Không nhập khẩu ô nhiễm

Nhiều dự án đầu tư nước ngoài (FDI) có điểm giống nhau là hướng đến khai thác tài nguyên và nhân công giá rẻ của Việt Nam. Do đó, nếu không có cơ chế kiểm soát tốt, Việt Nam có nguy cơ trở thành một trong những nước “nhập khẩu” ô nhiễm môi trường.

Nhiều doanh nghiệp FDI gây ô nhiễm

TS Doãn Công Khánh, Viện Nghiên cứu Thương mại đánh giá, nếu không được kiểm tra, giám sát chặt chẽ, Việt Nam có nguy cơ trở thành bãi chứa các thiết bị, dây chuyền lạc hậu, nơi tiêu thụ những hàng hóa kém chất lượng. Thực tế cho thấy, tình trạng nhập khẩu các loại phế liệu sắt, thép, ắc quy, tàu cũ… để làm nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất vẫn đang tồn tại những bất cập. Việc mở rộng xuất nhập khẩu thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA) có thể làm gia tăng ô nhiễm môi trường xuyên quốc gia nếu những thay đổi về chính sách, pháp luật và thực thi không theo kịp quá trình hội nhập.

“Việt Nam có nguy cơ trở thành một trong những nước có mức nhập khẩu ô nhiễm cao bởi các tiêu chuẩn về môi trường còn thấp. Hiện nhiều dự án FDI có điểm giống nhau là hướng đến khai thác tài nguyên giá rẻ của Việt Nam. Trong khi đó, nếu các địa phương chỉ chú trọng chạy theo thành tích tăng trưởng, không quan tâm đến mục tiêu phát triển bền vững, dễ dàng trong cấp phép cho các dự án FDI thì nguy cơ ‘lọt lưới’ các dự án gây ô nhiễm môi trường là rất lớn”, TS Khánh cho biết.

Cùng quan điểm, bà Trần Thanh Thủy, Phòng Nghiên cứu chính sách (Trung tâm Con người và Thiên nhiên) cho rằng, quản lý môi trường còn nhiều lỗ hổng. Nhiều địa phương “trải thảm đỏ” cho các doanh nghiệp FDI mà chưa tính đến những thiệt hại về môi trường. Đã có nhiều trường hợp các doanh nghiệp FDI vi phạm trong bảo vệ môi trường như Nhà máy Vedan gây ô nhiễm sông Thị Vải (Đồng Nai) do không xử lý nước thải theo đúng quy định, Nhà máy xi măng Chinfong gây ô nhiễm ở Hải Phòng, Công ty Dệt nhuộm Pangrim gây ô nhiễm tại tại Việt Trì, Phú Thọ. Điều đáng nói là các doanh nghiệp này mặc dù đã từng bị đưa vào danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, từng bị xử phạt nhưng vẫn được tiếp tục mở rộng sản xuất...

Tiến hành niêm phong cụm máy nhuộm vải tại phân xưởng nhuộm Công ty TNHH Mei Sheng vi phạm bảo vệ môi trường. Ảnh: Báo Bà Rịa-Vũng Tàu

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, việc mở rộng, phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế trong thời kỳ hội nhập cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nông nghiệp. Cả nước có 12 triệu hộ gia đình, nhưng chỉ có 26,4 triệu ha đất nông nghiệp và 4,1 triệu ha đất lúa, trong khi chúng ta đang bêtông hóa đất với tốc độ khá cao. Khả năng khai thác, mở rộng diện tích để bù đắp vào diện tích đất lúa đã mất đi là rất hạn chế và khó khăn.

Hoàn thiện chính sách

Hệ thống chính sách quản lý môi trường ở Việt Nam còn nhiều lỗ hổng từ khâu quy hoạch, phê duyệt quản lý dự án đến xử lý vi phạm. “Chế tài xử phạt hiện còn chưa đủ sức răn đe. Đơn cử như năm 2010, cảnh sát môi trường phát hiện Công ty Pangrim xả 2.000 - 2.200 m3/ngày nước thải chưa xử lý ra môi trường trong thời gian dài nhưng công ty này chỉ bị phạt 370 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí xử lý nước thải là 22.000 đồng/m3/tháng với số lượng nước trên là 1,2 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so với số tiền nộp phạt”, bà Thủy nhấn mạnh.

Theo cảnh báo của các chuyên gia quốc tế, trong tương lai nếu không kiểm soát tốt môi trường thì với mỗi 1% GDP tăng, Việt Nam sẽ thiệt hại 3% GDP do ô nhiễm. Nếu tiếp tục tình trạng này, chúng ta sẽ phải trả giá đắt cho cả hiện tại và tương lai. Trong bối cảnh hiện nay, phải có cơ chế phối hợp để xây dựng và triển khai các chính sách phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường. Nhà nước cần có hệ thống chính sách và cơ chế quản lý theo hướng hợp nhất các mục tiêu môi trường vào kế hoạch phát triển của quốc gia, ngành và địa phương.

Ông Nguyễn Minh Đức, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, hội nhập kinh tế quốc tế sẽ theo hướng chuyên môn hóa sản xuất. Tuy nhiên, các ngành kinh tế Việt Nam có thế mạnh lại là các ngành sử dụng nhiều tài nguyên hoặc có tác động môi trường lớn như dệt may, da giày... Do đó, các cơ quan quản lý môi trường cần chủ động quan sát các diễn biến của xu hướng đầu tư theo ngành nghề, đồng thời tập trung nghiên cứu kỹ các biện pháp bảo vệ môi trường dành cho các ngành mà Việt Nam đang có xu hướng phát triển mạnh. Cần đưa ra các biện pháp bảo vệ môi trường phù hợp cho từng ngành với những hướng dẫn kỹ thuật về bảo vệ môi trường cụ thể.

Các chuyên gia cũng khuyến nghị, cần xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với hàng hóa, nguyên liệu, máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ nhập vào Việt Nam, tránh biến Việt Nam thành “bãi rác công nghệ” của thế giới. Đồng thời, nhà nước cần chủ động các biện pháp để có thể trợ giúp kỹ thuật đối với các đơn vị sản xuất trong nước để bảo đảm các mục tiêu quản lý môi trường, bảo đảm rằng hàng hóa của Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn của nước nhập khẩu.

TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: “Cần điều chỉnh chính sách ưu đãi để thu hút doanh nghiệp FDI bằng tài nguyên giá rẻ, xem xét loại bỏ những chính sách ưu đãi đầu tư không cần thiết với những loại hình sản xuất hiệu quả thấp và gây tác động môi trường. Cùng với đó, tăng cường giám sát các doanh nghiệp FDI trong việc tuân thủ các tiêu chí bảo vệ môi trường ngay từ khâu thiết kế và lựa chọn công nghệ đến thi công và vận hành để tránh tình trạng những việc xảy ra như vừa qua”.

Bà Trần Thanh Thủy cho biết, hiện nay việc đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) và đánh giá tác động môi trường của dự án (ĐTM) hiện nay còn mang tính chất hình thức. Bà Thủy đề xuất: “Do đó, cần tăng cường sự minh bạch và độc lập trong đáng giá ĐMC và ĐTM bằng cách công khai thông tin trên phương tiện thông tin và trong giai đoạn vận hành của dự án cần có sự tham gia ý kiến của người dân xung quanh dự án để giám sát hiệu quả về vấn đề bảo vệ môi trường”.


Thu Trang
Mua bán trái phép rác thải công nghiệp nguy hại

Dọc tuyến đường 25B từ huyện Long Thành đến Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, có thể dễ dàng nhận thấy hàng chục cơ sở đang chứa và bán các thùng hóa chất, rác thải công nghiệp nguy hại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN