Không quá lo về sức mua dù CPI tháng Tết giảm

Ngay sau khi Tổng cục Thống kê (TCTK) công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2015 giảm 0,05% so với tháng trước (thấp nhất trong 6 năm trở lại đây), nhiều người lo ngại về sức mua ngày càng giảm.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, một số chuyên gia kinh tế khẳng định, giá xăng dầu giảm là nguyên nhân chính khiến CPI tháng 2 giảm. Sức mua của người dân thường tăng đột biến vào 3 ngày giáp Tết Nguyên đán (từ ngày 16 - 18/2 dương lịch) - mốc thời gian này lại rơi vào chu kỳ tính CPI của tháng sau.

Mua bán hàng hóa có khởi sắc


Theo Cục Thống kê Hà Nội, tổng mức bán ra và doanh thu dịch vụ tháng 2/2015 tại Hà Nội ước đạt 149.332 tỷ đồng, tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn theo ông Thái Văn Rê, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh, riêng tháng 2 năm nay, (tháng Tết Nguyên đán), tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ thành phố ước đạt 52.623 tỉ đồng, giảm 4,2% so với tháng trước nhưng lại tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhận định về dịp Tết vừa qua, ông Nguyễn Thái Dũng - Phó Tổng Giám đốc Big C cho biết: Sức mua tại siêu thị đã tăng gấp 3 - 4 lần ngày thường. “Thị trường tiêu dùng ấm hơn năm ngoái rất nhiều. Năm ngoái, cách Tết một tuần nhưng sức mua vẫn rất èo uột”, đại diện Big C nói, trong khi dịp Tết này, sức mua đã tăng khoảng 15%. Một doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo cho biết: Thị trường có “ấm” lên, tiêu thụ khả quan. Ngoài việc đưa hàng vào các siêu thị, doanh nghiệp này còn tham gia các chuyến bán hàng Tết về nông thôn để mở rộng mạng lưới phân phối, tổ chức gian hàng tại một số tuyến phố.

Người tiêu dùng mua sắm tại Co.op mart Phú Thọ - TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN.


Đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, thị trường các mặt hàng tiêu dùng những ngày cận Tết khá sôi động, nhiều chương trình khuyến mại giảm giá liên tục được các doanh nghiệp đồng loạt áp dụng trong dịp này để thu hút nhu cầu mua sắm cuối năm. Tại các trung tâm thương mại, siêu thị, sức mua vẫn có xu hướng tập trung khá lớn do mặt hàng đa dạng, chất lượng tốt, giá cả ổn định. Tại các chợ dân sinh, hoạt động mua bán cũng khá tấp nập, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng thực phẩm tươi sống, hoa, trái cây, đồ thờ cúng.

Dự báo, CPI tháng tới sẽ không giảm bởi những ngày mua sắm vào thời điểm cận Tết sẽ được tính vào chu kỳ CPI tháng tới. Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng của người dân trong mùa lễ hội tăng.

Xu hướng giá dầu thế giới tăng trong khi việc xả Quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện nay để giữ giá chỉ là một biện pháp tình thế của Nhà nước, không thể sử dụng mãi một công cụ tài chính để bình ổn giá. Bên cạnh đó, giá điện cũng rục rịch tăng.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long


Chia sẻ với phóng viên báo Tin Tức, TS Nguyễn Minh Phong cho biết: “Có 2 lý do phản bác ý kiến cho rằng sức mua của người dân yếu. Thứ nhất: Giá xăng dầu giảm sâu khiến cước vận tải giảm mạnh, giá hàng hóa không tăng. Thứ hai: Người dân đã thay đổi tập quán, cách mua, cơ cấu mua và không tích trữ hàng hóa nhiều như các đợt Tết trước”. Ông Phong còn đưa ra dẫn chứng về sức mua của người dân vẫn khởi sắc, đó là theo Tổng cục Hải quan, lượng nhập khẩu ô tô nguyên chiếc trong tháng 1 đạt gần 9,6 nghìn chiếc, trị giá gần 186 triệu USD, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Còn phía Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam cho hay: Doanh số bán hàng của toàn thị trường tháng 1/2015 tăng đến 80% so với cùng kỳ năm 2014.

Bên cạnh đó, theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, CPI tháng 2 mà TCTK đưa ra là chu kỳ tính đến ngày 15/2 nên CPI tháng 3 mới phản ánh rõ tốc độ mua bán hàng hóa của người dân trong dịp Tết. Tuy nhiên, ông Long cũng cho rằng, CPI tháng 2 giảm cũng là yếu tố bất thường vì thông lệ, CPI tháng Tết thường tăng mạnh. “Đành rằng, cốt lõi CPI tháng 2 giảm là do giá dầu giảm sâu dẫn đến chi phí vận tải hàng hóa giảm nhưng về lâu dài, lạm phát vẫn giảm thì lo nhiều hơn mừng. Vì vậy, việc kiềm chế, kiểm soát lạm phát phải ở mức độ hợp lý. Nếu giảm nhiều quá, giá cả hàng hóa quá thấp khiến doanh nghiệp không mặn mà sản xuất vì không thu được lợi nhuận”, ông Long chia sẻ. Để kích cầu tiêu dùng, Nhà nước tiếp tục có những chính sách giảm, ưu đãi thuế; tăng tiêu dùng của Chính phủ là đầu tư công.

Tiêu dùng có tăng nhưng vẫn thấp

Theo một số chuyên gia kinh tế, CPI hai tháng đầu năm giảm và tăng thấp là do nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân từ các giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, hạn chế tác động của giá cả đối với người tiêu dùng, nhất là ngăn chặn trước các cơn sốt giá thường xảy ra vào dịp Tết. Có nguyên nhân do tổng cầu - những yếu tố có tầm quan trọng hàng đầu tác động đối với lạm phát.

Những yếu tố này từ vài năm nay vẫn yếu, mặc dù có tăng cao hơn trước. Vốn đầu tư trong tháng khởi đầu theo thông lệ còn chậm về nhiều mặt. Tiêu dùng cuối cùng thể hiện chủ yếu ở tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, tuy có cao lên, nhưng vẫn còn thấp hơn so với tốc độ tăng trong những năm từ 2010 trở về trước. Người dân vẫn "thắt lưng buộc bụng", "tích cốc phòng cơ", thể hiện ở tiền gửi tiết kiệm gia tăng mạnh, mặc dù lãi suất huy động đã giảm xuống từ mấy tháng trước đó.

Vì vậy, theo các chuyên gia kinh tế, kiểm soát lạm phát là phải có sự điều hành đồng bộ, nhịp nhàng và tập trung cho lĩnh vực ưu tiên. Đồng bộ là sự thời kết hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa hơn nữa. Nhịp nhàng là điều hành dòng chảy của tín dụng ngay từ những tháng đầu năm, tránh tốc độ tăng dồn vào cuối năm, tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh, đến tình trạng phá sản, ngừng hoạt động, thu hẹp sản xuất, kinh doanh.


Minh Phương


CPI tháng Tết giảm do tác động giá xăng dầu
CPI tháng Tết giảm do tác động giá xăng dầu

CPI tháng 2/2015 giảm so với tháng trước 0,05%, nguyên nhân chính do xăng dầu giảm giá.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN