Không lo thiếu thực phẩm những tháng cuối năm

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguồn cung các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm, rau xanh đang khá dồi dào. Dự báo giá cả và nguồn cung cho thị trường thực phẩm trong nước từ nay tới cuối năm sẽ khó có biến động bất thường.

Nguồn cung dồi dào

Theo Cục Chăn nuôi, (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá thịt lợn trên thị trường hiện giảm tới 18% so với thời điểm cao nhất trong tháng 7/2011 và giảm 8% so với đầu tháng 9. Cụ thể, giá thịt lợn hơi tại miền Bắc khoảng 56.000 đồng/kg, miền Nam là 48.000 – 52.000 đồng/kg. Giá thịt gà trắng khoảng 34.000 – 36.000 đồng/kg.

Dự báo từ nay đến cuối năm, nguồn cung thực phẩm cho thị trường khó có biến động bất thường. Ảnh: Trần Việt - TTXVN


Bên cạnh đó, tình hình chăn nuôi hiện nay đang có tín hiệu khả quan. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Cục phó Cục Chăn nuôi cho biết, hiện tổng đàn lợn của cả nước là khoảng 27 triệu con, đàn gia cầm 320 triệu con (tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái).

Hơn nữa, “người chăn nuôi vẫn đang tiếp tục tái đàn. Do vậy, từ nay đến cuối năm, nguồn cung thịt gia súc, gia cầm sẽ đáp ứng đủ nhu cầu người dân”, ông Sơn nói.

Ngoài ra, lượng thịt nhập khẩu vào nước ta đang có xu hướng giảm dần. Từ đầu năm đến nay, nước ta nhập khoảng 75.000 tấn thịt các loại, trong đó chỉ có khoảng 3.000 tấn thịt lợn, còn lại là thịt gia cầm. Nhập khẩu thịt trong tháng 8 là 12.000 tấn, giảm 2.000 tấn so với tháng 7.

“Tổng mức nhập khẩu năm 2011 ước khoảng 100.000 – 110.000 tấn. Mức nhập khẩu này không ảnh hưởng đến sản xuất. Do vậy, người nông dân vẫn yên tâm tái đàn, phục vụ thị trường Tết” - ông Sơn cho biết.

Về rau xanh, theo Cục Trồng trọt, tổng diện tích rau của nước ta hiện khoảng 700.000 – 800.000 ha. Vụ đông 2011, toàn miền Bắc có kế hoạch gieo trồng 520.000 ha, trong đó riêng rau màu khoảng 200.000 – 250.000 ha, năng suất 15 – 20 tấn/ha.

Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: “Với diện tích và năng suất hiện nay, cộng với việc diện tích trồng rau của cả nước đang được mở rộng, sẽ khó xảy ra thiếu hàng và sản lượng rau cơ bản đáp ứng được nhu cầu thị trường, đặc biệt là dịp Tết âm lịch”.

Giá cả bình ổn

Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Trí Ngọc cho biết, do nguồn cung cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của thị trường nên hiện tượng tăng giá đột biến mặt hàng thực phẩm những tháng cuối năm khó xảy ra.

Hơn nữa, “thị trường rau vụ đông khá đa dạng, phong phú về chủng loại và dồi dào về sản lượng, nhất là các loại rau ưa lạnh ở phía Bắc. Do đó, giá rau sẽ ít có khả năng tăng đột biến”, ông Ngọc cho biết.

Dự báo về tình hình thị trường các tháng cuối năm, Cục Chăn nuôi cho biết, nếu tiếp tục kiểm soát được dịch bệnh thì trong tháng 10, tháng 11, giá thịt lợn sẽ tiếp tục giảm. Về thịt gia cầm, hiện chỉ còn 3 tỉnh có dịch cúm gia cầm là: Quảng Ngãi, Thái Bình, Quảng Trị và Nghệ An có dịch lở mồm long móng chưa qua 21 ngày.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Sơn, Cục phó Cục Chăn nuôi cũng lo ngại: “Mùa rét thường xuất hiện nhiều dịch bệnh, dịch bệnh có thể không chỉ dừng lại ở các tỉnh trên”.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần: “Chúng ta bình ổn được giá lương thực nhưng các địa phương không được chủ quan, chỉ cần dịch bệnh bùng phát, giá cả lại biến động ngay lập tức”.

Bên cạnh đó, để giúp ngành chăn nuôi tiếp tục tái đàn, Bộ NN&PTNT đã đề xuất với Bộ Tài chính, Chính phủ hỗ trợ 50% lãi suất vốn vay cho các cơ sở chăn nuôi tái đàn, hỗ trợ về vắcxin phòng dịch cho đàn lợn như: vắcxin tai xanh và vắcxin dịch tả. Ngoài ra, kiến nghị giảm thuế nhập khẩu một số nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chủ yếu như: ngô từ 5% xuống 3%, lúa mỳ từ 5% xuống 0%.

Bên cạnh đó, một số khu vực tiêu thụ sản phẩm lớn như Thủ đô Hà Nội còn có chương trình bình ổn giá nên các mặt hàng thực phẩm nhiều khả năng sẽ không tăng giá đột biến.

H.V

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN