cách nay 3 ngày chỉ từ 85.000 – 110.000 đồng/kg (tùy loại). Theo ông Hoàng, chưa năm nào giá tôm sú, tôm thẻ giảm thấp kéo dài liên tục như năm nay. Thu hoạch tôm bán không có lãi, bị thua lỗ hơn 50 triệu đồng chi phí tiền thức ăn, nên ông không tái vụ mà chuyển sang nuôi cua biển.

Theo ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, giá tôm liên tục giảm mạnh từ những tháng đầu năm đến nay là do ảnh hưởng các nước Ecuador, Ấn Độ cạnh tranh cung ứng nhiều tôm giá rẻ. Trong khi, giá thành nuôi tôm của Việt Nam nói chung, tỉnh Trà Vinh nói riêng cao hơn, nên các doanh nghiệp chế biến tôm gặp khó khăn trong xuất khẩu tôm.

Trước tình hình trên, ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh khuyến cáo nông dân trong tỉnh không qua bi quan, nên tái vụ nuôi nhưng chọn giải pháp nuôi rải vụ để hạn chế mức thấp nhất rủi ro thiệt hại do biến đổi thời tiết, môi trường nước diễn biến xấu. Việc nuôi tôm rải vụ giúp nông dân tránh được tình trạng thu hoạch tập trung, sản lượng tôm thương phẩm nhiều dễ bị rớt giá do cung vượt cầu.

Đối với hộ nông dân không có đủ diện tích đất bố trí qui trình kỹ thuật an toàn hệ thống ao để nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng theo hình thức thâm canh mật độ cao nên chuyển sang nuôi cua biển, nuôi cá, nuôi sò huyết,… để đảm bảo nguồn thu nhập cho gia đình. Nhiều năm nay, nông dân nuôi cua biển đều có thu nhập cao, nhờ chi phí thấp, giá cua biển ổn định, thị trường tiêu thụ lớn. Bình quân, nuôi cua biển từ 4 – 5 tháng cho năng suất từ 0,8 - 1,2 tấn cua thương phẩm/ha/vụ, lợi nhuận 120 – 150 triệu đồng/ha/vụ.

Tính đến cuối tháng 9/2023, nông dân tại các vùng ven biển trong tỉnh Trà Vinh đã thu hoạch hơn 30.700 ha tôm nuôi, với sản lượng gần 78.000 tấn tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tăng hơn 5.650 tấn so cùng kỳ.

Phúc Sơn (TTXVN)
Phát triển mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến
Phát triển mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến

Nhằm nâng cao hiệu quả mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến trong thời gian tới, tỉnh Cà Mau chú trọng giải pháp đầu tư cơ sở hạ tầng, tổ chức sản xuất, xây dựng các mô hình và vùng nuôi thí điểm, nâng cao chất lượng con giống và vật tư đầu vào, có chính sách hỗ trợ vốn sản xuất phù hợp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN